Khởi nghiệp ở nông thôn

08:07, 05/07/2019

Sống và làm việc trên mảnh đất quê hương vẫn là niềm hạnh phúc của mọi người. Ước vọng đó nay đã được giải quyết phần nào, nhất là đối với lao động trẻ. 

Sống và làm việc trên mảnh đất quê hương vẫn là niềm hạnh phúc của mọi người. Ước vọng đó nay đã được giải quyết phần nào, nhất là đối với lao động trẻ.

Nếu trước đây, mối quan tâm trong bài toán giải quyết việc làm là giúp người lao động “ly nông, bất ly hương”, hiện nay khái niệm này đang dần được người trong cuộc thu hẹp, tức là ở ngay quê nhà, dựa vào nghề nông, nhiều người vẫn khẳng định sống tốt với mức thu nhập ổn định.

Các mô hình nông nghiệp mới truyền cảm hứng cho thanh thiếu nhi đến học tập, tìm hiểu
Các mô hình nông nghiệp mới truyền cảm hứng cho thanh thiếu nhi đến học tập, tìm hiểu

Hấp dẫn với nông nghiệp công nghệ cao

Quan niệm làm nông là… “nghèo suốt đời” đang dần được thay đổi. Bởi ngày nay, làm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đang có “sức hút”, được nhiều nông dân quan tâm và mạnh dạn đầu tư.

Điểm qua các mô hình khởi nghiệp của thanh niên, có thể thấy tín hiệu rất đáng mừng khi các bạn trẻ đã chọn thế mạnh của tỉnh là bước khởi sự cho tương lai. Nổi bật là các mô hình: trồng dưa lưới trong nhà màng hoặc nhà kín, trồng rau thủy canh, rau an toàn, trồng hoa kiểng, cây ăn trái công nghệ cao… vừa áp dụng kỹ thuật tiên tiến, vừa tận dụng tối đa diện tích khiêm tốn để đất “sinh” ra tiền.

Trước đây, lý do phần lớn người dân bỏ quê để làm công nhân ở các thành phố lớn là vì ít đất, ít vốn, chưa lựa chọn đúng cây, con để nuôi trồng hiệu quả. Hiện nay, lực lượng lao động thanh niên có trình độ nhất định, nhanh nhẹn trong học hỏi, nắm bắt cái mới và dám nghĩ, dám làm.

 

Anh Nguyễn Văn Thanh (xã Vĩnh Nhuận, Châu Thành) với vườn rau thủy canh diện tích 3.000m2 bước đầu đã thu nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhờ kỹ thuật trong nhà kín cho năng suất cao, mỗi ngày anh Thanh thu khoảng 200kg rau các loại. 

Tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp, 2 bạn Nguyễn Lê Minh và Nguyễn Duy Trung (xã Phú Lâm, Phú Tân) đã chọn trở về quê hương phát triển bằng vốn kiến thức có được. Nhà màng diện tích 200m2 được đầu tư đến nay khoảng 300 triệu đồng được đánh giá là mô hình trồng rau thủy canh đầu tiên trên địa bàn huyện Phú Tân mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ sự tò mò thuở ban đầu, người dân địa phương dần trở thành khách hàng quen thuộc, góp phần tiêu thụ đắc lực cho đầu ra sản phẩm rau sạch của đôi bạn trẻ. Đặc biệt, với vườn rau được đầu tư kỹ thuật chăm sóc chu đáo, đúng quy trình, nguồn rau được các bạn trồng đều là giống ngoại nhập, phát triển khỏe, vượt trội về chất lượng nên sức cạnh tranh trên thị trường khá ổn định.

Ngụ cùng xã, anh Ngô Thanh Sơn làm nghề chính là chụp ảnh, quay phim gần đây cũng bị nông nghiệp công nghệ cao “hấp dẫn”. Anh Sơn cho biết, hơn 3 công đất lâu nay chỉ trồng cây ăn trái, không phát triển được như mong muốn. Tìm hiểu về các kỹ thuật canh tác mới, anh Sơn mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới tại gốc và phun sương, cải tạo vườn trồng ổi, mãng cầu, bưởi… đã bắt đầu có thu nhập và tiết kiệm công sức lẫn chi phí khá tốt.

Nhiều cơ hội phát triển

Lao động nông nghiệp trên chính mảnh đất của gia đình rõ ràng là một lợi thế. Nông dân đã quen thổ nhưỡng, khí hậu, kinh nghiệm, đồng thời có sự trợ giúp tối đa của công nghệ kỹ thuật để tạo ra giá trị sản phẩm cao hơn trước đó.

Có sự thú vị trong quan niệm của những người làm nông nghiệp ngày nay, rằng nông thôn là nơi rất xứng đáng để khởi nghiệp, là thị trường tiềm năng khi đời sống người dân ngày càng nâng cao, họ có yêu cầu về chất lượng ngày một tốt hơn khi mua sản phẩm.

Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ từ mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến, việc sản xuất - kinh doanh ở đâu không còn là yếu tố quan trọng, cái chính là kết nối được với đối tác và khách hàng sao cho sản phẩm được khẳng định và vươn xa. Thậm chí, nhiều người mạnh dạn trồng các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao để thử sức.

Anh Hồ Thanh Tuấn (ngụ xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) là một trong số những tấm gương điển hình khi thử nghiệm trồng dưa lưới ở vùng quê lâu nay chỉ biết đến cây lúa và con cá. Nhờ kiến thức chuyên ngành công nghệ sinh học, tích lũy thêm kinh nghiệm trong thời gian thực tập tại Israel, anh đầu tư nhà màng 1.000m2 trồng 3.000 gốc dưa lưới. 

Vụ dưa đầu tiên sau 2 tháng chăm sóc đạt năng suất 3,5 tấn đem về cho anh thu nhập 112 triệu đồng. Chất lượng được khẳng định, sản phẩm dưa lưới của anh được Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương) đến tận nơi thu mua. Nhắm đến đối tượng khách hàng là những người kinh doanh và sống vùng đô thị nhưng anh Nguyễn Bé Tâm (Phú Tân) chọn mở vườn trồng hoa hồng ngoại ở quê.

Việc này không hề trở ngại đối với đầu ra sản phẩm, vì nhờ các mối quen biết là cơ sở bán sỉ và bán trực tuyến trên zalo, anh nhanh chóng được khách hàng tin tưởng ủng hộ.

Đem các giống hoa hồng ngoại từ Đà Lạt (Lâm Đồng) về thuần dưỡng, anh Tâm tự nhân giống thành hàng rất nhiều loại thuần lẫn lai ghép để phân phối trong và ngoài tỉnh. Kiến thức chuyên ngành bảo vệ thực vật giúp anh Tâm tạo giống hoa chất lượng, hoa không hề thua kém những nơi khác.

Dù chỉ mới là những mô hình khởi điểm, cá nhân những lao động trẻ ở mỗi địa phương được ví như những “ngọn lửa” nhen nhóm đầu tiên nhưng có thể khẳng định các mô hình đã và đang thay đổi, nhận thức của lực lượng lao động thanh niên khá tích cực.

Nông nghiệp đã hấp dẫn hơn nhờ vào những tiến bộ của khoa học - công nghệ giúp người nông dân chăm sóc nhẹ công và sản xuất ra sản phẩm chất lượng, nhận được sự quan tâm từ khách hàng với tư cách là người tiêu dùng đến các cá nhân, đơn vị hợp tác kinh doanh.

Từ sự thành công của những mô hình này đã góp phần khơi gợi và truyền cảm hứng cho nhiều thanh, thiếu niên đến tìm hiểu học tập.

Hầu hết các Hội đồng Đội huyện đều kết hợp từ mô hình nông nghiệp của thanh niên ngay tại địa bàn để tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu dưới nhiều tên gọi như: “Trải nghiệm khởi đầu những ước mơ”, “Trải nghiệm thực tế học tập”, “Trải nghiệm thực tế em tập làm nông dân”… góp phần định hướng, gieo ước mơ tích cực cho các em nhỏ, nhất là tạo nền tảng cho các em có cái nhìn mới về làm nông thời hiện đại.

Theo Báo An Giang

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh