Hướng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu doanh nghiệp

08:10, 16/10/2019

Ngày 15/10/2019, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức hội thảo "Đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2019. Đây là hoạt động giúp "tìm điểm gặp gỡ", kết nối nguồn cung nhân lực với nhu cầu các doanh nghiệp về lao động, việc làm trong bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội hiện nay.

Ngày 15/10/2019, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức hội thảo “Đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2019. Đây là hoạt động giúp “tìm điểm gặp gỡ”, kết nối nguồn cung nhân lực với nhu cầu các doanh nghiệp về lao động, việc làm trong bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội hiện nay.

Hội thảo đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu doanh nghiệp.
Hội thảo đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu doanh nghiệp.

Tiềm năng lao động tại địa phương cao

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà, những năm qua tỉnh đã quan tâm chú trọng phát triển công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động tỉnh nhà.

Giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 122.290 lao động (gồm CĐ, trung cấp, sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên khác).

Quy mô đào tạo nghề nghiệp bình quân hàng năm của tỉnh khoảng 30.000 lao động. Giai đoạn 2016-2019, ước tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp gần 169 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa.

Tại hội thảo, đại diện các trường CĐ, ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ban quản lý khu công nghiệp tỉnh và doanh nghiệp đã tham luận đánh giá, phân tích thực trạng công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh thời gian qua.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Với nguồn nhân lực hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực triển khai nhiều giải pháp tăng cường tuyển sinh, điều chỉnh chương trình, tài liệu và phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại cơ sở.

Song song là đẩy mạnh giải pháp gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để cho học sinh, sinh viên thực tập, thực hành nghề nghiệp tại doanh nghiệp; đồng thời giới thiệu cho các doanh nghiệp tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Ban quản lý Các khu công nghiệp Vĩnh Long, với 13 loại hình ngành nghề trong 2 khu và 1 tuyến công nghiệp tại tỉnh hiện nay, nhu cầu lao động là rất lớn.

Thống kê phần lớn các công ty sản xuất giày da, túi xách, may mặc chiếm lượng lao động gần 24.000 người (khoảng 69% lao động trong 30 doanh nghiệp); các ngành nghề còn lại là sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, vật liệu xây dựng... Với tính chất ngành nghề như vậy nên cơ cấu lao động phổ thông chưa qua đào tạo là rất lớn, khi chiếm 87% trong tổng số lao động.

Theo đơn vị này, ưu điểm hiện có lực lượng lao động của địa phương dồi dào và khả năng thu hút lao động có nhu cầu sinh sống và làm việc tại địa bàn chiếm cao. Tuy nhiên, lực lượng lao động lớn nhưng khả năng thành thạo nghề không nhiều; hầu hết lao động khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo theo yêu cầu mới có khả năng làm việc.

Giải quyết hài hòa cung- cầu nguồn nhân lực

Từ góc độ đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực, có nhiều kiến nghị với công tác phối kết hợp để nâng về lượng lẫn chất cho lực lượng lao động và nguồn nhân lực tỉnh nói chung.

Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Vĩnh Long Võ Thanh Toàn cho biết: Nắm bắt nhu cầu xã hội, từ năm 2017 trường đã mạnh dạn thí điểm mô hình đào tạo tại doanh nghiệp.

Đến nay đã có hơn 50 đơn vị trong ngoài tỉnh đặt hàng tuyển dụng lao động các ngành nghề tại trường. Năm 2019, trường đã giới thiệu gần 600 học viên đến học tập, thực tập sản xuất, lao động trong hè tại các công ty, doanh nghiệp và qua thời gian thực tế, nhiều học viên đã được tuyển vào làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp.

Ths. Đoàn Ngọc Tố- Phòng Quản lý khoa học- Hợp tác đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết, do áp lực giải quyết việc làm cho sinh viên mà hầu hết các trường ĐH, CĐ ở vùng ĐBSCL đã ý thức liên kết với các doanh nghiệp.

Trong khi phía doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với công tác này. Có 74% các trường theo khảo sát có bộ phận quản lý mối liên kết với doanh nghiệp, trong khi ngược lại tỷ lệ này ở doanh nghiệp
chỉ 13%.

“Khởi đầu của sự liên kết này thường xuất phát từ các nhà trường”. Nhận định này đưa đến đề xuất: doanh nghiệp cần chủ động hơn trong liên kết, tìm kiếm nguồn nhân lực từ hệ thống đào tạo nghề nghiệp để “phát huy hết vai trò và lợi ích mà doanh nghiệp nhận được từ nguồn nhân lực”.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, cần phải có sự liên kết này, thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã có bước tiến đáng kể trong liên kết phối hợp với doanh nghiệp.

Đưa người lao động trong tỉnh đi hợp tác lao động nước ngoài cũng là cách đa dạng công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long trao giấy phái cử thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản.
Đưa người lao động trong tỉnh đi hợp tác lao động nước ngoài cũng là cách đa dạng công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long trao giấy phái cử thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long- cho rằng, rất cần “tiếng nói chính kiến từ các cơ sở đào tạo, địa phương và doanh nghiệp” để tỉnh ghi nhận và đưa vào thực tế chỉ đạo điều hành công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực hiện nay.

Trước hết ở đây, ngành lao động- thương binh và xã hội, các trường, địa phương, doanh nghiệp phải làm tốt việc điều tra khảo sát, dự báo nhu cầu lao động, xu hướng ngành nghề, đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động.

“Cần có cầu nối vững chắc, liên kết khắng khít giữa công tác đào tạo nguồn nhân lực với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt trong quản lý ngành và thu hút đầu tư”- lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo.

Vấn đề hiện tại và hướng tới là cần những bước đi cụ thể bằng giải pháp, chương trình phối hợp từ phía cung (cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp) lẫn bên cầu (công ty, doanh nghiệp) để giải quyết hài hòa cung- cầu nguồn nhân lực, mà điều này thì luôn có lợi cho
đôi bên.

Bài, ảnh: MINH THÁI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh