Người dân vùng lũ An Giang, Đồng Tháp có câu: "Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ" không chỉ nói riêng con nước, mà còn để nhắc nhau một mùa thu hoạch nông sản, tôm cá. Trong khi năm nay, đã gần giữa tháng 8 mà nước lũ vẫn chưa thấy đâu- đồng nghĩa sẽ thất thu không chỉ tôm cá mà còn phù sa nữa.
Người dân vùng lũ An Giang, Đồng Tháp có câu: “Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ” không chỉ nói riêng con nước, mà còn để nhắc nhau một mùa thu hoạch nông sản, tôm cá. Trong khi năm nay, đã gần giữa tháng 8 mà nước lũ vẫn chưa thấy đâu- đồng nghĩa sẽ thất thu không chỉ tôm cá mà còn phù sa nữa.
“Mấy bữa nay có nước chút đỉnh lên ruộng rồi nhưng còn thấp lắm, chủ yếu do nước mưa”- anh Hiển ở đầu nguồn biên giới ở An Giang vừa cho hay. Theo anh, mấy năm trước “nói hổng có nước nhưng cỡ tháng 7 âm lịch nước cũng chồm bờ ranh”, còn năm nay thì chẳng thấy đâu.
Nói “mùa lũ” nhưng theo nhiều người gọi mùa nước nổi hợp lý hơn. Bởi “lũ” ở miền Tây không phải lũ quét, lũ ống hay ngập úng như vùng khác, mà nước dâng cao từ từ, mang theo nhiều hải sản, tôm cá, nhất là phù sa bồi đắp ruộng đồng. Vì thế mà bao đời nay người dân thường “ngóng” lũ, xem đây là mùa làm ăn.
“Mùa lũ mà không có lũ”- miền Tây đang rơi vào tình cảnh hiếm thấy. Nước không tràn đồng, các ghe xuồng đánh bắt thủy sản đổ về các nhánh sông Tiền, sông Hậu thưa thớt hơn mọi năm. Nhiều ngư dân phải treo lưới, treo lờ… tìm kế khác sinh nhai. Các sản vật tự nhiên khác vùng lũ như bông điên điển, bông súng tự nhiên là nguồn thu nhập đáng kể của người dân đầu nguồn hiện tại cũng thưa vắng.
Ở vùng đầu nguồn, nông dân thường dừng sản xuất xả lũ cho đất nghỉ ngơi để đón phù sa nhưng hiện tại đồng ruộng vẫn “ngóng” nước. Không nước lũ đồng nghĩa không thể tháo chua rửa phèn, xua đuổi chuột bọ, sâu rầy… sản xuất chắc chắn gặp nhiều bất lợi.
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng- Thủy văn, do mùa mưa năm 2019 đến trễ, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài, nên nhiều tỉnh ở ĐBSCL có nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm 2019- 2020.
Sau bao năm lũ “kiệt” từ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, giờ người đồng bằng thấm thía sự mất mát lớn khi nước không về. Không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp mà còn cả sinh kế của nhiều hộ dân, đặc biệt là đối với những người dân nghèo. Những nỗi lo đau thương, mất mát trong mùa lũ không còn, mà giờ đây được thay thế bằng sự mong chờ của chính họ!
HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin