Nông nghiệp là mảnh đất màu mỡ cho khởi nghiệp với hàng loạt các yếu tố thuận lợi như nguồn nguyên liệu phong phú, tại chỗ giúp hạ giá thành; đầu tư chi phí thấp… Tuy nhiên, dễ triển khai ý tưởng, dự án khởi nghiệp không có nghĩa dễ thành công, thậm chí còn gặp thất bại nặng nề nếu không chọn đi đúng hướng.
Nông nghiệp là mảnh đất màu mỡ cho khởi nghiệp với hàng loạt các yếu tố thuận lợi như nguồn nguyên liệu phong phú, tại chỗ giúp hạ giá thành; đầu tư chi phí thấp… Tuy nhiên, dễ triển khai ý tưởng, dự án khởi nghiệp không có nghĩa dễ thành công, thậm chí còn gặp thất bại nặng nề nếu không chọn đi đúng hướng.
Không ngại khó khăn, thử thách nên họ- những người khác nhau về tuổi tác, học vấn, xuất thân nhưng có chung đam mê làm nông đã chọn nghĩ khác và làm khác. Họ thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức, công nghệ mới để bắt nhịp, đón đầu xu hướng làm nông mới.
Mang trong mình bầu nhiệt huyết lớn, họ “bật mí” với chúng tôi, nhờ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nên dù gặp không ít thăng trầm với con đường đang đi, họ vẫn quyết chiến đấu trên “mặt trận” nông nghiệp- từng ngày hiện thực hóa giấc mơ làm giàu và cùng lan tỏa phương thức làm ăn hiệu quả cho cộng đồng. Không ít trong số họ đã góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp sức cùng địa phương đưa nông dân vào sản xuất lớn…
Kỳ 1: Trí thức trẻ về quê biến phế phẩm thành tiền
Họ từng theo đuổi con đường tri thức với mong muốn thoát khỏi cảnh làm nông. Tuy nhiên, khi có trong tay tấm bằng ĐH, bằng thạc sĩ thì từ tình yêu và những trăn trở muốn làm giàu cho mảnh đất quê hương, họ đã chọn quay về làm nông.
Lựa chọn “kỳ quặc” và cách bắt tay vào làm “không giống ai” của họ đã vướng phải nghi ngại của người xung quanh nhưng theo thời gian họ đã chứng minh những việc mình đang làm chẳng những giúp “hái ra tiền” mà còn giúp ích cho cộng đồng.
Trương Minh Trung (TX Bình Minh) luôn tất bật với các “dự án” nông nghiệp tận dụng phế phẩm, tạo quy trình “khép kín”. |
Cử nhân kinh tế “biến” phân bò thành tiền
“Hốt phân bò” là việc mà anh Trương Minh Trung (sinh năm 1985 ở ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) đã làm khi trở về quê khởi nghiệp. Nhớ lại “kỷ niệm nặng mùi” đó, anh Trung nói: “Bây giờ nghĩ lại thì thấy vui vui chớ thời điểm đó thật sự rất khó khăn vì nhiều người cười mình có bằng cấp lại không đi làm ở thành phố mà về quê đi hốt phân”.
Gốc con nhà nông, cám cảnh làm nông vất vả nhưng bấp bênh nên ngay từ khi còn đi học, Trương Minh Trung đã nung nấu suy nghĩ thoát khỏi cảnh làm nông. Nghĩ vậy, nên anh học chuyên ngành trồng trọt, thú y để ra mua bán.
Sau đó, anh còn quyết định học ĐH chuyên ngành kinh tế để “hoàn toàn thoát khỏi ngành nghề liên quan đến nông nghiệp”.
Tuy nhiên, ngay khi vừa tốt nghiệp ĐH, thấy mẹ nuôi lươn, Trung nghĩ ngay đến con trùn quế- nguồn thức ăn bổ sung lý tưởng để nuôi gia cầm và thủy sản mà anh đã từng làm tiểu luận.
Thế là, xâu chuỗi các kiến thức đã học và kinh nghiệm đã tích lũy, anh bắt tay vào phụ mẹ nuôi trùn quế. Lúc đầu, anh nuôi thử nghiệm trong 10m2, hiện mở rộng lên 700m2.
Nguyên liệu nuôi trùn quế là phân bò nên dễ tìm và chi phí đầu tư thấp. Hiện mỗi năm anh xuất bán 100 tấn phân trùn quế, doanh thu khoảng trên 500 triệu đồng/năm.
Còn thịt trùn quế chủ yếu là làm thức ăn cho lươn. Mô hình nuôi lươn không bùn thì xuất bán từ 3,5- 4 tấn/năm, được bao tiêu với giá khoảng 150.000 đ/kg, doanh thu khoảng hơn 500 triệu đồng/năm.
Trong đó, “lợi nhuận khoảng 20- 30%”- anh Trung cho biết. Để tận dụng phế phẩm, tạo quy trình khép kín, anh tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu nuôi trồng thêm các loại cây, con khác.
Cụ thể, trùn quế làm thức ăn cho lươn, có thức ăn thừa nên anh tận dụng nuôi ếch. Trong quá trình nuôi ếch, những con phát triển chậm thì tận dụng làm mồi cho rắn. Anh còn nghiên cứu cho ra thị trường loại dinh dưỡng từ phân trùn quế dạng viên, hợp tác trồng rau theo hướng an toàn…
Năm 2017, Trương Minh Trung mạnh dạn tham gia “Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2017” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức.
Dự án “Quy trình nuôi trùn quế kết hợp nuôi nhốt bò vỗ béo và nuôi lươn không bùn” lọt vào top 10 của cuộc thi. Dự án được đánh giá cao bởi là một giải pháp môi trường mang giá trị kinh tế cao, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón hóa học và thức ăn công nghiệp.
Sau khi tham gia các chương trình khởi nghiệp, Trương Minh Trung được biết đến nhiều hơn, sản phẩm làm ra bán đắt hơn. “Dự kiến tháng 8 tới sẽ phát triển thêm những sản phẩm mới dùng cho hoa kiểng, thanh long…”- anh Trung cho hay.
Thạc sĩ 9x với hành trình “nông trại xanh”
Bảo vệ luận văn Thạc sĩ Công nghệ sinh học với tấm bằng loại ưu, Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1990 ở xã Thuận Thới- Trà Ôn) quyết định trở về quê khởi nghiệp. Thảo cho biết: “Khi tôi về quê ai cũng phản đối. Đến khi tôi cất trang trại nuôi trùn quế rồi đi chở phân bò thì có người nói tôi bị “khùng”.
Thảo cho hay, khi học thạc sĩ, anh được giảng viên môn Sinh khối dạy về các vấn đề liên quan đến phế phẩm nông nghiệp và cho đi thực tế.
Nhận thấy phế phẩm ở quê mình cũng như tại ĐBSCL rất nhiều mà chưa được tận dụng, nên Thảo bắt đầu suy nghĩ, tìm hiểu rồi quyết định khởi nghiệp từ việc tận dụng phế thải nông nghiệp.
Lúc đầu, Thảo nuôi trùn quế thử nghiệm trong 200m2, 2 con bò và “thí nghiệm” đàn heo nhà đang nuôi. Hiện diện tích nuôi trùn quế tại nhà trên 600m2 và diện tích liên kết “mở trại nuôi” cho các hộ trong và ngoài tỉnh khoảng 2.000m2. Đồng thời, đã phát triển đàn bò, dê thêm hàng chục con.
Riêng đối với đàn heo thì kết quả thí nghiệm cho thấy đàn heo ăn cám trộn trùn quế thì rất mau lớn. Heo mẹ ăn cám trộn trùn quế cũng có sữa nhiều hơn.
Với ý tưởng “tận dụng tất cả phế thải nông nghiệp để không gây lãng phí và ô nhiễm môi trường” và nhận thấy mô hình này có thể nhân rộng tại địa phương nên Thảo đã quy hoạch 1ha, dự kiến làm 1 nông trại nho nhỏ, phát triển mô hình khép kín nuôi bò, dê, thỏ kết hợp nuôi trùn quế và cá. Đồng thời, cho sinh viên xuống thực tập về nông nghiệp hữu cơ.
Với trăn trở “nông dân quê mình làm nông vất vả nhưng giá cả bấp bênh, lợi nhuận không được bao nhiêu” do đó để giúp nông dân vào làm ăn tập thể, góp phần cùng địa phương xây nông thôn mới về tổ chức sản xuất nên Thảo đã “chuyển hướng” thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Thới thay vì thành lập công ty như dự định ban đầu.
15 thành viên, sau đại hội thường niên sẽ có thêm thành viên tham gia. Theo đó, Thảo vừa hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, con giống, chi phí nuôi trùn quế cho thành viên hợp tác xã và mua phân trùn. Đồng thời, thu mua phân bò từ các hộ nuôi.
“Chỉ cần nuôi 5- 6 con bò thì có thể bán hơn 1 triệu đồng tiền phân mỗi tháng”… Bên cạnh, Thảo còn hỗ trợ sinh viên tới thực tập, nghiên cứu…
Trở về sau chuyến đi Trường Sa để hỗ trợ kỹ thuật nuôi trùn quế, trồng rau sạch và trồng cỏ vetiver để trữ nước ngọt, Thảo tâm sự: Tôi cũng gặp “khó khăn muôn trùng”, lỗ cả trăm triệu đồng vì trùn bị chết, nuôi chưa đúng kỹ thuật…
Đến nay, Thảo cũng vẫn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm từ từ. “Mong muốn của tôi là làm sao cống hiến cho quê hương, giúp nông dân nâng cao thu nhập”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bỉ- Bí thư Đảng ủy xã Thuận Thới: Nguyễn Văn Thảo là tấm gương thanh niên tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm, địa phương rất cần có những người trẻ như thế để góp phần đưa kinh tế xã nhà phát triển và cùng giúp người dân vươn lên…
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT: Nông nghiệp là lĩnh vực giàu có nhất cho nội dung về khởi nghiệp. Hội thi khởi nghiệp của tỉnh cho thấy, ý tưởng khởi nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số. Ý tưởng phải có tính mới mẻ, nhất là phải gắn với thị trường, phải bán được. Để khởi nghiệp nông nghiệp hiệu quả hơn, cần tuyên truyền phát động trong đoàn viên thanh niên, nhà trường, các cơ quan và địa phương. Theo đó, cần có tập huấn, hướng dẫn hay có bài bản về khởi nghiệp (lên ý tưởng thế nào, triển khai ra sao…). Đồng thời, cần có gắn kết giữa các cơ quan, nhất là về chiến lược phát triển các sản phẩm làm sao có được những nơi giúp cho được các bạn về “môi trường” cho các bạn phát huy, từ ý tưởng khởi nghiệp. Về phía người khởi nghiệp, cần am hiểu (có kiến thức, kinh nghiệm), nắm bắt nhu cầu thị trường và cả những khắt khe, rào cản… trong quá trình tiêu thụ sản phẩm để đề ra chiến lược phù hợp. |
Kỳ 2: Khởi nghiệp tận dụng sức mạnh công nghệ
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin