Cùng với việc tập trung nguồn lực, giải quyết những điểm còn hạn chế, tỉnh đã từng bước hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tương đối đồng bộ, tạo đột phá thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển và đẩy nhanh nhịp độ phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón tiếp lãnh đạo Tập đoàn Wagoen (Nhật Bản) đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long. |
Trong định hướng phát triển, tỉnh Vĩnh Long xác định nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa phát triển với việc tận dụng các lợi thế đặc trưng và huy động hiệu quả các nguồn lực của địa phương.
Cùng với việc tập trung nguồn lực, giải quyết những điểm còn hạn chế, tỉnh đã từng bước hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tương đối đồng bộ, tạo đột phá thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển và đẩy nhanh nhịp độ phát triển.
Xây dựng hình ảnh năng động
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong quá trình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 nói chung và hàng năm nói riêng, do nhiều nguyên nhân tác động nên kết quả đạt được có thời điểm không toàn diện và dự báo một số chỉ tiêu kinh tế khó hoàn thành.
Dù vậy, kinh tế của tỉnh tuy tăng trưởng không cao nhưng đang trên đà phục hồi, phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng.
Tận dụng các cơ hội để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển, Vĩnh Long ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, các dự án có sản phẩm thế mạnh cạnh tranh của địa phương.
Bên cạnh tăng cường đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển các kết cấu hạ tầng. Nhất là thu hút được các dự án lớn, tạo điểm nhấn và đầu tư nghiêm túc để góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững.
Để chủ động hội nhập, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện, nhất là mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt trình độ phát triển khá của vùng ĐBSCL, Vĩnh Long đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh xây dựng, quảng bá hình ảnh năng động, hấp dẫn nhà đầu tư qua việc nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh- nhận định: “Thời gian qua, ngoài những chính sách chung của Nhà nước, tỉnh kịp thời ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư và danh mục các dự án trọng điểm cần thu hút đầu tư theo từng thời kỳ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào địa phương.
Với định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Vĩnh Long chú trọng tạo đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực. Chính vì thế, tỉnh quan tâm rất lớn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến Vĩnh Long”.
Hiện nay, với định hướng “Chủ động hợp tác phát triển bền vững”, tỉnh Vĩnh Long không chỉ “mở” theo cách thụ động, chờ cơ hội, mà là chủ động phát huy lợi thế so sánh hiện có, chủ động tìm kiếm, tạo ra cơ hội theo định hướng phát triển.
Ông Lữ Quang Ngời cũng cho rằng: “Một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh hiện nay là tập trung thu hút đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, với xu hướng đầu tư mới và mang tính khả thi cao.
Tỉnh đặc biệt chú trọng mời gọi đầu tư các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; các dự án công nghiệp chế biến nông sản; các dự án có sản phẩm thế mạnh cạnh tranh, tập trung vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo; du lịch sinh thái, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Giai đoạn 2011-2018 tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 5,43%/năm, ước năm 2019 đạt 6,2%, dự báo năm 2020 đạt 6,5%. GRDP năm 2020 dự kiến đạt 37.176 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2011 và tăng 1,26 lần so với năm 2016. GRDP bình quân đầu người năm 2020 dự kiến đạt 53 triệu đồng (tương đương 2.300 USD). Thực hiện cơ cấu lại ngành công thương, ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 13,75%/năm. |
Huy động mọi nguồn lực cho phát triển
Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho rằng: Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt.
Theo đó, tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 7,1%.
Riêng giai đoạn 2016-2018 đạt 36.951 tỷ đồng, đạt 41,5% nghị quyết. Cơ cấu vốn đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tích cực với sự giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực vốn nhà nước và tăng dần vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước.
Trong đó, khu vực nhà nước chiếm 22,22%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước 71,82% và khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) là 5,96%. Bên cạnh, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, tạo thêm diện mạo mới và đã góp phần tích cực phát triển kinh tế- xã hội.
Huy động các nguồn lực là giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. |
Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc: “Với quan điểm phát triển kinh tế nhanh, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung cả nước, Vĩnh Long sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại”.
Vĩnh Long tiếp tục huy động tối đa nguồn nội lực, đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng từng ngành, từng lĩnh vực; đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác lợi thế của từng tiểu vùng…
Cùng với đó, “xác định vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân, Vĩnh Long sẽ không ngừng nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thu hút, huy động nguồn lực này, tạo động lực thúc đẩy, đóng góp quan trọng nhất vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Tỉnh sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuận lợi, dễ dàng tiếp cận trong nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh”- ông Trương Đặng Vĩnh Phúc nhấn mạnh- “Kèm theo đó là 4 quan điểm phát triển: tạo đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Phát huy nội lực, thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao. Phát triển kinh tế- xã hội gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng”.
Cùng với hệ thống hạ tầng hoàn thiện đã góp phần tăng hiệu quả thu hút đầu tư cho các khu công nghiệp của tỉnh. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp, trong các khu- tuyến công nghiệp Cổ Chiên (khu IV) đã thu hút được 63 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư thu hút trên 3.820 tỷ đồng và 553,55 triệu USD, diện tích đất đã cho thuê 262,27ha. Thời gian tới, Vĩnh Long tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng 3 khu công nghiệp mới: Khu công nghiệp Đông Bình 350ha, Khu công nghiệp Bình Tân 400ha và Khu công nghiệp An Định 200ha. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin