Chuyển đổi cây trồng và bài học cung cầu

01:08, 20/08/2019

Câu chuyện của ngành nông nghiệp của nhiều tỉnh- thành ĐBSCL luôn được "xới đi xới lại" thời gian qua là việc chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả.

Câu chuyện của ngành nông nghiệp của nhiều tỉnh- thành ĐBSCL luôn được “xới đi xới lại” thời gian qua là việc chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả.

Từ đây, cứ vài ba năm nổi lên một cây được nông dân chọn trồng nhiều. Và gần nhất là chuyện về cây mít Thái (còn gọi mít siêu sớm). Nhưng dường như vấn đề không chỉ xoay quanh việc tăng diện tích, mà được quan tâm và lo ngại hơn hết vẫn là đầu ra sản phẩm.

Các thống kê cho thấy diện tích trồng mít Thái ở ĐBSCL hiện đã hơn 60.000ha, tăng gấp đôi so năm ngoái. Nguyên nhân chỉ vì lợi nhuận hấp dẫn.

Theo tính toán, nếu trồng lúa thu nhập chỉ 30- 35 triệu đ/ha, thì mít Thái, với giá có thời điểm đến hơn 60.000 đ/kg, mỗi hecta mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Gấp 30 lần, hỏi sao nông dân không bỏ lúa trồng mít!?

Thế rồi một vài hộ trồng bán được sản phẩm, kéo theo những hộ lân cận, địa phương khác trồng theo, trở thành “phong trào” mà yếu tố đầu ra lâu dài và ổn định gần như không được quan tâm.

Điều này, nông dân cũng có những lý giải riêng của họ, là bởi khi trồng lúa không lời, thậm chí có vụ thua lỗ thì ai dám trồng tiếp.

Có nông dân cho rằng, 20 năm qua giá lúa vẫn vậy, trong khi giá vật tư đầu vào thì tăng vùn vụt. Song, hạn chế của nông dân là vẫn làm theo phong trào, tự phát mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và đầu ra ổn định.

Thực tế đã chứng minh, bài học về cây cam sành năm 2015, thanh long năm 2018… là điển hình, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách tự phát đều đi đến kết cục là “cung vượt cầu” dẫn đến “thừa hàng, dội chợ”.

Trở lại trường hợp cây mít Thái để thấy sự tương đồng. Không thể phủ nhận lợi thế cây trồng này. Tuy nhiên, giá mít tăng mạnh thời gian qua không yếu tố nào đảm bảo sẽ kéo dài bởi phần lớn rất ít hợp đồng tiêu thụ ổn định.

Do vậy, không riêng cây mít mà với nhiều loại cây trồng khác cũng vậy, để phát triển bền vững thì cần sự thay đổi về tư duy sản xuất.

Thay vì phát triển manh mún, tự phát thì nông dân phải kết nối với nhau và liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để đảm bảo đầu ra.

Và góc độ nhà quản lý, cũng phải thay đổi mặt quản lý, xuất khẩu, tổ chức sản xuất mỗi ngành hàng một cách có hệ thống, chuỗi giá trị từ khâu tìm, mở thị trường rồi về tổ chức lại cho nông dân kết hợp với nhau sản xuất theo quy trình, đặc biệt chiến lược sản xuất dài hạn mới mong sản xuất hướng bền vững.

HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh