Chính vì hội tụ hàng loạt các điều kiện thuận lợi nên sau thời gian chọn Vĩnh Long là điểm đến đầu tư, nhiều doanh nghiệp (DN) không chỉ duy trì hiệu quả hoạt động mà còn ngày càng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Khai trương tháng 1/2019, Công ty TNHH New Hope Vĩnh Long (tại KCN Bình Minh) vừa điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô.Ảnh: HIỀN LY |
Chính vì hội tụ hàng loạt các điều kiện thuận lợi nên sau thời gian chọn Vĩnh Long là điểm đến đầu tư, nhiều doanh nghiệp (DN) không chỉ duy trì hiệu quả hoạt động mà còn ngày càng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Phóng viên Báo Vĩnh Long ghi nhận ý kiến một số DN đã chọn Vĩnh Long là “bến đỗ”, trong đó, có DN đã tiên phong, gắn bó với tỉnh từ khi “khai sinh” khu công nghiệp (KCN) quy mô đầu tiên- hiện đang là KCN kiểu mẫu hôm nay.
1. Ông Chen Tsao Kang-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tỷ Xuân (KCN Hòa Phú- Long Hồ)
Chúng tôi đến đầu tư tại Vĩnh Long từ năm 2004, vốn đầu tư ban đầu của công ty khoảng 40 triệu USD và có hơn 1.000 lao động.
Do làm ăn thuận lợi, đến nay công ty đã mở rộng quy mô sản xuất trên diện tích 33ha với số vốn đăng ký hơn 120 triệu USD và 23.000 lao động. Hiện công ty đang xây thêm 2 kho với diện tích khoảng 7ha.
Trước khi vào Việt Nam sản xuất, chúng tôi thấy rằng đây là đất nước ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhiều chính sách ưu đãi.
Khi đầu tư vào Vĩnh Long, chúng tôi càng tự tin hơn khi lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành quan tâm, xử lý công việc hiệu quả, nhanh chóng và rất quan tâm đến đời sống người dân, giúp người lao động ổn định, công ty yên tâm làm ăn, phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng dự án và đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.
2. Ông Liang Qiang-Giám đốc thu mua kiêm Giám đốc nhân sự Công ty TNHH New Hope Vĩnh Long (KCN Bình Minh- TX Bình Minh)
Công ty chúng tôi vừa tăng vốn đầu tư và quy mô hoạt động tại Dự án Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản Vĩnh Long tại KCN Bình Minh. Theo đó, sẽ lắp đặt thêm 1 dây chuyền sản xuất thức ăn cho cá từ 18 triệu USD (tương đương 406,8 tỷ đồng) lên 22 triệu USD (tương đương 497,2 tỷ đồng) và nâng quy mô sản xuất từ 200.000 tấn lên 320.000 tấn/năm.
Do nguồn sản xuất cá ba sa, cám gạo,… thuộc các tỉnh- thành vùng ĐBSCL nên có thể thu mua, vận chuyển nguyên liệu nội địa dễ dàng, chi phí thấp. Các nguồn nguyên liệu khác như bắp, lúa mì,… nhập từ nước ngoài về cũng rất thuận tiện qua cảng Bình Minh ở ngay KCN, cảng Vĩnh Long (TP Vĩnh Long)… Nói chung, nhà máy đóng ở đây thuận lợi cả đường bộ, đường thủy lẫn đường hàng không.
Hiện công ty có 6 dây chuyền hoạt động sản xuất thức ăn thủy sản, công suất gần 4.000 tấn/tháng, tiêu thụ ở các tỉnh- thành ĐBSCL. Dự kiến dây chuyền thứ 7 sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động trong năm nay. Công ty đang làm chứng nhận nguồn gốc xuất xứ để xuất khẩu theo nhu cầu một số thị trường như Úc, Canada, Lào, Campuchia…
3. Ông Phạm Minh Hiền-Giám đốc Công ty TNHH MTV Bột mì Đại Nam (Phường 8- TP Vĩnh Long)
Chúng tôi thấy rất an tâm đầu tư tại Vĩnh Long. Là tỉnh nằm ở trung tâm của ĐBSCL, Vĩnh Long không chỉ có nguồn nguyên liệu dồi dào, giao thông thuận lợi mà nguồn lao động cũng thu hút được dễ dàng, kể cả lao động đã có qua đào tạo chuyên môn, chất lượng cao,… Về mặt thủ tục hành chính, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh rất quan tâm hỗ trợ DN. Luôn lắng nghe, trả lời rõ ràng gút mắc, giải quyết thủ tục nhanh gọn,…
Từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh 2018, công ty đã được hỗ trợ về mặt đầu tư cải tiến công nghệ hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước. Hiện công ty đã được hướng dẫn và đang trong quá trình thực hiện các bước tiếp nhận hỗ trợ. Môi trường đầu tư tốt, đây là cơ sở để công ty tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của nhà máy với vốn đầu tư khoảng 650 tỷ đồng.
4. Ông Trần Hoàng Đông-Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food (xã Tân Bình- Bình Tân)
Chúng tôi nhận thấy môi trường đầu tư tại Vĩnh Long rất thuận lợi và nhiều tiềm năng. Đó là lý do chúng tôi quyết định chuyển từ thành phố lớn về huyện Bình Tân mở công ty bởi nơi đây có vùng nguyên liệu khoai lang lớn nhất ĐBSCL, thương hiệu nổi tiếng cả nước. Với mặt hàng sản xuất chủ yếu là khoai lang sấy chiếm 70% và chế biến- bảo quản rau củ quả, thì chọn Vĩnh Long là điểm đến tốt về nguồn nguyên liệu.
Một lý do nữa khiến tôi thích Vĩnh Long là khí hậu trong lành, hạn chế được vi khuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm của công ty so trước kia sản xuất tại đô thị lớn, không khí bị ô nhiễm nhiều. Cùng với đó, Vĩnh Long còn “ghi điểm cộng” với DN ở chỗ lãnh đạo địa phương rất thân thiện và luôn quan tâm, đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn.
Trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm, địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho DN như tìm kiếm thị trường mới, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước, giúp thương hiệu sản phẩm đi xa hơn. Điều này rất quý đối với DN.
Hiện sản phẩm của công ty đã xuất sang được Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia,… DN đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, thêm kho trữ lạnh, sấy dẻo, tạo thêm nhiều mặt hàng mới như: khoai lang sấy, mít sấy, trái cây sấy dẻo,...
Đồng thời, nghiên cứu thêm sản phẩm bột khoai lang để chế biến, do đã có nhiều khách Nhật Bản đặt vấn đề về mặt hàng này. Khi đó, DN sẽ tận dụng được nguồn khoai nhỏ của nông dân, giúp nông dân có thêm đầu ra.
5. Ông Đinh Văn Vụ-Giám đốc Nhà máy Phân bón Cửu Long (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long)
Có nhiều nguyên nhân để DN chọn Vĩnh Long là bến đỗ. Thứ nhất, là tỉnh trung tâm ĐBSCL- tiềm năng nông nghiệp lớn, nguồn nước ngọt dồi dào, đất đai màu mỡ.
Thứ 2, dễ dàng huy động nguồn nhân lực, lao động có đào tạo vì có các trường ĐH, CĐ và trường nghề của tỉnh và quanh vùng nhiều. Thứ 3, môi trường rất trong lành. Đây là những lợi thế lớn và rất quan trọng đối với sản xuất kinh doanh của DN.
Thêm vào đó, chính sách thu hút đầu tư rất minh bạch, lãnh đạo địa phương nhiệt tình, chân thành; các “dịch vụ” hỗ trợ DN rất tốt, nhanh gọn và ngày càng cải tiến theo hướng có lợi cho DN.
Song song đó, ngành chức năng thường xuyên có những lớp đào tạo sát với thực tế nhu cầu của DN... Nói chung, tôi rất mến vùng đất và con người Vĩnh Long, chính sự hỗ trợ nhiệt tình, hết mình của địa phương đã giúp DN thêm niềm tin để đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững.
6. Ông Nguyễn Tường Nam-Phó Chủ tịch Hiệp hội DN, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh
Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) những năm gần đây cho thấy Vĩnh Long duy trì ở mức cao và trong nhóm điều hành kinh tế tốt. Hiện xếp thứ 8 so với cả nước và thứ 4 so với các tỉnh ĐBSCL.
Là tổ chức đồng hành cùng DN và là cầu nối với các cơ quan nhà nước, chúng tôi nhận thấy trong những năm gần đây, việc phát triển DN trong tỉnh có những chuyển biến tích cực như: nhiều DN đã tăng vốn đầu tư, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Các DN đầu tư mới với quy mô lớn hơn, ngành nghề đa dạng hơn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính. Tính tương tác giữa DN và cơ quan chính quyền được cải thiện và nâng cao, các chính sách hỗ trợ phát triển DN, khởi nghiệp được dự thảo lấy ý kiến đóng góp của hiệp hội, cộng đồng DN trước khi ban hành như: hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, phát triển DN mới, phát triển khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển ngành nghề...
Ngoài ra, hiệp hội và cộng đồng doanh nhân cũng được mời tham gia làm thành viên một số hội đồng và ban điều hành của tỉnh như: nâng cao năng suất, chất lượng; tư vấn khởi nghiệp; mỗi làng một nghề; bình xét khen thưởng DN; tư vấn kinh tế; phản biện xã hội về các chính sách có liên quan... Đồng hành qua các kỳ đối thoại với DN (duy trì mỗi quý một lần), phần lớn các DN tham gia hài lòng.
TUYẾT HIỀN- THẢO LY (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin