Đại biểu Quốc hội lo ngại về dịch tả lợn châu Phi

05:05, 30/05/2019

Mặc dù Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lan rộng và ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, kinh doanh của người chăn nuôi và doanh nghiệp.

 

Mặc dù Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lan rộng và ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, kinh doanh của người chăn nuôi và doanh nghiệp.

Bên lề hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV ngày 30/5 khi thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi, cần có giải pháp quyết liệt trong khâu dập dịch và hỗ trợ người chăn nuôi.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Phạm Văn Tuân trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức. Ảnh: Chí Bình
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Phạm Văn Tuân trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức. Ảnh: Chí Bình

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Phạm Văn Tuân cho biết: Từ tháng 2 năm 2019, tình trạng dịch tả lợn châu Phi từ chỗ chỉ xảy ra ở một số tỉnh trên cả nước, đến nay đã lan ra gần 50 tỉnh, thành nhưng việc hỗ trợ kinh phí dập dịch, hỗ trợ cho người chăn nuôi chưa kịp thời…

Đại biểu Phạm Văn Tuân đề nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn để hỗ trợ kịp thời cho nhân dân trong việc tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi. “Tính riêng tỉnh Thái Bình đã tiêu hủy trên 16.000 tấn, số tiền theo cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho người dân khoảng 600 tỷ đồng. Nhưng thiệt hại thực tế của hộ chăn nuôi tính ra còn lớn hơn nhiều, đồng thời cần có giải pháp kịp thời để hỗ trợ người dân trong việc phát triển đàn vật nuôi thay thế trước tình hình tái đàn đối với lợn là rất khó khăn”, đại biểu Phạm Văn Tuân nói.     

Đồng quan điểm này, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Dương Xuân Hòa cho biết: Tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, tỷ lệ nghèo. Riêng dịch tả lợn châu Phi đã gây khó khăn lớn nhất cho ngành chăn nuôi, làm giảm sản lượng thịt lợn, giảm đàn ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng ngành, thu nhập và đời sống của người nuôi.  

“Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, bảo đảm hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn dập dịch tả lợn châu Phi, theo dõi sát diễn biến thời tiết, thị trường để kịp thời điều chỉnh quy mô cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững”, đại biểu Dương Xuân Hòa kiến nghị.

Chỉ ra nguyên nhân của dịch tả lợn châu Phi lan rộng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Trần Tất Thế cho biết: Dịch bệnh lan nhanh là do chưa có vắc-xin, chưa có thuốc chữa, việc phát hiện và báo cáo công bố dịch chậm được xử lý.

“Vấn đề phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, đặc biệt là phòng, chống dịch tả lợn châu Phi diễn ra hiện nay rất phức tạp. Mặc dù ngành nông nghiệp rất cố gắng xong dịch bệnh vẫn tiếp diễn một cách rất phức tạp. Tính đến ngày 12/5/2019 có 29 tỉnh 204 huyện và 2.296 xã có dịch, tổng số lợn phải tiêu hủy trên 92 triệu con, chiếm 4% tổng đàn lợn trong cả nước”, đại biểu Trần Tất Thế dẫn chứng.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần tập trung hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ biện pháp ngăn chặn, dập dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó xây dựng một kịch bản để ngoài việc chống dịch, nhất là việc khắc phục hậu quả, tái đàn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cần có chính sách cụ thể, chính sách mới đồng bộ trong việc hỗ trợ dập dịch cho các địa phương cả về chỉ đạo và nguồn lực cũng như hỗ trợ tái đàn, giúp dân chăn nuôi ổn định và phát triển”, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Sơn kiến nghị. 

Theo Báo cáo 747 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến ngày 12/5/2019 bệnh dịch nguy ghiểm này đang xảy ra ở 2.296 xã của 204 huyện tại 24 huyện, tỉnh thành phố. Các địa phương đã phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước.

Theo Viết Tôn/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh