Cần tìm hướng mở bên cây cam sành!

07:10, 09/10/2019

Diện tích trồng cam sành tăng mạnh thời gian qua ở huyện Trà Ôn, cộng với giá bán trái cây này xuống thấp có thể đặt ra vấn đề về phát triển bền vững vùng trồng cam sành, nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cây trồng và cơ cấu lại nông nghiệp.

 

 

Cây cam sành ở xã Tân Mỹ.
Cây cam sành ở xã Tân Mỹ.

 

Diện tích trồng cam sành tăng mạnh thời gian qua ở huyện Trà Ôn, cộng với giá bán trái cây này xuống thấp có thể đặt ra vấn đề về phát triển bền vững vùng trồng cam sành, nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cây trồng và cơ cấu lại nông nghiệp.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội 9 tháng qua của UBND huyện Trà Ôn cho thấy, trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đúng định hướng với lĩnh vực trồng trọt chiếm 57,35%, chăn nuôi chiếm 34,41% và dịch vụ nông nghiệp chiếm 8,24%.

Cơ cấu ngành nông nghiệp với lĩnh vực trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp tăng, trong khi đó lĩnh vực chăn nuôi có xu hướng giảm trong 9 tháng đầu năm. Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, nguyên nhân là do tác động của bệnh dịch tả heo Châu Phi và hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

Theo thống kê, diện tích vườn cây lâu năm ở Trà Ôn hiện có 12.223ha, tăng 516,8ha so cùng kỳ; trong đó cây ăn quả 10.257ha, còn lại là cây công nghiệp. Trong tổng số diện tích cây ăn quả, cam sành hiện có 4.356,6ha.

Với 3.142ha, diện tích cam sành trên đất lúa đã chiếm tới 72,12% tổng diện tích cam sành. Diện tích trồng cam sành và nhất là các vườn cam sành trên đất ruộng nở rộ thời gian qua đã áp đảo về diện tích trồng cây có múi, cây đặc sản, như bưởi có hơn 933ha, chôm chôm: hơn 653ha, nhãn: hơn 644ha, măng cụt: hơn 438ha và cuối cùng là xoài, sầu riêng.

Giá trị kinh tế mang lại của cây có múi là rất lớn, nhưng có được tùy từng thời điểm và còn phụ thuộc cung cầu.
Giá trị kinh tế mang lại của cây có múi là rất lớn, nhưng có được tùy từng thời điểm và còn phụ thuộc cung cầu.

Theo dõi từng giai đoạn, có thể thấy diện tích cây cam sành- nhất là cam trên đất lúa- đã tăng cả ngàn hecta trong các năm qua. Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn, diện tích cam sành đang cho hiệu quả kinh tế hơn 2.600ha, chiếm trên 60% vườn cây có múi này. Và bức tranh chung là lợi nhuận từ vườn cây ăn trái đem lại cho nông dân là rất khá so với trồng lúa, như: cam sành: 150-190 triệu đồng/ha; bưởi Năm Roi: 200-300 triệu đồng/ha; nhãn: 50-60 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, rào cản hiện nay là giá cả thị trường trái cam sành xuống thấp, khiến nông dân hoặc huề vốn hoặc có lời nhưng không cao. Điều này khác với thời 5-7 năm trước, khi đi ngang vùng Hựu Thành, Thới Hòa, Thuận Thới... bạt ngàn cam sành và nghe người dân nói với nhau về các vườn cam, ruộng cam thu tiền tỷ.

Theo nông dân, giá bán cam sành tại vườn cho thương lái hiện khoảng 7.000-8.000 đ/kg. Với giá này, người trồng cam sành không lời. Anh Tấn (ấp Mỹ Phú, xã Tân Mỹ) có vườn cam sành trên đất lúa năm nay sắp thu hoạch năm thứ 2 (thu hoạch năm nhất và năm thứ 2 là thời điểm chính để quyết định thu hồi vốn và có lời trong vòng đời canh tác cây cam sành khoảng 5 năm). Theo anh Tấn, nếu làm đạt 10-12 tấn/công và với giá bán tầm 10.000-12.000 đ/kg thì mới có lời.

Vùng cam sành thuộc ấp Mỹ Phú có hàng chục hecta cam các lứa tuổi. “Làm ruộng giờ lúa giá cũng nhiêu ấy, nên bà con nhiều nơi (có điều kiện đất đai, kinh tế) đã chuyển sang trồng cây khác”- chú Tư Luân ngồi cùng góp chuyện. Chú kể vừa mới xuống giống 2 công cam và cây đã lên cơi 1-2. Đây cũng là minh chứng nhỏ cho diện tích cây có múi này tăng mạnh thời gian qua.

Thực tế, nông dân nắm rất rõ luật thời vụ để lấy lại vốn và lợi nhuận. Kinh nghiệm của họ là trong 6 tháng từ cuối năm này đến tầm giữa năm sau thì thị trường “ăn” trái cam nhiều. Tức khi cầu nhiều thì trái cam sành lên giá, khi “đụng hàng” thì rớt giá ngay. Như có hộ trồng cam ở đây hồi tháng 5-6 âl rồi đã cho cam ra thị trường và giá tới 14.000-15.000 đ/kg cam sành, thu vốn nhanh và có lời khá.

Anh Tấn nhìn nhận một điều dễ thấy: diện tích cam sành tăng cao dẫn đến cung vượt cầu và giá bán rẻ lại. Và thị trường tiêu thụ cam sành chủ yếu nội địa: TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây nên chưa đa dạng đầu ra. Vì thế ở góc độ nông dân, ngoài ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, có người còn học hỏi thêm để có nhiều sản phẩm cây trái khác như quýt, chanh,...

Như anh Tấn, ngoài hơn 1ha cam sành, anh học hỏi bà con vùng Thuận Thới để trồng thêm 1ha quýt đường. Mà Thuận Thới trước giờ vẫn bạt ngàn cam sành. “Xuống giống hơn 2 tháng nay, mình coi chuyển hướng từ từ xem sao”- anh Tấn nói nếu không có gì thay đổi đến Tết 2022 là có quýt ra thị trường. Mà theo anh biết, giá quýt giờ vùng Tiền Giang, Đồng Tháp thu mua 20.000-24.000 đ/kg, người trồng thu nhập khá!

Có thể tìm hướng mở trong nội tại phát triển cây cam sành là một chuyện. Và hướng mở với các loại cây trồng khác ở những vùng trồng cam sành là chuyện tiếp theo…

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh