Đánh giá của BCĐ phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh cho thấy, những năm qua dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng phát triển KTTT ở tỉnh có nhiều tiến bộ, phần lớn các hợp tác xã (HTX) tích cực vượt khó, phát huy nội lực sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế- xã hội địa phương.
Đánh giá của BCĐ phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh cho thấy, những năm qua dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng phát triển KTTT ở tỉnh có nhiều tiến bộ, phần lớn các hợp tác xã (HTX) tích cực vượt khó, phát huy nội lực sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế- xã hội địa phương.
Hiện nhiều HTX đầu tư khoa học, công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm có chất lượng. |
KTTT góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm
Theo đánh giá của BCĐ phát triển KTTT, trong 15 năm qua (2002- 2018), cùng với quá trình đổi mới kinh tế, chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khu vực KTTT của tỉnh đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kiểu cũ kém hiệu quả sang mô hình HTX kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Khu vực KTTT, mà nòng cốt là HTX đã và đang giữ vai trò quan trọng ảnh hưởng sâu rộng đối với lĩnh vực kinh tế- xã hội và là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của tỉnh.
Mô hình HTX từng bước liên kết những người sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ để hợp sức, góp vốn tạo điều kiện thuận lợi tương trợ nhau để cùng phát triển nhằm chia sẻ nguồn lực, lợi nhuận, kinh nghiệm tạo nên mối liên hệ hài hòa giữa các thành viên.
Đồng thời, mở rộng hợp tác với các thành phần kinh tế, nhiều HTX tìm được thị trường mới, tiếp thu khoa học, đầu tư công nghệ tiên tiến tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 158 HTX tăng trên 192% so với năm 2003, với tổng số 7.850 thành viên và 7.470 lao động. Hiện nay, 100% HTX đã chuyển đổi đăng ký lại về tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012.
Riêng năm 2018, số HTX hoạt động có hiệu quả đạt 91,96%, với 50% HTX khá giỏi. Tổng doanh thu các HTX trên 662 tỷ đồng, lợi nhuận trên 71,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên trên 5,4 triệu đồng/tháng, của lao động trên 4,7 triệu đồng/tháng. So với năm 2003, doanh thu tăng 410,20%, lợi nhuận tăng trên 460%, thu nhập bình quân tăng 253%.
Với vai trò quan trọng của KTTT, theo BCĐ phát triển KTTT, các ngành chức năng đã tích cực hỗ trợ KTTT phát triển bằng nhiều hình thức: các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ quản lý điều hành; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển KTTT; hỗ trợ trang thiết bị thành lập
mới HTX…
Đáng chú ý, từ khi thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT đến nay, tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương kịp thời, tổ chức triển khai quán triệt từ trong nội bộ đến nhân dân làm chuyển biến nhận thức về KTTT một cách sâu sắc.
Từ đó, phong trào KTTT đã có bước chuyển biến rõ nét, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã tham gia liên kết, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hóa cho thành viên, tạo lòng tin cho thành viên trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển theo nhu cầu, không gò ép
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW với nhiều thành tựu nổi bật, tuy nhiên, theo BCĐ, KTTT vẫn còn một số yếu kém, tồn tại cần tháo gỡ, rút kinh nghiệm cho giai đoạn 2021- 2025 và đến 2030.
Vĩnh Long có vùng nguyên liệu lớn phù hợp phát triển loại hình HTX thủ công mỹ nghệ nhằm liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn. |
Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ phát triển KTTT- đề nghị các cấp, các ngành cần xác định vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và các quy định, chính sách về phát triển KTTT, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh ở địa phương. Quan trọng là cần hiểu rõ về mô hình HTX kiểu mới, các HTX phải nỗ lực vươn lên, có định hướng hoạt động cụ thể và phù hợp, không trông chờ, ỷ lại.
“Trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, không gò ép, không chạy theo thành tích, chỉ hỗ trợ thành lập HTX khi có đầy đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”- ông Trần Hoàng Tựu nhấn mạnh.
Việc phát triển mới HTX, tổ hợp tác phải đi đôi với củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là các HTX ở lĩnh vực nông nghiệp, các HTX, tổ hợp tác ở các xã nông thôn mới… Cần gắn với mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng cánh đồng lớn, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc hỗ trợ nâng cao kỹ năng điều hành, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi… cho KTTT phát triển. Ông Trần Hoàng Tựu cũng đặc biệt lưu ý: “Không thành lập HTX khi chưa phù hợp với điều kiện thực tế và chưa xuất phát từ nhu cầu tự nguyện hợp tác, tránh tình trạng thành lập HTX rồi loay hoay hỗ trợ. Kiên quyết giải thể những HTX, tổ hợp tác hoạt động hình thức”.
Ông Trần Hoàng Tựu: Ưu tiên phát triển HTX kiểu mới Cần ưu tiên xây dựng và phát triển mô hình HTX kiểu mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (lúa gạo, trái cây, thủy sản), thương mại và dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất, HTX quản lý khai thác chợ… Xây dựng mô hình liên kết doanh nghiệp với HTX và nông dân để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, tập trung vào các sản phẩm nông sản, thủy sản. Đặc biệt quan tâm loại hình HTX thủ công mỹ nghệ, vì hiện nay loại hình này mang lại hiệu quả thiết thực: giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên rất ổn định. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin