Xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông lạc hậu, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), đặc biệt từ khi thực hiện chủ trương đổi mới, tỉnh Vĩnh Long đã ra sức khắc phục khó khăn, cùng nhau kề vai sát cánh phát huy mọi nguồn lực kiến tạo và xây dựng quê hương.
Xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông lạc hậu, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), đặc biệt từ khi thực hiện chủ trương đổi mới, tỉnh Vĩnh Long đã ra sức khắc phục khó khăn, cùng nhau kề vai sát cánh phát huy mọi nguồn lực kiến tạo và xây dựng quê hương.
Trên đường phát triển kinh tế và hội nhập, Vĩnh Long đã và đang nỗ lực trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, hướng tới mục tiêu quan trọng là phấn đấu đến năm 2020, kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt trình độ phát triển khá của vùng ĐBSCL.
Lãnh đạo tỉnh chú trọng quảng bá môi trường đầu tư, giới thiệu Vĩnh Long đến các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
Chọn Vĩnh Long làm điểm đến đầu tư
Tháng 12/2018, Công ty TNHH Công nghiệp Towa Việt Nam 100% vốn đầu tư của Nhật Bản đã khởi công Nhà máy Towa Southern Star tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú (giai đoạn 2).
Dự án có tổng mức đầu tư 342 tỷ đồng (15 triệu USD), dự kiến tạo ra khoảng 955 tấn sản phẩm máy công cụ, các linh kiện máy may và các linh kiện máy móc chính xác cỡ nhỏ.
Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần tích cực nâng cao sản lượng sản phẩm tạo ra từ các doanh nghiệp trong KCN, thúc đẩy tăng trưởng CN theo chiều sâu.
Ông Yutaka Watanabe- Chủ tịch Công ty TNHH Công nghiệp Towa Việt Nam- cho biết tập đoàn đã xem xét, khảo sát trên 20 KCN cả nước và quyết định đầu tư tại KCN Hòa Phú của tỉnh Vĩnh Long. Bởi hiện nay, không chỉ có TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn muốn đầu tư vào những vùng khác của Việt Nam.
Ông Yutaka Watanabe đặt kỳ vọng dự án ở Vĩnh Long sẽ tỏa sáng giống như tên gọi Southern Star (tạm dịch: Ngôi sao phương Nam). Đầu tư vào KCN Hòa Phú là hoạt động đầu tư và vận hành nhà máy nằm ngoài TP Hồ Chí Minh đầu tiên của công ty.
Vĩnh Long năng động, cởi mở và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp- đây cũng là cảm nhận của nhiều nhà đầu tư khi quyết định chọn Vĩnh Long làm “bến đỗ”.
Ông Lai Trí Mộc- Tổng Giám đốc Công ty CP Vietnam Housewares- cho rằng: “Định hướng đầu tư ở Vĩnh Long là hướng tương đối mới của công ty.
Khi tìm hiểu nhiều KCN khác nhau, chúng tôi đã ghé KCN Hòa Phú, làm việc với các đơn vị chức năng và được hỗ trợ, chia sẻ nhiệt tình.
Chỉ trong vài tháng, chúng tôi đã quyết định và tự tin đầu tư vào KCN Hòa Phú. Vĩnh Long là tỉnh có thế mạnh hàng thủ công mỹ nghệ và gốm của miền Tây, chúng tôi mong muốn khai thác thế mạnh địa phương, liên kết với làng nghề gốm truyền thống của tỉnh để hỗ trợ, đóng góp phát triển ngành nghề này”.
Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm gốm và các vật liệu từ tự nhiên khác như cói, mây, gỗ, lục bình, lá buông của Vietnam Housewares là dự án thứ 11 đầu tư vào KCN Hòa Phú (giai đoạn 2), với tổng vốn 233,35 tỷ đồng tương đương 10 triệu USD.
Dự án hiện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, con dấu doanh nghiệp, tạo điều kiện triển khai các bước tiếp theo và sớm đưa vào hoạt động.
Theo Ban quản lý Các KCN, nhiều nhà đầu tư đã chọn Vĩnh Long làm điểm đến đánh dấu thêm bước thành công của tỉnh Vĩnh Long trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư.
Đến nay, các khu- tuyến CN Cổ Chiên (khu IV) đã thu hút được 61 dự án đầu tư, trong đó có 32 dự án FDI, với tổng vốn đạt 3.820,82 tỷ đồng và 521,36 triệu USD, diện tích đất thuê 253,89ha. Các khu- tuyến CN đã giải quyết việc làm cho 33.757 lao động, suất đầu tư trung bình 62,64 tỷ đồng/ha.
Cùng với đóng góp quan trọng của các khu- tuyến CN, theo Sở Công thương, sản xuất CN tiếp tục có mức tăng trưởng khá với giá trị sản xuất tăng bình quân 13,7%/năm. CN chế biến, chế tạo vẫn là ngành chủ lực với tỷ trọng trên 98% giá trị sản xuất toàn ngành.
Thu hút đầu tư cho phát triển
Trên đường phát triển và hội nhập, mở cửa mời gọi, thu hút mọi nguồn lực đầu tư được xem là một trong những chủ trương lớn của tỉnh nhằm huy động ngoại lực để thúc đẩy nội lực và khai thác tiềm năng sẵn có.
Theo Ban quản lý Các KCN, trong năm 2018, công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đã góp phần giới thiệu hình ảnh, môi trường đầu tư năng động, cạnh tranh của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho rằng, trong những năm qua Vĩnh Long đã không ngừng nỗ lực trong việc thu hút các nguồn lực phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế- xã hội.
Tỉnh đã xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư từng thời kỳ, từng giai đoạn; phối hợp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư ngoài nước.
Đáng chú ý, kể từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018, đã có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan...
Trong khi đó, để huy động và sử dụng các nguồn vốn hiệu quả, theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt. Sau gần 3 năm (2016- 2018) triển khai thực hiện, tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định.
Đáng chú ý, huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 36.942 tỷ đồng, tăng bình quân 6,18%/năm. Triển khai đầu tư 378 dự án/công trình hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 8.700 tỷ đồng.
Nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, tạo thêm diện mạo mới và đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, y tế, văn hóa- thể thao- du lịch, giáo dục, công nghệ thông tin, đô thị, khu- cụm CN, xây dựng nông thôn mới… đều có bước phát triển. Đặc biệt về giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới đều có khả năng đạt hoặc vượt cao so với mục tiêu đề ra.
“Có thể thấy rõ, đầu tư phát triển vừa là nhiệm vụ chiến lược, vừa là giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu giữ vai trò quan trọng và có tác động mạnh mẽ đến việc huy động các nguồn lực khác cho đầu tư phát triển”- ông Trương Đặng Vĩnh Phúc đúc kết.
Thu hút các nguồn lực, phát triển doanh nghiệp đã góp phần lớn trong việc nâng cao giá trị sản xuất ngành CN, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động và gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Chính vì thế, bên cạnh tăng cường đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh còn tận dụng các cơ hội để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển.
Trải qua từng giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với sự chung sức, chung lòng tỉnh Vĩnh Long đã đưa kinh tế- xã hội và đời sống của người dân vững vàng đi lên.
Đặc biệt những năm gần đây, trong quá trình phát triển và hội nhập, nền kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh phát triển CN- tiểu thủ CN và các ngành dịch vụ trên nền tảng phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng: Để chủ động hội nhập, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện, nhất là mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt trình độ phát triển khá của vùng ĐBSCL, Vĩnh Long đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng các thế mạnh phải được tận dụng triệt để, chủ động biến lợi thế, tiềm năng thành hiện thực. Đột phá trong chính sách huy động đối với từng loại nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ từ đô thị đến nông thôn và kết nối với các trục phát triển của vùng ĐBSCL. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và tăng cường tiềm lực khoa học- công nghệ để nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế, tiếp cận nhanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin