Hướng ra lâu dài cho thanh long

02:06, 24/06/2019

6 năm hợp tác giữa Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR) với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP) là chọn ra 3 giống thanh long triển vọng, cùng quy trình canh tác và cải thiện công nghệ sau thu hoạch.

6 năm hợp tác giữa Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR) với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP) là chọn ra 3 giống thanh long triển vọng, cùng quy trình canh tác và cải thiện công nghệ sau thu hoạch.

 

Trồng thanh long tại Long An
Trồng thanh long tại Long An

Điều kiện tiên quyết: Giống

Tại hội thảo “Mô hình thương mại hóa các giống trái cây cao cấp - Lộ trình cho trái thanh long chất lượng cao của Việt Nam” do Đại sứ quán New Zealand cùng Bộ NN - PTNT phối hợp tổ chức, tiến sĩ Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng SOFRI, cho biết, 3 giống có thể sản xuất thương mại cuối 2020 là: Thanh long ruột đỏ tím, thanh long ruột trắng viền và thanh long ruột hồng.

Các giống thanh long nói trên có vị ngọt đậm hơn, chắc thịt so với các giống cũ. Đáng chú ý, giống ruột hồng với hương thơm nhẹ mà chưa giống nào trước đây có được. Ưu điểm của các giống này không chỉ cho chất lượng và năng suất cao, bảo quản lâu hơn mà còn có khả năng kháng đốm nâu, bệnh gây hại chính trái thanh long.

Tính kháng bệnh này giúp trái thanh long dễ dàng hơn khi xuất khẩu nhờ không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các giống mới này sẽ được đăng ký bản quyền trong nước và quốc tế. Dự kiến cuối năm 2020 dự án đi vào sản xuất các giống mới để thương mại hóa.

Bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, khẳng định, đẩy mạnh đầu tư vào giống mới có thể giúp ngành cây ăn trái phát triển thành công trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh cao độ.

Nhưng để thành công, các tài sản trí tuệ liên quan đến sự đầu tư đó cần phải được bảo vệ và khai thác hiệu quả. Khi bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng. Các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm phải đạt đến sự hoàn hảo, trong đó bản quyền giống là điều kiện tiên quyết cho thành công lâu dài trong kinh doanh trái cây.

Thanh long là loại trái mà Việt Nam chiếm nhiều ưu thế. Kim ngạch xuất khẩu thanh long chiếm hơn 36% với 1,2 tỷ USD trong số 3,2 tỷ USD xuất khẩu các loại trái cây năm 2018. Diện tích thanh long tăng nhanh từ hơn 10.000ha năm 2010 lên 54.000ha năm 2018, sản lượng trên 1 triệu tấn.

Cây thanh long tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, đang được trồng sang các tỉnh khác. Nhìn thấy tiềm năng và lợi thế nên trước đây, khi còn là Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam (nay là Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Vinafruit), tiến sĩ Võ Mai đề nghị lấy thanh long là trái cây biểu tượng của Việt Nam như khi nói đến trái kiwi người ta nghĩ đến New Zealand.

Sản xuất và thương mại hóa có kiểm soát

Theo TS Michael Lay - Yee (PFR), dự án bao gồm phát triển mô hình trồng thanh long cải tiến và quy trình kiểm soát bệnh đốm nâu được tiến hành tại Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bình Thuận với phương pháp trồng theo kiểu giàn chữ T (thay vì trồng trụ bê tông như truyền thống).

Nhờ đó chủ động cắt bỏ cành già, bộ tán thông thoáng dễ quang hợp. Cách trồng này trái ra 2 bên giàn chữ T, tiện chăm sóc, tỉa cành và trái, quản lý bệnh hại; kích cỡ trái đồng đều, năng suất gấp 2 - 3 lần so với kiểu trồng trụ, tỷ lệ trái loại 1 cao, lại dễ cơ giới hóa.

Để nâng cao năng lực sau thu hoạch, việc giám sát nhiệt độ kho lạnh, nhiệt độ xuất kho, cải thiện sự lưu thông không khí trong kho lạnh trong quá trình đóng gói, bảo quản sau thu hoạch. Nhà khoa học 2 nước chế tạo máy rửa thanh long áp lực cao tự động, tăng hiệu quả việc xử lý diệt nấm, làm sạch mà không tổn thương trái.

Từ kinh nghiệm, các chuyên gia New Zealand khuyến cáo, phải đảm bảo các giống mới được trồng một cách có kiểm soát. Như vậy, ngoài việc bảo hộ giống mới và khai thác hiệu quả, cần tránh trồng tràn lan, làm giảm giá trị kinh tế và sức cạnh tranh còn phải được thương mại hóa một cách bài bản.

Thực tế của trái kiwi Zespri, táo Envy hay Jazz của New Zealand cho thấy, sự thành công của việc sản xuất có kiểm soát được hỗ trợ bởi chương trình marketing với sự điều phối nhịp nhàng các bên. Bà Wendy Matthews nhấn mạnh, không có con đường nào ngắn mà dẫn đến sự thành công lâu dài. Điều này cần sự hỗ trợ toàn diện từ phía Chính phủ và sự tuân thủ các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị.

Theo ÔNG PHIÊN/SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh