Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới

06:07, 03/07/2019

Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Mang Thít, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều mô hình hay được phát triển đúng hướng, góp phần xây dựng nông thôn mới cũng như nâng cao thu nhập cho người dân…

 

Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Mang Thít, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều mô hình hay được phát triển đúng hướng, góp phần xây dựng nông thôn mới cũng như nâng cao thu nhập cho người dân…

Nhiều vườn thanh long cho giá trị cao góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân Mang Thít.
Nhiều vườn thanh long cho giá trị cao góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân Mang Thít.

Giảm nghèo từ những mô hình nhỏ

Thực hiện thi đua phong trào “Dân vận khéo”, mô hình nuôi bò sinh sản giai đoạn 2017- 2019 ở xã Mỹ Phước được đánh giá là thành công, mang lại kinh tế cho người dân ở địa phương.

Theo Hội Nông dân xã Mỹ Phước, bắt đầu thực hiện mô hình, Hội Nông dân đã tuyên truyền phổ biến cho 7 ấp trên toàn xã, thậm chí đến từng hội viên để họ nắm được sự hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển sản xuất, tăng thu nhập hộ gia đình. Qua đó, được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh với mỗi con bò giống là 5 triệu đồng. Tổng số thành viên tham gia là 14 hộ với 28 con bò giống.

Theo ông Cù Văn Thinh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước, nhiều hộ gia đình đã học tập kỹ thuật nuôi cũng như chịu khó vươn lên để thoát nghèo. Theo ông Thinh, từ 28 con bò được hỗ trợ, các hộ tham gia mô hình không ngừng tăng đàn với hiệu quả kinh tế cao. Một số hộ tăng đàn mạnh với giá trị hơn 100 triệu đồng.

“Có thể nói, mô hình nuôi bò sinh sản ngày càng được nhân rộng sẽ giúp cho hội viên, nông dân tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, ăn nên làm ra khấm khá, làm giàu thoát nghèo, góp phần vào tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống trên địa bàn xã Mỹ Phước trong năm 2019”- ông Thinh chia sẻ.

Ngoài ra, cũng theo ông Thinh, hiện nay người dân đang chuyển đổi mạnh từ ruộng sang vườn, hoặc cải tạo vườn tạp để tăng thu nhập. Đã xuất hiện nhiều vườn cây đặc sản như sầu riêng, mít… cho thu nhập cao. Điều đó cho thấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đi đúng hướng, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Mang Thít, về triển khai kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa giai đoạn 2019- 2020, từ đầu năm đến nay, đã phối hợp tổ chức với ngành chuyên môn của tỉnh triển khai 14 mô hình, trong đó có 13 dự án mới và 1 dự án chuyển tiếp năm 2018- 2019. Qua đánh giá, phần lớn các mô hình được nông dân đồng tình hưởng ứng, kết quả bước đầu rất khả quan như mô hình nhân giống lúa nguyên chủng, mô hình trồng đậu nành rau…

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp- PTNT, kết quả chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển là giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng rau màu và cây ăn trái. Cụ thể diện tích lúa Đông xuân 2017- 2018 giảm 2,5%, cây màu tăng 10%, cây ăn trái tăng 3%, diện tích nuôi cá tra xuất khẩu tăng 16ha, đàn bò tăng 3,8%, đàn heo tăng 18%, đàn gia cầm tăng 30% so với cùng kỳ.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ ruộng sang vườn hiện là xu hướng của người dân trong huyện.Ảnh minh họa
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ ruộng sang vườn hiện là xu hướng của người dân trong huyện. Ảnh minh họa

Theo ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, huyện có nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển sản xuất phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài sản xuất lúa, toàn huyện có khoảng 6.000ha trồng các loại cây ăn trái như nhãn, xoài, bưởi, cam, chôm chôm, sầu riêng, thanh long,… Trong đó, sầu riêng, bưởi và thanh long là các loại cây chủ lực đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân.

Trong khi đó, ngoài các loại cây trái cho thu nhập cao tại một số xã trong huyện, nông dân đã tích cực đưa các loại cây màu chủ lực xuống ruộng như: khoai mỡ, củ cải trắng, dưa hấu, dưa gang, bí đỏ, gấc, các loại rau đậu… mang lại thu nhập cao.

Theo ông Trương Tấn Được, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tình hình chăn nuôi trong năm qua cũng phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi gia trại, trang trại theo phương thức nuôi công nghiệp, phong trào nuôi gia công vẫn duy trì…

“Từ những cách làm hiệu quả trên đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân. Cụ thể là năm 2018 tổng thu nhập bình quân đầu người là 33,7 triệu đồng/năm, toàn huyện có 6/12 xã đạt tiêu chí thu nhập. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần cho các xã thực hiện đạt tiêu chí thu nhập, giảm hộ nghèo trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT chia sẻ, để hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới cần tập trung một số nội dung và giải pháp như: tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các ngành, các cấp và nông dân về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên phát triển các mặt hàng chủ lực và tiềm năng; phát triển kinh tế hợp tác và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh