Dù đã chính thức công bố thương hiệu gạo Việt Nam, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thờ ơ trong chiến lược kinh doanh của mình.
Dù đã chính thức công bố thương hiệu gạo Việt Nam, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thờ ơ trong chiến lược kinh doanh của mình.
Sản xuất, xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam. Những năm gần đây, ngành gạo đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả tích cực. Hàng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Hiện nay, dù đã chính thức được công bố thương hiệu gạo Việt, nhưng việc sử dụng logo gặp khó khăn, chưa được triển khai.
Một doanh nghiệp thừa nhận “chưa triển khai được vì chưa có hướng dẫn”. Và cũng không ít doanh nghiệp “không để ý lắm” vì cho rằng không ảnh hưởng gì đến kinh doanh. Gắn thêm logo chưa chú ý vì tác động từ thương hiệu này mang lại không biết như thế nào! Vì vậy, hoạt động kinh doanh gạo Việt Nam trên thị trường thế giới hiện nay của phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa có sự thay đổi so trước đây, dù đã có thương hiệu gạo quốc gia.
Được biết, ngành nông nghiệp đã và sẽ chi số tiền không nhỏ để thực hiện việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.
Cụ thể, theo dự thảo đề cương thực hiện việc quản lý và phát triển thương hiệu đưa ra mức kinh phí để thực hiện lên đến khoảng 130 tỷ đồng, bao gồm 5 hợp phần: Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia; phát triển thương hiệu quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của ĐBSCL; bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế; quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng; xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.
Mục đích nhằm xây dựng, quản lý và khai thác thương hiệu gạo Việt Nam, góp phần nâng cao vị trí, giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm gạo của người dân, doanh nghiệp, tổ chức và tập thể.
Thế nhưng, đứng ở góc độ doanh nghiệp- những người thụ hưởng và sử dụng thương hiệu này trong giao dịch vẫn tỏ ra không mặn mà.
Theo các chuyên gia, yếu tố quyết định và duy trì sự phát triển của một thương hiệu là chất lượng của sản phẩm, vì vậy việc nâng cấp chất lượng sản phẩm gạo Việt Nam là công việc cần sớm thực hiện.
HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin