Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ở ĐBSCL ngày càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập. Chính vì thế, cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách phù hợp thúc đẩy KTTN phát triển.
Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ở ĐBSCL ngày càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập. Chính vì thế, cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách phù hợp thúc đẩy KTTN phát triển.
Nông nghiệp- nông thôn là lĩnh vực tỉnh Vĩnh Long khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia. |
Thúc đẩy nền kinh tế địa phương
Theo PGS.TS Vũ Hùng Cường- Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, khoảng cách phát triển của doanh nghiệp (DN) khu vực KTTN vùng Tây Nam Bộ so với vùng Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh ngày một lớn.
Số lượng doanh nghiệp của toàn vùng khoảng 33.000 DN (tổng điều tra năm 2018) chỉ tương đương khoảng 1/7 số DN của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là thiếu vắng những tập đoàn kinh tế, những DN lớn có khả năng dẫn dắt.
Thực trạng này cho thấy nghịch lý từ việc thực thi chính sách còn nhiều vấn đề, theo PGS.TS Vũ Hùng Cường, bên cạnh những nỗ lực của các cấp chính quyền, thì môi trường kinh doanh chưa thật sự được cải thiện, chưa thật sự hấp dẫn.
TS Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA)- cho rằng nền kinh tế vùng ĐBSCL về cơ bản là nền kinh tế quy mô nhỏ, thiếu vắng những DN quy mô lớn.
Tính bình quân cả nước cứ 132 người/DN, ở ĐBSCL là 335 người/DN. Tốc độ tăng DN ở ĐBSCL các năm 2001- 2018 là 9,8%. Trong đó, chỉ có 2 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao trên 10% giai đoạn này là TP Cần Thơ và Long An, cũng là 2 địa phương có số DN nhiều nhất vùng.
Phân tích của TS Võ Hùng Dũng cho thấy, Long An có khởi đầu rất thấp về số lượng DN, xuất khẩu và FDI. Từ năm 2005, FDI vào Long An gia tăng và tiếp tục trong nhiều năm. Từ năm 2015 đã có sự thay đổi mạnh mẽ về số lượng DN, xuất khẩu, bán lẻ hàng hóa.
Tăng trưởng GRDP của Long An thuộc nhóm cao nhất vùng. “Trường hợp của Long An và Tiền Giang được gọi là hưởng lợi từ sự thuận lợi giao thông, sự dịch chuyển dòng vốn từ khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh hay tác động lan tỏa của các đô thị lớn”- TS Võ Hùng Dũng nhận định.
Theo TS Võ Hùng Dũng, nền kinh tế ĐBSCL nuôi sống nhiều người, đóng góp 18% GDP cả nước. Ngoài điểm sáng trong nhiều năm là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông trì trệ, vốn đầu tư thấp. Từ đó, thu hút vốn đầu tư rất thấp.
Trong lĩnh vực FDI, tính chung trong nhiều năm, FDI của vùng chỉ chiếm khoảng 5% tổng FDI đăng ký. Cùng với đó, số lượng DN tăng chậm, nhiều chỉ tiêu về chất lượng hoạt động của DN thấp hơn mức trung bình quốc gia. Tỷ suất di cư thuần rất cao, trong khoảng thời gian 1999- 2019 dân số di cư thuần ra ngoài vùng gần 2 triệu người.
Vĩnh Long tạo động lực cho KTTN phát triển
Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư Vĩnh Long, trong những năm qua, nhất là kể từ năm 2001 và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN”, KTTN trên địa bàn tỉnh ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi, phát triển và đóng góp ngày càng nhiều cho kinh tế- xã hội địa phương.
Cùng với đó, nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN từng bước được nâng lên; cơ chế chính sách về KTTN được triển khai kịp thời và mang lại hiệu quả thiết thực; KTTN được khuyến khích và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển.
Bình quân hàng năm có khoảng 250 DN mới thành lập với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.000 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.576 DN hoạt động với tổng vốn đăng ký 16.170 tỷ đồng và 44.564 hộ kinh doanh (phần lớn DN tập trung tại TP Vĩnh Long, chiếm khoảng 40%).
DN và hộ kinh doanh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò ngày càng tăng trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, hiện chiếm khoảng 50% GRDP, trong đó DNTN chiếm 12,21%; góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Phát triển KTTN góp phần nâng cao năng suất lao động và là một trong những động lực quan trọng để huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đến nay, DNTN và hộ kinh doanh đóng góp khoảng 30% tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, trong đó vốn của tổ chức, DN chiếm 17,6%.
Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh huy động, động viên tư nhân tham gia, là: nông nghiệp, phát triển nông thôn; dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hạ tầng đô thị, thương mại, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hệ thống chiếu sáng công cộng; hệ thống cung cấp nước sạch; xử lý rác thải; hệ thống thu gom xử lý nước thải; công viên; nhà, sân bãi để xe ô tô; nghĩa trang; y tế; GD-ĐT, dạy nghề; văn hóa, thể thao, du lịch; khoa học- công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo, đầu tư xanh…
Ngày 23/9/2019, tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo “Môi trường kinh doanh và vấn đề liên kết trong phát triển DN khu vực KTTN vùng Tây Nam Bộ”. Hội thảo góp phần đề xuất giải pháp, kiến nghị, nhằm thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của DN khu vực KTTN để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đóng góp rõ hơn với vai trò động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững vùng ĐBSCL. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin