5 tháng đầu năm 2019, tốc độ xuất khẩu nông- lâm- thủy sản cả nước đang có dấu hiệu chựng lại, các mặt hàng chính như gạo, tiêu, hạt điều, trái cây, thủy sản… đều bị sụt giảm so cùng kỳ.
5 tháng đầu năm 2019, tốc độ xuất khẩu nông- lâm- thủy sản cả nước đang có dấu hiệu chựng lại, các mặt hàng chính như gạo, tiêu, hạt điều, trái cây, thủy sản… đều bị sụt giảm so cùng kỳ.
Ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia đã nhận định 2019 là năm gian nan đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản. Bởi, với việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, đầu ra cho nông sản Việt sẽ rất khó khăn do ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp- PTNT, 5 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông- lâm- thủy sản ước đạt 16,1 tỷ USD; trong đó, nhóm hàng nông sản chính ước đạt khoảng 7,7 tỷ USD, giảm 9,5% so cùng kỳ. Không chỉ chựng lại ở nhóm các mặt hàng chính, một số loại nông sản đặc sản của Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng khó tìm đầu ra.
Tại diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đưa nhận định thách thức sẽ còn tiếp tục trong những năm tới đây, bao gồm thách thức về tổ chức lại nền sản xuất nhỏ lẻ thành nền nông nghiệp tập trung, hướng đến hàng hóa có quản trị.
Mặt khác, các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.
Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... cũng sẽ gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính phủ đã giao chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%, kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực gồm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.
Trong xuất khẩu, theo một số chuyên gia, cần phát huy vai trò dẫn dắt các bộ ngành thông qua nghiên cứu, khảo sát nắm tình hình và xu hướng thay đổi của thị trường để xây dựng chính sách hướng dẫn kịp thời cho các doanh nghiệp.
Đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và kỹ thuật, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam ra thị trường và thế giới.
HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin