"Gỡ" ùn tắc cho "mặt tiền" KCN Hòa Phú

06:07, 31/07/2019

Một vị lãnh đạo UBND tỉnh từng ví Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú là "mặt tiền của tỉnh". Khu vực "mặt tiền" này ngày càng "sầm uất" với lượng lao động lên đến hàng chục ngàn người, lân cận là các khu dân cư ngày càng đông, quán xá "nở nồi" và chợ, trường ĐH, trường nghề… 

Một vị lãnh đạo UBND tỉnh từng ví Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú là “mặt tiền của tỉnh”. Khu vực “mặt tiền” này ngày càng “sầm uất” với lượng lao động lên đến hàng chục ngàn người, lân cận là các khu dân cư ngày càng đông, quán xá “nở nồi” và chợ, trường ĐH, trường nghề… Tuy nhiên, ùn tắc giao thông cục bộ, ô nhiễm môi trường ở khu vực này vẫn đang là vấn đề “nóng”, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Giao thông đoạn qua KCN Hòa Phú thường “căng thẳng” vào giờ công nhân tan tầm.
Giao thông đoạn qua KCN Hòa Phú thường “căng thẳng” vào giờ công nhân tan tầm.

Ùn tắc do đâu?

Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, hiện có gần 34.500 lao động làm việc tại các khu- tuyến công nghiệp, tăng gần 4.600 người so cùng kỳ năm trước (chủ yếu tăng lao động trong nước). Trong đó, lượng lao động tại KCN Hòa Phú chiếm trên 20.000 người. Lân cận KCN là các khu dân cư, chợ, trường ĐH, trường nghề…

Do tập trung lượng lao động, dân cư và sinh viên- học sinh… rất lớn nên tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ, nhất là vào giờ công nhân đi làm hoặc tan tầm không chỉ là “nỗi ám ảnh” của công nhân mà còn của cả người tham gia giao thông qua khu vực này thời gian qua. Ùn ứ “lan rộng” từ cổng công ty ra QL1, không ít lần còn dẫn đến kẹt xe.

Chị Lâm Thanh Hiền ở Thạnh Quới (Long Hồ)- công nhân ở KCN này cho hay, lúc trước tan ca, chồng chị đón ở cổng công ty nhưng bị “dính vào đám đông ùn ừ rất lâu mới nhích ra khỏi, qua lộ lại nguy hiểm nên hiện chồng chị ở bên kia cầu vượt (phía chợ Phước Yên) chờ chị đi bộ qua để về nhà cho nhanh.

Cũng là công nhân, chị Lê Thị Yến Linh ở Hòa Phú (Long Hồ) nói: Do ùn tắc khi tan ca nên nhiều công nhân gửi xe ở các nhà xe bên ngoài công ty. Theo chị, cách này tiện vì có thể tạt qua “chợ công nhân” mua đồ ăn về nhà, khỏi lo chạy xe chen lấn.

Về việc “chợ công nhân” họp trước cổng công ty có cần thiết với công nhân và có phải là nguyên nhân gây ùn tắc? Chị Linh cho rằng: Hàng hóa ở “chợ” phong phú, rất nhiều đồ đồng, đồ vườn do nông dân tự nuôi trồng, giá rẻ hơn so các điểm bán bên ngoài. Do đó, công nhân tan ca thường ghé mua nhanh rồi đi ngay nên không gây… ảnh hưởng lớn.

Là công nhân, cũng là người dân sống ở gần KCN, anh Lê Văn Mạnh ở xã Hòa Phú “phân tích”: Các công ty thường có nhiều cổng ra.

Từ các cổng này, công nhân tỏa về các ngả đường, gần đây các tuyến đường nội bộ KCN và vùng lân cận được mở rộng nhiều nên phía trong KCN đã giảm ùn ứ so trước kia mà ùn ứ chủ yếu ngoài QL1. Nguyên nhân là khi tan ca, một lượng lao động lớn đổ qua đường gặp xe lưu thông trên QL dẫn đến ùn ứ hoặc kẹt xe.

Theo ông Nguyễn Văn Liệt- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải, KCN Hòa Phú mang lại hiệu quả cho tỉnh rất lớn về kinh tế, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, song song đó còn tồn tại bất cập, trong đó cái lớn nhất hiện giờ là ùn tắc giao thông cục bộ, ô nhiễm môi trường.

Về ùn tắc giao thông cục bộ thì theo ông Nguyễn Văn Liệt “chủ quan có, khách quan có”. Cái khách quan lớn nhất và khó là KCN được đầu tư chưa đủ: thiếu chợ, nhà ở, khu vui chơi… nhưng chúng ta chưa thi công. Cho nên, khu Phước Yên là khu “phụ kiện” giải quyết vấn đề cho KCN.

Ngoài ra, KCN chưa được đầu tư hạ tầng giao thông kết nối mà hiện chỉ tập trung chủ yếu ra QL1 và việc bố trí một số nút, vị trí giao thông chưa phù hợp.

Vừa rồi, sở đã đưa ra giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể là thanh tra, phối hợp với cảnh sát giao thông điều tiết trong giờ cao điểm, phân luồng; giải tỏa tái lấn chiếm buôn bán ở khu này; gắn các đèn chớp, đèn nháy… đảm bảo an toàn giao thông.

Theo đó, tình trạng ùn tắc cơ bản có giảm nhưng chưa nhiều vì “nguyên nhân chính vẫn chưa được giải quyết- chỉ làm phần ngọn”.

Giải pháp đã có

Chợ họp phía trước và dọc các tuyến đường quanh KCN thu hút công nhân giờ tan tầm và cả dân địa phương.
Chợ họp phía trước và dọc các tuyến đường quanh KCN thu hút công nhân giờ tan tầm và cả dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Liệt cho biết thêm, giải quyết ùn tắc giao thông cục bộ, ô nhiễm môi trường ở KCN Hòa Phú là vấn đề tỉnh rất quan tâm.

Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón mời tất cả các cơ quan xây dựng kế hoạch, lập lại trật tự KCN Hòa Phú. Các đơn vị như Ban Dân vận, phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, địa phương, KCN… sẽ “ra quân” trong tháng 8 tới đây.

Trước mắt là làm xanh- sạch môi trường quanh KCN, kế đến, cơ bản xây dựng mặt bằng 2 đầu tuyến, sắp xếp tạm thời để bà con buôn bán đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đồng thời “giải phóng” trả lại toàn bộ mặt bằng để giảm ách tắc giao thông cục bộ ở KCN.

Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải, trong đó còn một số nhà chưa giải tỏa được, nên tiếp tục giải tỏa để thông tuyến này. Đồng thời, phối hợp Cục Đường bộ, triển khai đèn xanh đèn đỏ chốt Phước Yên và đường vô UBND xã Phú Quới trong tháng 8/2019.

“Nhu cầu mua bán thực sự là có” nên về lâu dài, sẽ xây dựng khu Phước Yên để tập trung mua bán ổn định, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Bên cạnh, đầu tư mở rộng một số tuyến đường giao thông kết nối KCN với các xã thuộc huyện Long Hồ, đường về Tam Bình, đường kết nối với tỉnh Đồng Tháp… trong đó, nhiều tuyến đã có dự án.

“Đầu tư, mở rộng các tuyến đường là giải pháp dài hơi để giảm áp lực cho QL1 như hiện nay”- ông Nguyễn Văn Liệt cho biết.

Thời gian gần đây, nhiều người tham gia giao thông đoạn qua KCN khấp khởi mừng khi các cột đèn giao thông ngang chợ Phước Yên và đường vô UBND xã Phú Quới được thi công.

Anh Lê Văn Mạnh vui vẻ: “Khi có thêm các cột đèn giao thông không những dễ qua đường mà còn khắc phục tình trạng ùn ứ. Do đó, đường về nhà sẽ an toàn hơn”.

Với diện tích 250ha, Hòa Phú là KCN tập trung đầu tiên và lớn nhất tỉnh theo mô hình KCN kiểu mẫu. Thời gian qua, KCN đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp an sinh xã hội của tỉnh.

Trong đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, sự phát triển của KCN còn kéo theo sự nở nồi của hàng loạt dịch vụ “phụ kiện” khác giúp nhiều người dân có thu nhập ổn định, ăn nên làm ra…

Thiết nghĩ, đảm bảo vệ sinh, mỹ quan quanh KCN, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ- giúp lưu thông đoạn qua KCN thông thoáng chính là tạo hình ảnh đẹp và thiện cảm đối với nhà đầu tư và khách thập phương về miền Tây- chắc chắn đi qua KCN Hòa Phú của Vĩnh Long.

Từ một làng quê thuần nông, sự xuất hiện của KCN đến nay đã giúp khu vực lân cận thành “khu đô thị” sầm uất, hứa hẹn ngày càng phát triển năng động và hiện đại.

Mạnh tay với xả rác, bán hàng rong...

Tại buổi đối thoại của lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong KCN Hòa Phú đã từng phản ánh tình trạng bán hàng rong, phát tờ rơi… gây ảnh hưởng an ninh trật tự, mỹ quan KCN. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung lưu ý: Các đơn vị hữu quan cần có giải pháp mạnh (quy định cấm, chế tài, xử phạt…) để kiên quyết xử lý dứt điểm ngay các trường hợp gây ảnh hưởng mỹ quan, an ninh trật tự tại KCN.

Bài, ảnh: THẾ QUÂN- NAM ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh