Việc Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thuế sơ bộ 0% với tôm Việt Nam là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Việc Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thuế sơ bộ 0% với tôm Việt Nam là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN) |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.
Về vấn đề này, ngày 11/4, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ.
Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ kết luận sơ bộ rằng các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018. Vì vậy, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty là 0%.
Ngoài 2 doanh nghiệp bị đơn nêu trên, 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên cũng được hưởng mức thuế 0%.
Ông Trương Đình Hòe cho biết: "Lâu nay, doanh nghiệp Việt vẫn đang chờ được chứng minh rằng không bán phá giá tại thị trường Mỹ. Nay DOC công bố như vậy tức là thời gian đó, doanh nghiệp Việt không bán phá giá."
Mức thuế 0% được áp dụng sẽ tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả sơ bộ và vẫn phải chờ đến tháng 7 hoặc tháng 8/2019 mới có kết quả chính thức về việc này.
"Hiện DOC vẫn đang xem xét trước khi đưa ra kết quả cuối cùng. Thực tế, năm nào cũng vậy, vào thời điểm này, họ sẽ công bố sơ bộ kết quả việc xem xét các doanh nghiệp có bán phá giá hay không," ông Hòe nói.
Theo ông Hòe, thực tế, ngay tại trong thị trường Mỹ, bản thân các nước cũng cạnh tranh với nhau về mức thuế. Hiện nay, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Brazil là 5 quốc gia đang bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ.
Trên cơ sở đó, nước nào có mức thuế thấp thì sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Nhưng vấn đề này cũng chỉ được trong một thời gian nhất định, chứ không phải mãi mãi.
"Hiện nay, tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ được đánh giá cao. Nếu có cùng mức giá thấp thì họ sẽ chọn tôm của Việt Nam, bởi sản phẩm chất lượng hơn, chế biến tốt hơn..." - ông Hoè thông tin.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, đây là mức thuế chống bán phá giá tốt nhất trong lịch sử 13 năm Việt Nam theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá tôm của Mỹ.
Để được áp mức thuế chống bán phá giá nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp số liệu thỏa đáng tới DOC. Mức thuế sơ bộ này kỳ vọng được giữ nguyên trong phán quyết cuối cùng của DOC vào tháng 8/2019 tới, giúp xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ khả quan trong thời gian tới./.
Theo Thành Trung/TTXVN/Vietnam+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin