Qua 3 năm thực hiện đề án về xây dựng chi- tổ hội nghề nghiệp đã giúp các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh đổi mới, đa dạng hóa hình thức tập hợp ND, góp phần đổi mới và thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể và các hình thức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn.
Tham gia tổ hội nghề nghiệp trồng khoai mỡ an toàn sinh học, anh Quý (bìa phải) được hỗ trợ nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất. |
Qua 3 năm thực hiện đề án về xây dựng chi- tổ hội nghề nghiệp đã giúp các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh đổi mới, đa dạng hóa hình thức tập hợp ND, góp phần đổi mới và thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể và các hình thức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn.
Giúp nông dân mở rộng sản xuất
Tham gia chi hội nghề nghiệp trồng khoai mỡ an toàn sinh học và nhận được nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ ND (25 triệu đồng), anh Võ Minh Quý (ấp Long Hòa 2, xã Long Mỹ- Mang Thít) xoay xở tốt hơn vì chi phí đầu tư cho khoai mỡ khá cao.
Như ngoài tiền thuê đất (3,5 triệu đồng/công), giá thuê nhân công đào đất, thu hoạch là 200.000 đ/ngày, làm cỏ 120.000 đ/ngày… Trước đây, anh Quý phải mua phân thuốc thiếu và trả lãi khá cao, nhưng “giờ thì có tiền rộng rãi, xoay xở ổn hơn rồi”- anh Quý nói.
Tôi đến ấp Long Phước (xã Long Mỹ) nhân lúc anh Trần Thanh Bình đang xuống giống củ cải trắng. Anh cho tôi biết, năm rồi anh được nhận vốn từ quỹ hỗ trợ ND (25 triệu đồng). Năm nay, anh xin gia hạn lại để mở rộng mô hình từ 5 công lên 7 công đất.
Theo anh Bình, đất ở đây khá thích hợp cho củ cải trắng nên anh trồng quanh năm. Đợt rồi, anh nhổ cải bán được 4.500 đ/kg. Đây là mức giá trung bình. Thời điểm giá cao có thể lên đến 8.000 đ/kg. Thông thường, vào mùa nắng thì củ cải sẽ có giá hơn.
Đáp ứng nhu cầu về lao động, ở ấp Long Phước còn thành lập 1 tổ nhân công với 18 người tham gia. Hiện, giá thuê cuốc đất là 200.000 đ/ngày; rải rơm, tro 130.000 đ/ngày; còn “rảnh giờ nào làm giờ đó” thì được trả 15.000 đ/giờ… Nhân công lao động còn được bao ăn cử sáng. Chỉ cần “a lô” là thức ăn mang tới tận ruộng. “Từ hồi dân mình chuyển trồng lúa sang trồng rẫy thì đời sống khá lên lắm”- anh Bình nhận định.
Theo ông Võ Hiếu Nghĩa- Chủ tịch Hội ND xã Long Mỹ, qua 3 năm (2016- 2019) thực hiện Đề án 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, đến nay hội đã thành lập được 4 tổ hội nghề nghiệp và 1 chi hội nghề nghiệp, gồm: tổ hội nghề nghiệp trồng củ cải trắng an toàn sinh học trên đất ruộng, tổ trồng màu trên đất lúa, tổ cung ứng lao động, thu hoạch nông sản (ấp Long Phước) và chi hội nghề nghiệp trồng khoai mỡ an toàn sinh học (ấp Long Hòa 2).
Nhìn chung, phần lớn chi hội, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn xã thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, quy mô hộ gia đình.
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Ông Võ Hiếu Nghĩa cho biết thêm, mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, có cùng lĩnh vực lao động, chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; được đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước và chỉ đạo trực tiếp của Hội ND cấp trên.
Tùy theo loại hình sản xuất số lượng thành viên từ 5- 30 người, sinh hoạt ít nhất 3 tháng/lần. Tập trung vào việc trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, giá cả, thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại cây con, biện pháp phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cách làm hay, sáng tạo đạt hiệu quả kinh tế.
Việc thành lập mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp còn tạo điều kiện cho hội viên, ND học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; đa dạng hóa mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung có kiểm soát, quy mô hộ gia đình, tạo ra cơ chế liên kết, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, giúp hội viên ND vươn lên làm giàu và góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 274 tổ hội nghề nghiệp với gần 3.000 hội viên, nâng tổng số toàn tỉnh có 2.936 tổ hội nghề nghiệp với gần 53.600 hội viên, chủ yếu là các tổ hội chăn nuôi, sản xuất lúa và trồng cây ăn trái, hoa màu.
Vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân giúp anh Bình mở rộng sản xuất. |
Theo ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh, hiện hội đang từng bước đổi mới các mô hình kinh tế hợp tác, các dự án quỹ hỗ trợ ND, tổ tiết kiệm vay vốn… sang mô hình thống nhất tổ hội nghề nghiệp nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tiền đề để nâng cao chất lượng sinh hoạt hội theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Qua thực hiện đề án gắn với việc thực hiện các mô hình tương trợ, đã có gần 6.000 hộ nhận được sự trợ giúp với trên 8 tỷ đồng, hàng triệu cây, con giống và hàng ngàn ngày công lao động.
Hội cũng đã phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học- kỹ thuật trên 5.200 cuộc với trên 169.000 lượt ND dự; tổ chức các buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các mô hình kinh doanh, giúp ND có việc làm… Qua đó, có trên 3.900 hộ vươn lên thoát nghèo, góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền nâng cao đời sống vật chất và tinh thần hội viên.
“Qua thực hiện đề án, vai trò của tổ chức hội và hội viên từng bước được phát huy rõ nét trong phong trào ND, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương”- ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh- nhận định.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin