Nhận diện và truy xuất nguồn gốc: Nông sản rộng đường xuất khẩu

04:08, 06/08/2019

Mới đây, Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn và Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn nông sản. Nỗ lực này sẽ giúp các nông sản chủ lực của Vĩnh Long chinh phục thị trường xuất khẩu khó tính.

 

Mới đây, Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn và Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn nông sản. Nỗ lực này sẽ giúp các nông sản chủ lực của Vĩnh Long chinh phục thị trường xuất khẩu khó tính.

Vina T&T Group ký kết biên bản ghi nhớ liên kết tiêu thụ chôm chôm và nhãn tại 4 xã cù lao huyện Long Hồ.
Vina T&T Group ký kết biên bản ghi nhớ liên kết tiêu thụ chôm chôm và nhãn tại 4 xã cù lao huyện Long Hồ.

Truy xuất nguồn gốc nông sản mở đường xuất khẩu

Là đơn vị được chọn hỗ trợ thực hiện dự án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, đến nay Hợp tác xã (HTX) Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) đã hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, in mã QR bao bì sản phẩm, hứa hẹn nhiều triển vọng xuất ngoại.

Ông Nguyễn Ngọc Nhận- Giám đốc HTX- cho biết nếu như phần lớn nông sản của ta xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, thì hiện nay với việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, nông sản đã xuất bằng đường chính ngạch, thị trường xuất khẩu rộng mở hơn. HTX nhận thức rằng thực hiện truy xuất nguồn gốc là xu hướng phát triển của thị trường, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Còn nhớ, trái xoài được xuất đi Mỹ hồi tháng 5 năm nay thì trước đó 1 năm, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đạt tiêu chuẩn an toàn. Hiện nay, các thị trường nhập khẩu trái cây đã có những rào cản kỹ thuật nhất định. Nếu như Trung Quốc trước đây được xem là thị trường dễ tính thì nay họ cũng đã xây dựng các quy định theo chuẩn quốc tế về an toàn, truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, Vĩnh Long có 9 sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, trong đó, 4 xã cù lao của huyện Long Hồ có 2 sản phẩm là chôm chôm và nhãn. Hiện sầu riêng, khoai lang là những sản phẩm có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu. Để xuất khẩu chính ngạch thì khâu chuẩn bị các điều kiện đảm bảo là rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, sản xuất nông sản an toàn, có truy xuất nguồn gốc là vấn đề cốt lõi để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, thiết thực phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp triển khai dự án nhận diện và truy xuất nguồn gốc nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật, xây dựng chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo đúng yêu cầu cam kết với các nước nhập khẩu, mở đường để nông sản Vĩnh Long, nhất là trái cây chủ lực nhiều tiềm năng của tỉnh hội nhập thị trường trong và ngoài nước.

Sắp tới đây, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cho những vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực của tỉnh (trước mắt là vùng sản xuất chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước) đang được khởi động, giúp cho sản xuất đồng bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản.

Liên kết sản xuất, ổn định chất lượng và cuộc đua đường dài

Theo ông Võ Văn Quốc- Chi cục trưởng Chi cục PTNT, các nông sản muốn tiêu thụ chính ngạch phải truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, bất cập trong sản xuất nông sản hàng hóa hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ, thiếu đầu tư khoa học kỹ thuật, chạy theo năng suất, sản lượng nhưng lại lơ là về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Để thúc đẩy liên kết sản xuất tạo ra giá trị hàng hóa nông sản thì các HTX có vai trò quan trọng trong việc liên kết tổ chức nông dân tập trung sản xuất lớn, từ đó, Nhà nước có cơ sở hỗ trợ theo chủ trương chung.

Đối với 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, ông Võ Văn Quốc nêu ý tưởng thành lập một liên hiệp HTX đối với 4 HTX: chôm chôm Bình Hòa Phước, kinh tế vườn Hòa Ninh, nhãn ido An Bình và HTX Thương mại- dịch vụ Bình Hòa Phước để thuận lợi hơn trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh, đưa thương hiệu cây ăn trái địa phương hội nhập tốt hơn.

Còn theo bà Đặng Trúc Lan Vân- Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật, muốn mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài thì phải vượt qua các rào cản kỹ thuật. Thời gian qua, chi cục đã hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn, triển khai các dự án sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng GAP, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngoài ra, để hỗ trợ tìm đầu ra nông sản, chi cục đã tích cực hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng cho 12 chủng loại cây ăn trái, trong đó có chôm chôm, nhãn, xoài,… cùng đó là các hoạt động xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn trái, nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại.

Ông Nguyễn Đình Mười- Phó Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group- cho rằng: Là một trong những đơn vị xuất khẩu trái cây sang Mỹ, doanh nghiệp đang quan tâm đến sản phẩm chôm chôm, nhãn và đang xúc tiến phương án liên kết xây dựng vùng nguyên liệu này tại Vĩnh Long. Là nhà xuất khẩu, nếu nhà vườn sản xuất ra sản phẩm tốt, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì sản phẩm sẽ rộng đường xuất khẩu.

Vừa rồi, xoài Việt Nam bị thị trường Mỹ đánh giá là hư hỏng 40- 60%. Theo ông Đình Mười, đây là con số không thực tế vì đối với Vina T&T Group, cho đến thời điểm này tất cả những sản phẩm xoài đưa sang thị trường Mỹ chưa có sự phản ánh nào về chất lượng sản phẩm.

Như vậy, nếu một doanh nghiệp làm ăn không uy tín thì sẽ ảnh hưởng chung đến thương hiệu của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Mười mong rằng để giữ được thương hiệu thì các hộ nông dân phải thật sự đảm bảo quy trình sản xuất, không vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất đi cái lâu dài.

Khi hợp tác thì cần tuân thủ các quy định chung để hàng hóa được xuất đi nhanh chóng và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ HTX, nhà vườn để cùng cho ra sản phẩm tốt nhất. Vina T&T Group dự kiến đầu tư nhà máy sơ chế đóng góp tại vùng nguyên liệu, vừa tạo điều kiện tốt cho xuất khẩu vừa tạo được việc làm cho lao động địa phương.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh