Xử phạt nếu để giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm

07:07, 11/07/2019

Từ nay đến cuối năm, các sở, ngành phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nhà thầu, chủ đầu tư chậm trễ trong thi công, giải ngân kế hoạch vốn đạt thấp; cắt hoặc điều chuyển vốn sang những công trình hoặc huyện nào đang cần vốn.

 

 

Xây dựng cơ bản được thực hiện tốt góp phần rất lớn phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Xây dựng cơ bản được thực hiện tốt góp phần rất lớn phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Từ nay đến cuối năm, các sở, ngành phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nhà thầu, chủ đầu tư chậm trễ trong thi công, giải ngân kế hoạch vốn đạt thấp; cắt hoặc điều chuyển vốn sang những công trình hoặc huyện nào đang cần vốn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Xây dựng cơ bản (XDCB) tỉnh- Lê Quang Trung chỉ đạo như vậy tại hội nghị thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, vừa diễn ra.

Vướng giải phóng mặt bằng

Theo BCĐ XDCB tỉnh, đến 30/6/2019, nếu tính theo số vốn thực tế thực hiện (không kể số vốn địa phương chưa thông báo cho các dự án chưa đủ điều kiện do kế hoạch năm 2018 kéo dài sang năm 2019 đạt tỷ lệ thấp: 153,252 tỷ đồng; tiền thu sử dụng đất từ 30% bán nền sinh lợi 205 tỷ đồng do thực tế chưa thu được) thì kế hoạch vốn là gần 2.500 tỷ đồng, thực hiện đạt 35,54%, giải ngân đạt 28,48%.

Trong đó, ngân sách tỉnh trên 2.000 tỷ đồng, còn lại vốn từ Trung ương. Năm 2019 có 74 công trình khởi công mới, kế hoạch vốn gần 1.000 tỷ đồng; 99 công trình chuyển tiếp, khoảng 1.300 tỷ đồng, giải ngân đạt gần 27%. Nhìn chung các công trình chuyển tiếp triển khai thực hiện, giải ngân chậm so kế hoạch.

Theo các địa phương, nguyên nhân phần lớn công trình chậm do vướng khâu giải phóng mặt bằng, sự phối hợp chưa thường xuyên, tổ chức lựa chọn nhà thầu chưa chặt chẽ…

Ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- cho biết tiến độ XDCB của huyện chậm là do việc vận chuyển cát về xây dựng xã nông thôn mới phụ thuộc triều cường và vướng giải phóng mặt bằng làm cầu.

Ông Lê Quang Trung ngắt lời, cho rằng “việc này rất nhỏ bởi diễn ra chỉ ở 1 xã” đã chỉ đạo hôm sơ kết quý I nên không bàn nữa. Riêng giải phóng mặt bằng xây cầu, thì trước khi lên kế hoạch, địa phương phải biết vướng đất ai, chủ động giải quyết từ đầu. Ông Trạng cho biết, đã lập biên bản và hộ này đã đồng ý từ đầu. Ông Trung chỉ đạo, đã có biên bản đồng ý thì căn cứ đó mà thực hiện.

Trong khi đó, Ban Quản lý Dự án nông nghiệp- PTNT là đơn vị “chủ xị” nhiều dự án lớn, nhưng tiến độ thực hiện, giải ngân khá thấp. Đại diện đơn vị này giải thích, do đa số các dự án của ngành lớn thiết kế 2 bước. Công trình trải dài, giải phóng mặt bằng cần cụ thể, chi tiết…

Năm 2019 có 7 dự án, nhưng chỉ khởi công được 2 dự án, dự kiến quý III khởi công dự án còn lại. Trả lời việc triển khai chậm kè chống sạt lở bờ sông Long Hồ (khu vực Phường 1, Phường 5) vốn khá lớn 20 tỷ đồng, chưa giải ngân là do thiết kế 2 bước, quy mô công trình nhiều và hơn nữa có chủ trương chỉ định thầu nên cần triển khai kỹ, đang mời gói thầu xây lắp.

Ngoài ra, theo BCĐ XDCB tỉnh, nguyên nhân còn do nhiều dự án điều chỉnh phương án thiết kế, điều chỉnh dự án theo yêu cầu thực tế nên ảnh hưởng tiến độ triển khai. Bên cạnh, nhiều dự án khởi công và tạm ứng kế hoạch vốn trong quý I và đầu quý II, trong những tháng cuối quý II đến nay chỉ thanh toán tạm ứng nên tỷ lệ giải ngân chậm.

Rà soát, điều chuyển vốn công trình chậm trễ

Kết luận chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Quang Trung phân tích rõ số liệu để chỉ ra sự chậm trễ trong thực hiện: Với chỉ hơn 2.400 tỷ đồng gồm vốn từ Trung ương và địa phương chi cho XDCB 2019, nhưng hết 6 tháng còn tới 17 công trình chưa giải ngân; 30 dự án giải ngân dưới 20% và 12 công trình chưa khởi công, với tổng vốn khoảng 1.800 tỷ đồng còn ở kho bạc, chưa thực hiện là rất chậm.

Đường từ QL53 đến đường Võ Văn Kiệt được thi công khá khẩn trương.
Đường từ QL53 đến đường Võ Văn Kiệt được thi công khá khẩn trương.

Đối với công trình chuyển tiếp là 520 tỷ đồng/72 công trình. Nhưng đến thời điểm này cũng chỉ giải ngân được hơn 51%. “Tạm thời chấp nhận tiến độ giải ngân, nhưng trong 72 công trình còn 41 công trình chưa giải ngân đồng nào. Chưa giải ngân đồng nào nghĩa là chưa giao dịch kho bạc. Không chỉ vậy, tôi còn biết nhiều công trình tương tự”- Phó Chủ tịch Thường trực- Lê Quang Trung chỉ rõ, đồng thời cho rằng trách nhiệm người đứng đầu không cao, do đó cần xem trách nhiệm mình. Bộ phận tham mưu năng lực chưa đáp ứng. Thêm nữa là lựa chọn tư vấn nhà thầu yếu kém đi đôi không xử lý vi phạm.

Từ đó, ông chỉ đạo, tới đây phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện thanh quyết toán các công trình hoàn thành. Đến hết tháng 7, những dự án chưa giao dịch với kho bạc tức chưa có tiến độ, chưa khởi động phải rà soát thu hồi vốn; đẩy mạnh thanh- kiểm tra xử phạt. Từng đơn vị xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 để có bước thực hiện tốt hơn thời gian tới.

Một số dự án có kế hoạch vốn lớn chưa giải ngân, tính đến 30/6.

- Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, vốn 145 tỷ đồng, chưa giải ngân.

- Kè chống sạt lở sông Long Hồ (Phường 1, Phường 5- TP Vĩnh Long), nguồn vốn 20 tỷ đồng, chưa giải ngân.

- Đường từ cầu chú Bèn (QL54) ra sông Hậu (Bình Tân), vốn 37 tỷ đồng, chưa giải ngân.

- Đê bao 4 xã cù lao Long Hồ, vốn 17 tỷ đồng, chưa giải ngân.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh