Theo báo Nikkei của Nhật Bản, trong kế hoạch đa dạng hóa nhằm tái cấu trúc cơ bản chuỗi cung ứng của mình, "đại gia" Apple đang cân nhắc các "điểm đến" Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Theo báo Nikkei của Nhật Bản, trong kế hoạch đa dạng hóa nhằm tái cấu trúc cơ bản chuỗi cung ứng của mình, "đại gia" Apple đang cân nhắc các "điểm đến" Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Trong các "ứng cử viên" này, Ấn Độ và Việt Nam nằm trong số những lựa chọn tiềm năng để đa dạng hóa sản xuất sản phẩm điện thoại thông minh của Apple. Thông tin này đã được giới chuyên gia kinh tế đón nhận với những đánh giá tích cực.
Trao đổi với phóng viên hãng tin Nga Sputnik về tác động của việc "đại gia" Apple cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng nếu được lựa chọn, Việt Nam sẽ không chỉ có cơ hội nâng cao uy tín của mình trong nền kinh tế thế giới mà còn có được hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế trong nước.
Theo Tiến sĩ, sự dịch chuyển sản xuất của Apple từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á đã được dự báo và nay đang trở thành hiện thực với tốc độ ngày càng cao. Việt Nam được lựa chọn như một trong những điểm đến ưa thích nhất, không chỉ của Apple mà còn nhiều tập đoàn khác, do Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng tiếp nhận.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nêu ra các lợi thế của Việt Nam. Thứ nhất, vị trí địa lý thích hợp và nằm trên tuyến vận tải hàng hóa đi toàn thế giới không làm đảo lộn quá nhiều phương án vận chuyển nguyên vật liệu cũng như thành phẩm của các nhà cung cấp cho Apple sau khi ra khỏi Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam có điều kiện chính trị ổn định, quan hệ đối ngoại rộng mở, độ mở của nền kinh tế hàng đầu khu vực và là đối tác kinh tế thương mại đáng tin cậy của hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tích cực tham gia hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại (FTA), trong đó có những FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA),...
Thứ ba, Việt Nam có môi trường kinh tế ổn định với lạm phát được kiểm soát tốt, giá trị đối nội và đối ngoại của đồng nội tệ (VND) được giữ vững đi đôi với hệ thống tài chính đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu trong cũng như ngoài nước.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng nhấn mạnh tới việc Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và có chính sách đặc biệt ưu đãi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư tầm cỡ toàn cầu nhằm biến Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất của thế giới. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài được hưởng điều kiện thuận lợi và ưu đãi đặc biệt trong tiếp cận đất đai mặt bằng sản xuất, thuế, vốn, lao động,...
Ngoài ra, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào gần 60 triệu người, có thể đào tạo trong thời gian ngắn với chi phí nhân công tương đối thấp. Samsung chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất toàn cầu chứng tỏ Apple sẽ không phải hối hận khi chuyển sản xuất sang Việt Nam - nơi đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Apple đã chọn và đã thành công.
Thêm vào đó, theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển rất nhanh và không ít trong số đó đã và sẽ đảm đương được vai trò công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khi tới Việt Nam, Apple và các nhà cung cấp đều có thể tìm thấy những đối tác là doanh nghiệp Việt Nam đáng tin cậy, có tiềm lực tài chính, công nghệ và quản trị đang tiến bộ từng ngày từng giờ.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang được hoàn thiện với tốc độ cao, cả hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Kết nối khu vực và toàn cầu, chất lượng quốc tế và mở cửa hội nhập là những đặc trưng nổi bật của cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện tại và tương lai.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng nhấn mạnh tới một lợi thế - đó là Việt Nam mở cửa hội nhập và phát triển giúp cho hạ tầng xã hội và môi trường sống được cải thiện mạnh mẽ, đáp ứng mọi yêu cầu sinh hoạt dù cao cấp nhất của người quản lý và chuyên gia thuộc các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất kinh doanh mà còn được lựa chọn để sinh sống lâu dài, để du lịch... của nhiều người nước ngoài trong môi trường quốc tế hóa rộng mở, thân thiện và bình đẳng.
Dự báo về những tác động đối với nền kinh tế nếu Apple chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để phát triển, củng cố và khẳng định vị thế một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu.
Hàng loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ được cải thiện như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), kim ngạch xuất nhập khẩu, việc làm, thu ngân sách nhà nước... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tốt trở thành đối tác của Apple, của các nhà cung cấp cho Apple, đồng thời thu nhập và đời sống của hàng vạn gia đình Việt Nam có điều kiện nâng cao nhờ có liên quan tới các dự án của Apple triển khai ở Việt Nam.
Bộ mặt nhiều địa phương, đặc biệt là địa phương được chọn làm dự án sẽ thay đổi mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lợi ích lớn nhất là nâng cao uy tín Việt Nam trong nền kinh tế thế giới và hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế trong nước.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin