Kỳ 2: Vào hợp tác xã để làm giàu

05:08, 28/08/2019

Hướng đến liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa, dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao... chính là "bệ phóng" tăng giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế bền vững.

Hướng đến liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa, dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao... chính là “bệ phóng” tăng giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế bền vững.

Ông Bé Bảy cùng thành viên HTX chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu mới.
Ông Bé Bảy cùng thành viên HTX chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu mới.

Thay đổi tư duy sản xuất trên đồng ruộng

Với định hướng phát triển phù hợp tình hình mới, thời gian qua, kinh tế tập thể của tỉnh Vĩnh Long đã có bước phát triển, từng bước đổi mới, thích ứng ngày càng tốt hơn trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong đó, nhiều hợp tác xã (HTX) thành lập mới đa dạng về đối tượng tham gia, lĩnh vực và địa bàn hoạt động, theo các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của mô hình HTX kiểu mới “tối ưu hóa lợi ích của thành viên”.

Có thể kể đến những HTX như: HTX Nông nghiệp cam sành organic Trà Ôn, HTX Nông nghiệp Tích Khánh, HTX Nông nghiệp Hồi Tường,... Không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho HTX, mà còn tăng lợi ích cho thành viên.

Trước thực trạng chất lượng hạt lúa không đồng đều, giá lúa bấp bênh, ông Nguyễn Văn Bé Bảy- Giám đốc HTX Nông nghiệp Hồi Tường (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) cho biết: “HTX đã thực hiện tốt khâu liên kết đầu vào lẫn đầu ra”.

HTX thành lập cuối năm 2011, sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, lúa giống xác nhận, dịch vụ cày xới, thu hoạch lúa. Hiện có trên 100ha đất sản xuất với 135 thành viên, không chỉ “bán lúa số lượng lớn, đồng loạt cân lúa tới người cuối cùng với giá ổn định, mà HTX tổ chức lịch xuống giống, thu hoạch cụ thể, gắn kết các doanh nghiệp bao tiêu lúa hàng hóa của thành viên.

Bên cạnh, hướng người dân sản xuất lúa theo quy trình an toàn, thân thiện môi trường”- ông Bé Bảy nói, nhưng muốn làm được vậy không đơn giản.

Để thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm trước đây, Ban quản trị HTX phải “vừa vận động, vừa phân tích thiệt- hơn, được lợi ích gì giữa làm HTX và riêng lẻ.

Chúng tôi nói sao cho bà con thấy được lợi ích về sức khỏe, môi trường khi thực hiện theo hướng sản xuất sạch- an toàn. Quan trọng là Ban quản trị phải đồng lòng, phải có nhận thức tiến bộ, biết đổi mới, biết tiên phong nghiên cứu cái mới”- ông Bé Bảy đúc kết.

Theo ông Bé Bảy, để người dân tin và nghe, Ban quản trị phải thuyết phục cụ thể, khoa học. Như trong vấn đề “1 phải, 5 giảm”, lúc đề nghị bà con siết nước giữa vụ, nhiều người la làng, không đồng ý, nhưng sau vài vụ kiên quyết làm và thấy hiệu quả lúa cứng cây, ít đổ sập,... bà con nghe theo.

Hay với tình trạng “phòng bệnh cho lúa” nông dân bón phân, xịt thuốc vô tội vạ, sạ dày trừ hao lúa chết,… Phải kiên trì giải thích “mưa dầm thấm lâu” và hiện nay, rất nhiều nông dân đã thay đổi không xịt thuốc ngừa bệnh cho lúa, áp dụng sạ thưa, sạ hàng.

Cô Chín trồng hoa màu trên bờ ruộng, giúp tăng thu nhập cho gia đình.
Cô Chín trồng hoa màu trên bờ ruộng, giúp tăng thu nhập cho gia đình.

Nhờ áp dụng các giải pháp mới, bà Nguyễn Thị Chín- thành viên HTX- bảo: “Chi phí đầu tư thấp hơn nhiều. Đáng nói là việc tính toán mùa vụ, giống, kỹ thuật… thành viên HTX chia sẻ kinh nghiệm rất hay”.

Vụ lúa Hè Thu này, bà Chín vừa xuống giống hơn 10 công lúa bằng máy sạ hàng, khỏe re. Bờ ruộng được bà trồng hoa đẹp mắt, vừa nuôi thiên địch và hạn chế sâu rầy hại lúa.

Từ sự đồng thuận của thành viên, ông Bé Bảy cho biết: “Chúng tôi định hướng sản xuất sạch, chất lượng, an toàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bây giờ nông dân thời hội nhập là phải theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp công nghệ cao, phải luôn có khát vọng, hoài bão mở rộng sản xuất, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị sản phẩm”.

Với quyết tâm đó, HTX Hồi Tường còn tính chuyện thuê đất của nông dân để tạo vùng sản xuất lúa tập trung.

“Bệ phóng” tăng thu nhập

Cũng là một trong những HTX nổi bật của tỉnh về cách làm mới, có hướng đi đúng, mang lại hiệu quả cho nông dân, ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) xác định mục tiêu: “Phương châm hoạt động của HTX là đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, lấy hiệu quả kinh tế thành viên là kết quả hoạt động của HTX.

Tại HTX Hồi Tường, tất cả thành viên HTX bán lúa cùng giá, cùng thời gian nhất định, nên không bị thương lái ép giá. Hiện nay tỷ lệ sản phẩm dịch vụ thành viên sử dụng trên 80% và sản phẩm của thành viên được bao tiêu trên 80%. 

Đồng thời, thông qua các buổi tập huấn, hội thảo giúp cho thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. HTX đã giúp cho thành viên giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận, so với nông dân sản xuất ngoài HTX lợi nhuận của thành viên cao hơn từ 1- 1,5 triệu đồng/ha/năm.

Do đó, HTX đã ký được nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ thêm nhiều công ty, doanh nghiệp, sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh- thành và ngày càng được nhiều người biết đến”.

Không chỉ cùng nông dân chung tay làm giàu, ông Đoàn Văn Tài còn đặt ra nhiệm vụ của HTX phải là: “Nâng cao nhận thức của thành viên về kinh tế HTX, từng thành viên luôn gắn kết chặt chẽ với HTX, ý thức vệ sinh an toàn lao động, bảo vệ môi trường của thành viên được thể hiện rõ rệt trong sử dụng phân thuốc sức lan tỏa khá nhanh nên hàng năm đều có nông dân xin tham gia HTX và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm”.

HTX là “bệ phóng” giúp nông dân làm giàu, vì thế, ban quản trị nhiều HTX xác định HTX hoạt động phải có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực để trở thành điểm tựa lòng tin của nông dân. Hơn nữa, lãnh đạo HTX phải “nhìn xa, trông rộng” để xây dựng chiến lược tương lai phát triển bền vững cho HTX.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- nhận định: “Việc liên kết qua HTX là mô hình cơ bản nhất để đảm bảo quyền lợi, quyền làm chủ của nông dân. Đây là cơ sở để liên kết sản xuất ở mức độ cao hơn, có lợi cho nông dân hơn qua liên kết thành lập Liên hiệp HTX hoặc liên kết với các doanh nghiệp.

Không chỉ có thế mạnh trong nghiên cứu thị trường, quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, HTX còn góp phần hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật mới, giám sát tuân thủ các yêu cầu chất lượng, lập quỹ dự phòng rủi ro để hỗ trợ nông dân khi gặp khó khăn.

Và chỉ có phá bỏ những rào cản, lối mòn trong tư duy, cởi trói cho ruộng đồng, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới có thể nâng tầm cho ngành nông nghiệp”.

Có thể nói, vào HTX để làm giàu là mong muốn rất thực tế của nông dân và là hướng đi phù hợp. Tham gia vào các HTX không chỉ thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mà còn giúp bà con nông dân “trưởng thành hơn, mạnh dạn hơn” để liên kết với doanh nghiệp “làm ăn lớn”.

Vĩnh Long chú trọng hỗ trợ phát triển HTX

Theo Đề án cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp- thủy sản, trong đó, đẩy mạnh liên kết hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm.

Khuyến khích phát triển và thành lập mới các HTX sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong chuỗi giá trị sản phẩm liên kết.

Kỳ sau: Hội quán- “hạt nhân” gắn kết sản xuất, xây dựng nông thôn mới

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh