Không chỉ nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột được đảm bảo quyền chỉ dẫn địa lý mà các đặc sản khác như trà Mộc Châu, Tân Cương hay vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn... cũng sẽ rộng cửa hơn khi vào thị trường EU.
Không chỉ nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột được đảm bảo quyền chỉ dẫn địa lý mà các đặc sản khác như trà Mộc Châu, Tân Cương hay vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn... cũng sẽ rộng cửa hơn khi vào thị trường EU.
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ hà khắc hơn - Ảnh: NA |
Đó là khẳng định của ông Chu Ngọc Anh, bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, tại hội nghị "Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - Một số cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý" diễn ra ngày 27/8 do Bộ Công thương tổ chức.
Theo ông Chu Ngọc Anh, cam kết về sở hữu trí tuệ và hàng rào kỹ thuật của Việt Nam trong EVFTA cao hơn so với WTO. Tuy nhiên, quy định cũng có những linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý có nhiều cơ hội
Dẫn chứng, hiệp định không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho các nông sản của ta vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU cho các đặc sản khác như trà Mộc Châu, Tân Cương, hay vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn...
Ông Chu Ngọc Anh cho rằng các cam kết về sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm; công nghệ năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc… từ EU vào Việt Nam.
Tuy nhiên, bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ cho rằng các cam kết về sở hữu trí tuệ cũng mang lại những thách thức nhất định.
Đó là việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn, tức là thực thi sở hữu trí tuệ hà khắc hơn, có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, dụ như kiểm soát tại biên giới, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Xâm phạm sở hữu trí tuệ còn nghiêm trọng
Trong khi đó, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Qquản lý thị trường - đánh giá việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Thực tế, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam ngày càng phổ biến và phức tạp, nguyên nhân trước hết là từ ý thức của người mua và người bán.
"Chúng tôi đã đi đến từng hộ, vận động chủ hộ tham gia ký kết không mua, kinh doanh hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Họ vẫn ký đấy nhưng sau một thời gian lại đâu vào đó", ông Linh cho hay là nhiều điểm nóng, chợ đầu mối bán hàng giả, hàng nhái công khai.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - giám đốc Trung tâm WTO - cho rằng nhiều người sử dụng đồ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không hay biết.
Do đó, khi tham gia vào sân chơi quốc tế với yêu cầu cao về sở hữu trí tuệ, bà Trang khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động hơn, thay đổi nhận thức để nắm bắt các quy định của luật về sở hữu trí tuệ, tuân thủ pháp luật.
"Nhiều khi các dự thảo luật được đăng lên cổng mãi nhưng không nhận được ý kiến nào. Đến lúc thực thi rồi mới thấy có vấn đề và bắt đầu có ý kiến", bà Trang nêu thực trạng và cho rằng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến đến người dân về tác hại của vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng EVFTA sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.
Ngay khi hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin