Ở Đồng Tháp, hội quán trở thành mô hình "hạt nhân" gắn kết trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả ở địa phương, là nơi mọi người trong xóm, ấp tập hợp để nói nhau nghe "chuyện làng, chuyện xóm".
Ở Đồng Tháp, hội quán trở thành mô hình “hạt nhân” gắn kết trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả ở địa phương, là nơi mọi người trong xóm, ấp tập hợp để nói nhau nghe “chuyện làng, chuyện xóm”.
Điểm du lịch mới xây dựng của thành viên Thuận Tân hội quán phát huy lợi thế sông nước và nguồn nhân lực địa phương. |
Thuận Tân hội quán- trung tâm “đẻ” ý tưởng làm ăn
Được Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Đồng Tháp giới thiệu, chúng tôi chạy xe theo đường đan rộng rãi, sạch sẽ, xuyên qua những vườn xoài đến Thuận Tân hội quán ở xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh).
“Trụ sở” của Thuận Tân hội quán nằm cạnh sông Tiền, thiết kế mở giữa không gian xanh mát vườn xoài, hoa kiểng bonsai, điểm nhấn là ngôi nhà trên 100 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Phước Tánh (Hai Tánh)- Phó Ban chủ nhiệm
hội quán.
Ông Võ Văn Lợi- Chủ nhiệm hội quán- cho biết hội quán sinh hoạt dựa trên tinh thần tự nguyện, tự lực, không thu hội phí mà ban chủ nhiệm cũng làm không nhận thù lao.
Dù vậy, sau gần 3 năm hoạt động, “hiệu quả hội quán đạt được rất quan trọng và không để so sánh bằng tiền”. Hơn nữa, nói như ông Hai Tánh: “Ban chủ nhiệm phải suy nghĩ, “đẻ” ra nhiều chuyện làm ăn cho bà con”.
“Thời gian qua, việc làm ý nghĩa nhất của hội quán là vận động, phát huy tinh thần tự lo, tự quản của bà con. Ví dụ, đường trong xóm ấp hư hỏng, sạt lở, người dân tự đóng góp sửa chữa, gia cố, khi nào hết khả năng mới báo cáo địa phương hỗ trợ.
Cụ thể, bà con đã hùn tiền làm hoàn thành 2 tuyến đường đan rộng 2m, dài 600m, phục vụ hơn 40 hộ dân đi lại và vận chuyển xoài thuận tiện hơn.
Hội quán giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Từ yêu cầu đó, hội quán thành lập Tổ trồng xoài theo hướng hữu cơ.
Rồi thành lập Tổ phân loại rác thải tại chợ xã, không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm ở chợ, rác hữu cơ còn được xử lý tạo nguồn phân bón cung cấp cho tổ sản xuất xoài hữu cơ”- ông Võ Văn Lợi nói.
Dù vậy, ban chủ nhiệm thừa nhận “từ ý tưởng đến thực hiện… rất chua”, vì vậy, muốn làm gì cũng phải xuất phát và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Mở hướng làm du lịch trải nghiệm để khai thác thế mạnh vườn cây trái, sông nước hơn nửa năm, ông Lợi cho biết đã có những thành công bước đầu.
Trong đó, ông Lợi không quên “kể công” ông Hai Tánh là “nhà tài trợ chính” đã bỏ tiền túi trên 150 triệu đồng để cải tạo vườn, giúp hội quán có điểm sinh hoạt thường xuyên, còn là điểm homestay, tổ chức các hoạt động du lịch…
Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm như: kéo bò, dỡ chà, giăng lưới, cất vó cá... trên sông. Hiện có 9 hộ tham gia cung cấp các dịch vụ trải nghiệm, cùng hòa vào đời sống miền sông nước. Ban chủ nhiệm hội quán là “đầu tàu” điều hành, suy nghĩ tạo sản phẩm du lịch “không đụng hàng”, khai thác lợi thế tự nhiên của mình.
Thành công bước đầu thu hút khách du lịch, hội quán cũng đã lập Tổ ẩm thực, gồm 8 chị em phụ nữ, được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm hẳn hoi, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên. Bên cạnh đó, để tăng thêm sức hấp dẫn, ban chủ nhiệm còn “đẻ” thêm “Phiên chợ quê” khai trương dịp 2/9 tới và duy trì vào mỗi cuối tuần. Rồi tới các hoạt động như đá gà nghệ thuật, đua xuồng trên sông, làm bánh dân gian… và còn nhiều ý tưởng khác nữa.
“Từ đâu hội quán “đẻ” nhiều ý tưởng hay như vậy?”- chúng tôi hỏi vui. “Thiệt ra tụi tui làm cái này cực, cũng không tính lời lãi cho bản thân mình. Nhưng vì thấy vui, đóng góp cho bà con. Mình thấy cái nào tốt thì cùng bà con phát huy”- ông Hai Tánh cười hiền nói.
Đến hội quán để cùng làm ăn lớn
Ngoài tâm huyết “phát huy lợi thế địa phương, đem lại lợi ích cho bà con” của Thuận Tân hội quán đặt ra, sự phân công phù hợp 9 thành viên ban chủ nhiệm (8 phó chủ nhiệm đều gắn kết với thế mạnh từng tổ hợp tác), theo ông Võ Văn Lợi thì hội quán thành hay bại là do vai trò quyết định của ban chủ nhiệm.
Các hoạt động du lịch trải nghiệm từ cộng đồng Thuận Tân hội quán, du khách “đặt hàng là có”. |
“Ban chủ nhiệm phải hiểu và hạp ý nhau, cùng nhìn về một hướng chung là làm sao đem lại lợi ích thiết thực cho bà con khi tham gia hội quán. Có như vậy bà con mới nghe và tin mình”- ông nói.
Chẳng hạn, Giám đốc HTX Xoài là phó chủ nhiệm hội quán và phụ trách tổ sản xuất xoài hữu cơ, đây là mắt xích quan trọng trong việc gắn kết bà con và giải quyết bài toán lo đầu ra cho sản phẩm.
Ông Lê Minh Hoan- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp- cho rằng: Hội quán là một thiết chế cộng đồng ở cơ sở, do đó chính cán bộ ở cơ sở nếu biết thẩm thấu hết các giá trị của hội quán, trong đó vai trò tự quản chính là chia sẻ công việc trong quản trị xã hội cho cấp ủy, chính quyền thì sẽ chăm lo, đồng hành với hội quán. Đó là điều kiện để hội quán ngày càng đông về số lượng và mạnh về chất lượng. Và như thế, bằng cách làm sáng tạo, Đồng Tháp đã “kích hoạt” nông dân gắn kết lại với nhau tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng riêng của mình như nhãn, xoài Cao Lãnh, quýt Lai Vung, sen Tháp Mười, hoa Sa Đéc… |
“Hội quán đem lại lợi ích, tạo được niềm tin cho bà con”- theo ông Võ Văn Lợi, đây chính là điều quan trọng nhất để bà con đến với hội quán ngày càng đông hơn.
Từ 52 thành viên, đến nay số thành viên đã tăng lên 78, trong đó, đối tượng tham gia hội quán rất đa dạng, nông dân chiếm 70%, còn có cán bộ- công viên chức, tiểu thương, chức sắc tôn giáo...
Thuận Tân hội quán là một trong những mô hình tiêu biểu tại Đồng Tháp. Mô hình hội quán được xem như là một sáng kiến cộng đồng của tỉnh nhằm tập hợp người dân cùng ngành nghề sản xuất, xây dựng tinh thần tự lực, tự chủ, tự quản của người dân.
Hầu hết các hội quán ra đời đều gắn với ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương. Hội quán hướng các thành viên trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hình thành các mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Nói về hiệu quả từ hội quán, ông Lê Quang Cường- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp- cho biết: “Từ hội quán đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, điển hình như mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi” hay mô hình “Ruộng nhà mình”... được sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ.
Trong đó, đã có những mô hình tiêu biểu về ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý đồng ruộng, được kiểm soát quy trình chất lượng sản phẩm từ khâu đầu vào, đầu ra nghiêm ngặt. Bên cạnh, giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo tiền đề cho việc hình thành một số mô hình sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế cao”.
Theo ông Lê Quang Cường: Hội quán được xuất phát từ nhu cầu thực tế của bà con và đây chính là nơi tuyên truyền các quy trình sản xuất an toàn, là kênh kết nối, nói lên tiếng nói của bà con nông dân. Thông qua hội quán, bà con hiểu nhau hơn và cùng hợp tác, hướng tới mục tiêu cao hơn là thành
lập HTX.
Thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp Đồng Tháp hiện có 78 hội quán được thành lập với số thành viên lên đến hơn 4.000 người. Đã có 4 HTX được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012 từ mô hình hội quán, nâng tổng số HTX nông nghiệp đang hoạt động ổn định lên 166 HTX. Hội quán được xem là giải pháp căn cơ của tỉnh trong thực hiện chủ trương tri thức hóa nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại. |
Kỳ cuối: Nâng “công suất” đủ mạnh cho những đầu tàu
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin