Nghề nông thôn gắn cơ cấu nông nghiệp, lao động thị trường

04:06, 30/06/2019

Đến năm 2020 cơ bản lao động nông thôn (LĐNT) làm các ngành nghề chính và dịch vụ nông thôn được đào tạo nghề, với tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT" giai đoạn 2019-2020 là 13.670 người. 

 

 

Mô hình nuôi cá lóc (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) góp phần giải quyết việc làm lao động nông thôn.
Mô hình nuôi cá lóc (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) góp phần giải quyết việc làm lao động nông thôn.

Đến năm 2020 cơ bản lao động nông thôn (LĐNT) làm các ngành nghề chính và dịch vụ nông thôn được đào tạo nghề, với tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT” giai đoạn 2019-2020 là 13.670 người.

Trong đó ưu tiên đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT để phục vụ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT để làm dịch vụ nông nghiệp, cung ứng lao động cho thị trường và hợp tác lao động.

Báo cáo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho thấy, đến nay thường trực BCĐ đề án tỉnh, các cấp và các cơ quan liên quan đã tổ chức 3.251 lớp đào tạo nghề cho 91.137 LĐNT (lao động nữ có 59.762 người), đạt 82,93% chỉ tiêu kế hoạch đề án của các giai đoạn.

Các công việc nông thôn như bóc vỏ hạt điều, may gia công, đan đát (lục bình, chậu, giỏ...), chăn nuôi, trồng trọt... đã góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều LĐNT, nhất là lao động nữ.

Theo thống kê, trong tổng số hơn 91.000 LĐNT tham gia học nghề đến nay, diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nữ bị mất việc làm có 20.043 người, LĐNT diện hộ nghèo 5.465 người, LĐNT khác 65.629 người.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, công tác giải quyết việc làm cho LĐNT sau học nghề luôn được chú trọng và thực hiện trước khi tổ chức lớp đào tạo nghề.

Đã có 90.275 LĐNT học hoàn thành chương trình học (chiếm 99,05% so với tổng số LĐNT học nghề), trong đó có 77.136 LĐNT có việc làm phù hợp với nghề được học (đạt 85,45% so với tổng số LĐNT hoàn thành chương trình học).

Các hình thức việc làm gồm: đơn vị/doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chiếm cao nhất với 51,9%; tự tạo việc làm; được doanh nghiệp/đơn vị tuyển dụng; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp...

Cũng qua đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT, số hộ gia đình được hỗ trợ việc làm và vươn lên thoát nghèo có 953 hộ; số hộ có thu nhập ổn định vươn lên thu nhập khá là 3.460 hộ.

BCĐ Đề án 1956 tỉnh đưa chỉ tiêu đến năm 2020, tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo đề án giai đoạn 2019- 2020 là 13.670 người. Trong đó năm 2019 đào tạo nghề cho 6.670 LĐNT; chỉ tiêu này năm 2020 là 7.000 LĐNT.

Hướng sẽ ưu tiên đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT để phục vụ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT để làm dịch vụ nông nghiệp, cung ứng lao động cho thị trường và hợp tác lao động.

Hàng chục ngàn lao động nữ các năm qua đã được đào tạo nghề nông thôn và có việc làm phù hợp.
Hàng chục ngàn lao động nữ các năm qua đã được đào tạo nghề nông thôn và có việc làm phù hợp.

Cụ thể trong năm nay sẽ tập trung tổ chức đào tạo nghề cho 1.800 LĐNT theo mô hình điển hình, gắn với xuất khẩu lao động và thực hiện công trình phúc lợi xã hội, các ngành nghề gồm: cơ khí hàn, cơ khí cắt gọt kim loại, xây dựng dân dụng, điện dân dụng- điện công nghiệp, điều dưỡng; bên cạnh sẽ là đào tạo nghề du lịch cộng đồng và các ngành nghề trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch cho LĐNT gắn với quy hoạch phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh; đồng thời tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề điển hình...

Năm 2020, sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 7.000 LĐNT, trong đó tập trung vào nghề nông nghiệp cho LĐNT hướng chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật canh tác mới, sử dụng cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, cải tạo mô hình kinh tế hộ gia đình nông thôn...; đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lực lượng công nhân nghề gốm bị thiếu việc làm do các lò gốm trên địa bàn tỉnh bị giải thể theo đề án tổ chức lại ngành sản xuất gạch, gốm của tỉnh; đào tạo nghề phi nông nghiệp để cung ứng lao động cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã; đào tạo nghề phục vụ hợp tác lao động.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh