Kiến nghị tạo lối đi cho hộ dân sống ven tuyến dân cư Cổ Chiên

06:08, 29/08/2019

UBND TP Vĩnh Long vừa có báo cáo gửi nhiều sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết, tạo lối đi lại cho người dân sống ven tuyến dân cư Cổ Chiên hay còn gọi khu Minh Linh (Phường 5- TP Vĩnh Long và một phần xã Thanh Đức- Long Hồ).

UBND TP Vĩnh Long vừa có báo cáo gửi nhiều sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết, tạo lối đi lại cho người dân sống ven tuyến dân cư Cổ Chiên hay còn gọi khu Minh Linh (Phường 5- TP Vĩnh Long và một phần xã Thanh Đức- Long Hồ).

Ông Nguyễn Văn Chỉnh cho biết chưa biết di dời nhà ở đâu, dù dự án “đã tới cửa”.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh cho biết chưa biết di dời nhà ở đâu, dù dự án “đã tới cửa”.

Trước đó, nhiều người sống ven tuyến dân cư này cứ ngỡ đường đan, đường mòn trước nhà là tuyến công cộng. Đến gần đây, khi chủ đầu tư cắm cọc thông báo giải tỏa, nhiều người đến cơ quan có thẩm quyền tìm hiểu mới vỡ lẽ đường đã nằm trong dự án. Nhiều hộ dân phản ánh việc đi lại ra đường lớn hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Qua rà soát của UBND TP Vĩnh Long, hiện có 11 đoạn với vị trí, chiều dài ngắn khác nhau, ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Cụ thể, khu vực bên phải tuyến dân cư Cổ Chiên, tuyến từ đường 14 Tháng 9 đến vòng xoay trung tâm khu Minh Linh có 4 đoạn chịu ảnh hưởng.

Trong đó có đoạn theo quy hoạch là đất ở, khi triển khai dự án tuyến dân cư này đã thu hồi một phần đất nông nghiệp phía trước của các hộ dân nhưng chưa xem xét nhu cầu đi lại ở các thửa đất còn lại cũng như chưa xem xét dành cho lối thoát hiểm.

Từ đó, ảnh hưởng đến việc đi lại của các hộ dân ra đường lớn, nhất là đất nông nghiệp còn lại chưa thu hồi.

Tương tự, tuyến từ đường 8 Tháng 3 đến đường 14 Tháng 9 rồi giáp xã Thanh Đức (Long Hồ) cả 2 vị trí bên trái và bên phải tuyến với 5 đoạn chịu ảnh hưởng. Theo quy hoạch phần lớn cũng là đất ở nhưng khi dự án triển khai đã làm bít lối ra vào nhà dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long Nguyễn Quốc Duy cho biết: Do vấn đề khá phức tạp nên sau phản ánh của người dân và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy sau khi đi khảo sát thực tế tại tuyến dân cư này hôm 2/7/2019, UBND thành phố đã thành lập đoàn đến tìm hiểu thực tế tại những nơi ảnh hưởng, đánh giá mức độ, tổng hộ dân ảnh hưởng từng đoạn để có những đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Và qua tìm hiểu, mới đây UBND thành phố đã có báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết trên tinh thần kiến nghị xem xét làm việc với chủ đầu tư, bàn bạc thu hồi lại phần đất để làm đường giao thông, tạo lối đi cho người dân khu vực phía sau dự án.

Qua tìm hiểu của phóng viên, thì ngoài cản trở việc đi lại, khi dự án triển khai còn ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Chỉnh (ấp Long Hưng- xã Thanh Đức) cho biết, mấy tháng nay ăn ngủ không yên khi biết dự án triển khai trở lại. 4 công ruộng phía sau dự án, tới đây sẽ không có lối ra vào để canh tác.

Căn nhà nằm thoi loi trên mảnh vườn hơn 2 công của gia đình cách đây khoảng 10 năm được chủ đầu tư thông báo giải tỏa bồi hoàn và cấp cho nền nhà mới.

Nhưng đến nay do chủ đầu tư chưa trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên gia đình chưa chịu di dời nhà, mặc cho xung quanh dự án đang triển khai. “Giờ lỡ cỡ hết rồi, không biết phải tính sao.

Lúc đầu, tôi dự định chủ đầu tư cấp đất sẽ dời nhà về đó nhưng tới nay chủ đầu tư không đưa sổ đỏ. Sau đó, tôi dự tính lên một phần đất ruộng cất nhà, nhưng hiện dự án triển khai, tới đây cất nhà bít hết, ra đó ở rồi sao đi lại ra đường lớn”- ông Chỉnh lo lắng.

Trong khi đó, tại khu vực các Khóm 4, 5 và 6 (Phường 5) đi vào nhiều tuyến đan, đường mòn nhỏ sẽ thấy dấu sơn đỏ được chủ đầu tư vẽ thông báo giải tỏa đã “ăn đứt” cả lối đi của nhiều hộ dân ngoài dự án.

Bà Nguyễn Thị Bạch Vân (Phường 5) cho biết gia đình đã sống mấy đời ở đây, đi lại trên đường mòn rồi gần đây là đường đan để ra đường lớn. Cứ ngỡ đường đan trước nhà là tuyến công cộng, ai ngờ tới đây họ triển khai dự án thì sẽ không còn.

Nhiều hộ dân còn cho biết, họ đã nhiều lần đối thoại với nhà đầu tư, tuy nhiên có trường hợp đất đã chuyển nhượng sang nhà đầu tư khác nên không được giải quyết.

Còn trong báo cáo rà soát, UBND TP Vĩnh Long đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất hướng giải quyết cụ thể cho từng đoạn khó khăn. Đồng thời, cũng dự báo nhiều thuận lợi, khó khăn.

Cụ thể, đối với trường hợp thu hồi đất phía sau của các lô nền trong dự án để làm đường giao thông, mặt thuận lợi là được sự đồng thuận rất cao của người dân và không phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, khó khăn là do hiện nay các lô nền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư.

Còn đối với trường hợp thu hồi đất của người dân nằm ngoài dự án làm đường giao thông, đa số là đất nông nghiệp nên thuận lợi, nhưng khó khăn là thu hồi 2 lần (do trước đây đã một lần để thực hiện tuyến dân cư) sẽ vướng vấn đề cơ sở pháp lý và trình tự thủ tục…

Chưa kể, trường hợp một số diện tích thu hồi còn lại nhỏ không đảm bảo xây dựng và sản xuất lại gây bức xúc người dân.

“Để có phương án tối ưu, trên cơ sở rà soát, UBND thành phố đã báo cáo kiến nghị, đề xuất gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng nhiều sở ngành liên quan cho ý kiến chỉ đạo, phối hợp giải quyết”- ông Nguyễn Quốc Duy nói, đồng thời cho biết thêm, do tuyến dân cư này nằm trên 2 địa bàn là TP Vĩnh Long và một phần xã Thanh Đức (Long Hồ) nên ngoài 11 đoạn ảnh hưởng thì khả năng vẫn còn phát sinh trường hợp khác trong thời gian tới.

Vì vậy, để đảm bảo công tác quản lý về quy hoạch đô thị, UBND thành phố cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Long Hồ tiếp tục rà soát những trường hợp ảnh hưởng kịp thời tháo gỡ để đảm bảo đồng bộ và khớp nối toàn tuyến.

Theo UBND thành phố, việc đi lại của người dân khu vực này trước khi hình thành dự án Tuyến dân cư Cổ Chiên chủ yếu trên tuyến hẻm hiện trạng và các lối mòn giữa thửa đất ruộng, vườn liền kề. Khi triển khai dự án đã thu hồi đất theo ranh dự án được duyệt mà chưa xem xét đến việc dành lối đi cho các thửa đất giáp ranh dự án. Theo hiện trạng hiện nay, người dân phải đi qua các lô đất chưa xây dựng để vào các thửa đất của mình.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh