WB: EVFTA mở ra cơ hội "kép" cho các doanh nghiệp Việt Nam

04:07, 01/07/2019

EVFTA giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các đối tác thương mại đa dạng trên thế giới và là dịp để doanh nghiệp Việt học hỏi kinh nghiệm chuyên môn quý báu của các đối tác châu Âu.

 

 

EVFTA giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các đối tác thương mại đa dạng trên thế giới và là dịp để doanh nghiệp Việt học hỏi kinh nghiệm chuyên môn quý báu của các đối tác châu Âu.

 

Thị trường EU hiện đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. (Ảnh: TTXVN)
Thị trường EU hiện đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 30/6, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết hai hiệp định quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA).

Đây được coi là các hiệp định toàn diện, có chất lượng cao và nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích song phương với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ.

Tuy nhiên, EVFTA sẽ đặt ra một trở ngại không nhỏ đối với Việt Nam bởi sự chênh lệch phát triển quá lớn giữa hai nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, để tìm hiểu rõ hơn về những cơ hội cũng như thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi cánh cửa thị trường EU được mở ra.

- Xin ông cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có ý nghĩa như thế nào đối với kinh tế Việt Nam?

Ông Ousmane Dione: Đầu tiên, tôi chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU vào ngày 30/6 sau 9 năm đàm phán.

Đây là một bước ngoặt có tính chất lịch sử, với tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Theo tôi, EVFTA vô cùng quan trọng bởi hiệp định này được ký kết trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn của thế giới đang đứng giữa làn sóng bảo hộ thương mại và khái niệm tự do hóa thương mại bị đặt một dấu hỏi lớn.

Do đó, đây là tín hiệu mạnh mẽ khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ tự do, mở cửa và hợp tác thương mại.

Bên cạnh đó, việc trở thành quốc gia ASEAN thứ hai, cùng với Singapore, ký kết một hiệp định thương mại sâu rộng với EU có thể coi là một niềm tự hào bởi nó cho thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác với EU.

- Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của EVFTA đối với kinh tế Việt Nam?

Ông Ousmane Dione: EVFTA sẽ mở ra cơ hội “kép” cho kinh tế Việt Nam. Một mặt, hiệp định này sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nhiều đối tác thương mại đa dạng trên thế giới, từ đó quảng bá sản phẩm của mình tới các thị trường khác nhau.

Mặt khác, đây là dịp để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm chuyên môn quý báu từ các đối tác ở châu Âu.

Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Đầu tiên, để tiếp cận thị trường rộng lớn của EU, các sản phẩm của Việt Nam sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định để thúc đẩy khả năng cạnh tranh.

Tôi lấy ví dụ trong ngành thủy sản. Cách đây một vài năm, EU đã giơ "thẻ vàng" đối với ngành đánh bắt cá của Việt Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam cần nâng cấp hơn nữa các tiêu chuẩn trong những lĩnh vực này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể học hỏi từ rất nhiều ví dụ thực tiễn tại các nước khác để khắc phục vấn đề này.

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có thể cung cấp những kinh nghiệm hoặc hỗ trợ từng ngành nghề cụ thể của Việt Nam trong việc cải cách và đáp ứng những yêu cầu cao hơn.

Thứ hai, trong một số lĩnh vực nhất định sẽ có những quy định về xuất xứ nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi việc tái cấu trúc các chuỗi giá trị.

Ví dụ như việc sản xuất may mặc của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu thô và sẽ phải tái cấu trúc nguồn cung ứng đầu vào để tuân theo các quy định về xuất xứ.

Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.

Thứ ba, kinh tế Việt Nam đang được hưởng lợi rất nhiều từ cơ cấu dân số vàng nhưng lợi thế này sẽ sớm biến mất do tình trạng già hóa dân số. Vì thế, Việt Nam cần phải trang bị cho lực lượng lao động những kiến thức, kỹ năng và trình độ để từ đó tận dụng tối đa lợi thế sẵn có.

- Ông có khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam để tận dụng những cơ hội và hạn chế các thách thức mà EVFTA mang lại?

Ông Ousmane Dione: Chìa khóa quan trọng nhất là cải cách để hiện đại hóa nền kinh tế. Trong đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp nhà nước.

Cải cách ở đây không có nghĩa là tư nhân hóa, mà là hiện đại hóa cách thức quản lý, khiến một Doanh nghiệp Nhà nước vận hành như một doanh nghiệp tư nhân, để từ đó trở nên cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tìm ra thế mạnh và thị trường riêng của mình bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong quá trình đổi mới, sáng tạo.

Chính phủ Việt Nam cần phải kết nối hơn nữa các doanh nghiệp SME với dòng vốn đầu tư nước ngoài, để từ đó tạo cơ hội tiếp cận và học hỏi về công nghệ, bí quyết cũng như cách thức mà các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động.

- Xin cảm ơn ông!./.

Theo Phương Nga (TTXVN/Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh