Cần giải pháp quyết liệt duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế

06:06, 28/06/2019

6 tháng đầu năm, nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ đạt thấp. Những khó khăn, thách thức dẫn đến sự suy giảm, phát triển không đồng bộ, không bền vững của một số ngành, lĩnh vực… đòi hỏi cần có những giải pháp điều hành sâu sát, quyết liệt.

6 tháng đầu năm, nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ đạt thấp. Những khó khăn, thách thức dẫn đến sự suy giảm, phát triển không đồng bộ, không bền vững của một số ngành, lĩnh vực… đòi hỏi cần có những giải pháp điều hành sâu sát, quyết liệt.

6 tháng đầu năm kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, xã hội ổn định và phát triển.
6 tháng đầu năm kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, xã hội ổn định và phát triển.

Tăng trưởng kinh tế đạt thấp

6 tháng đầu năm 2019, lãnh đạo tỉnh, các sở ngành và các địa phương đã năng động, quyết liệt trong giải quyết những vấn đề cấp bách, đã góp phần thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng, xã hội ổn định và phát triển.

Đáng chú ý, trong công tác điều hành, quản lý ngân sách địa phương đạt kết quả khả quan, thu cơ bản đạt yêu cầu tiến độ kế hoạch. Hoạt động tín dụng ngân hàng ổn định, đảm bảo thực hiện đầy đủ kịp thời.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 6.440 tỷ đồng, tăng 10,92% so cùng kỳ năm trước. Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt trên 16.984 tỷ đồng, tăng 5,79% so cùng kỳ.

Theo UBND tỉnh, sản xuất công nghiệp đang trên đà tăng trưởng tốt. Ước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 13,15% và đạt tốc độ tăng cao hơn so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp đang có những bước tiến vững chắc, dư địa tăng trưởng còn nhiều, đem lại tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế.

Cùng với đó, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, tổng kim ngạch ước đạt 256,5 triệu USD, tăng 18% so cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều có mức xuất khẩu tăng mạnh. Hoạt động xúc tiến du lịch tiếp tục được triển khai tích cực theo chiều sâu.

Công tác xây dựng cơ bản được đổi mới và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện…

Tỉnh đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn cùng kỳ, sản xuất nông nghiệp không đạt kịch bản tăng trưởng đề ra, hoạt động một số hợp tác xã phát triển chưa tốt, tốc độ phát triển doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư có dấu hiệu chậm lại…

Bên cạnh, sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết, năng suất lúa sụt giảm, nhất là tình hình dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp…

Tăng trưởng một số ngành dịch vụ có tỷ trọng khá cao trong cơ cấu nền kinh tế như vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, kinh doanh bất động sản,… đạt thấp, đã kéo giảm tăng trưởng khu vực dịch vụ.

Phát triển doanh nghiệp mới tăng chậm, nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể và ngưng hoạt động tăng cao. Số lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư và số lượng dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ít hơn so cùng kỳ…

Cần giải pháp kịp thời

Theo đánh giá dự báo của UBND tỉnh, kinh tế Vĩnh Long tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ thấp, khó đạt mục tiêu đề ra nếu không có những giải pháp điều hành sâu sát, quyết liệt. Những tồn tại, hạn chế và sự suy giảm, phát triển không đồng bộ, bền vững của một số ngành, lĩnh vực, như ngành dịch vụ đã và đang tác động ngày càng rõ nét vào tăng trưởng của kinh tế tỉnh nhà.

Hơn nữa, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thời tiết, biến động thương mại toàn cầu dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh trong các tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh: “Cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế trong từng ngành, lĩnh vực. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi…

Cần chủ động theo dõi sát tình hình, hành động quyết liệt khắc phục những tồn tại, tranh thủ tốt các cơ hội và ứng phó kịp thời các biến động kinh tế cũng như các diễn biến bất lợi xảy ra”.

Nông nghiệp cần có giải pháp thiết thực hơn để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành.
Nông nghiệp cần có giải pháp thiết thực hơn để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành.

Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh đã đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,6%, trong đó giá trị tăng thêm khu vực nông- lâm- thủy sản tăng 2,94%, khu vực công nghiệp- xây dựng tăng 10,89% và khu vực dịch vụ tăng 7,8%.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác. Khuyến khích mở rộng, tăng diện tích, năng suất của các loại cây màu, cây lâu năm, thủy sản để bù đắp sự sụt giảm của cây lúa. Sớm triển khai các chính sách hỗ trợ người dân tái chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Trong sản xuất công nghiệp, tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu ngành công thương, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, phát huy tiềm năng của địa phương để thu hút, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, thực phẩm, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

6 tháng cuối năm, tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính tỉnh (PAR INDEX). Nâng cao trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức, nhất là người đứng đầu. Hoàn chỉnh và ban hành bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh và cấp huyện.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh