Để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

12:08, 14/08/2019

Các tháng đầu năm, dù ảnh hưởng dịch bệnh (dịch tả heo Châu Phi) hay giá cả một số nông sản xuống thấp (cam sành, cá lóc) nhưng sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn ổn định và có tăng trưởng. 

Các tháng đầu năm, dù ảnh hưởng dịch bệnh (dịch tả heo Châu Phi) hay giá cả một số nông sản xuống thấp (cam sành, cá lóc) nhưng sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn ổn định và có tăng trưởng.

UBND huyện Trà Ôn báo cáo thực hiện chương trình công tác trọng tâm năm 2019 cho thấy, giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 1.613 tỷ đồng, đạt 45,16% nghị quyết, tăng 1,86%; trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 1.482 tỷ đồng, đạt 45,29% nghị quyết, tăng 1,9%.

Chăm sóc vụ lúa Thu Đông của người dân ấp Đục Dông (xã Thiện Mỹ).
Chăm sóc vụ lúa Thu Đông của người dân ấp Đục Dông (xã Thiện Mỹ).

Ông Nguyễn Minh Nhựt (ấp Tích Phước, xã Tích Thiện) có vài công vườn trồng chanh, cóc. Kể lại đợt hạn và xâm nhập mặn năm 2016, ông nói 3 năm nay tình hình đã ổn rồi. Lúc đó hệ thống cống bộng đã gần như đóng lại hết để ngăn mặn, dẫn đến kiệt nước tưới cho vườn cây.

Sau vụ “thiên tai” bất ngờ đó, ông cũng như bà con nông dân ở đây có kinh nghiệm hơn trong việc khơi thông, tích trữ nước mương vườn theo khuyến cáo. Bên cạnh là giải pháp đầu tư của ngành chức năng, cụ thể ở đây là cống hở Rạch Ranh phía ngoài đầu rạch Ranh đã giúp ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng sản xuất lúa, rau màu, trái cây các xã Tích Thiện, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân. Ông Nguyễn Minh Nhựt nói giờ đây, việc canh tác vườn của ông vẫn ổn, đảm bảo đời sống gia đình.

Ông Nguyễn Văn Suối- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tích Khánh (xã Thiện Mỹ)- chuyên thu mua, sơ chế, xuất khẩu ca cao cũng nói sau đợt mặn về bất ngờ 3 năm trước khiến một số diện tích trồng ca cao nhà ông bị ảnh hưởng: ra bông, đậu trái ít lại... thì nay cũng đã phục hồi. Diện tích trồng, sản lượng trái ca cao 3 năm nay của xã viên phát triển ổn định.

Ông Suối cho biết hiện tại 15 thành viên hợp tác xã tham gia sản xuất khoảng 68ha ca cao; thêm bà con bên ngoài ký hợp đồng với hợp tác xã đã nâng lên 140ha cây trồng này với 250 hộ tham gia.

Sản lượng trái ca cao hợp tác xã thu mua năm 2018 là 110 tấn. Ông Nguyễn Văn Suối dự kiến thu mua lên 150 tấn và đến năm 2020 khi diện tích mở rộng nữa, sản lượng trái thu mua có thể đạt 220 tấn.

Với giá trái tươi 4.500 đ/kg, bà con trồng ca cao hoặc ca cao xen dừa đã có khoản thu nhập khá cho đời sống gia đình. Sản phẩm từ trái ca cao của hợp tác xã sau khi sơ chế sẽ xuất bán theo hợp đồng với 3 công ty.

 Cống hở trên rạch Cả Cầu ở ấp Long Thạnh nằm trong hệ thống cống hở chống lũ, ngăn mặn cho các xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành.
Cống hở trên rạch Cả Cầu ở ấp Long Thạnh nằm trong hệ thống cống hở chống lũ, ngăn mặn cho các xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn cho biết, kể từ sau đợt hạn mặn xâm nhập 3 năm trước, tới giờ diễn biến thời tiết đã bình thường lại. Báo cáo của ngành nông nghiệp huyện cho thấy hiện tại tiếp tục theo dõi, phối hợp đôn đốc tiến độ thi công các công trình thủy lợi do tỉnh đầu tư trên địa bàn huyện để sớm nghiệm thu đưa vào sử dụng như: kiên cố hóa cống đập xã Lục Sĩ Thành- Phú Thành đạt 97%; hệ thống đê bao thủy lợi cồn Lục Sĩ Thành đạt 79%; sửa chữa các tuyến đê bao và nạo vét đắp bờ bao ở Hòa Bình, Xuân Hiệp đạt từ 80- 82% tiến độ.

Cơ bản chiến dịch mùa khô đã hoàn thành. Đến nay, huyện đã triển khai thi công 15 công trình thủy lợi từ nguồn cấp bù thủy lợi phí năm 2019, với chiều dài 23.620m, khối lượng 130.700m3, phục vụ 1.710ha, với tổng kinh phí 4,591 tỷ đồng. Thi công 10 công trình thủy lợi nội đồng, đã góp phần đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện đôn đốc các xã nạo vét các kinh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, gia cố các tuyến đê, bờ bao có nguy cơ sạt lở nhằm đảm bảo an toàn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, ngoài biện pháp công trình, Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn còn phối hợp, vận động các biện pháp phi công trình tới người dân như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích nghi với hạn, mặn (nếu có diễn biến phức tạp). Điều đó sẽ giúp quá trình sản xuất và đời sống thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp vào cơ cấu lại nông nghiệp, gia tăng giá trị sản xuất.

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đề cập tới rất nhiều vấn đề của vùng: đầu tư thủy lợi, hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất tiêu thụ,...

Để đảm bảo sản xuất đúng định hướng và mang lại giá trị gia tăng, cần đảm bảo những giải pháp công trình được đầu tư kịp thời bên cạnh các biện pháp phi công trình từ ý thức, kinh nghiệm người dân.

Trên tinh thần đó, các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất hay cơ quan chuyên ngành ở các vùng hạ nguồn Trà Ôn, Vũng Liêm đã ngày càng ý thức hơn trước biến đổi khí hậu để biết cách thích ứng hơn.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh