Nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định áp dụng các hệ thống quản lý công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng và có chứng nhận chất lượng sản phẩm (SP) hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn là giải pháp giúp DN tạo ra SP hàng hóa có chất lượng cao, giá thành phù hợp, đầu ra ổn định. Tuy nhiên, hiện nay số DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng SP hàng hóa còn chưa nhiều.
Nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định áp dụng các hệ thống quản lý công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng và có chứng nhận chất lượng sản phẩm (SP) hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn là giải pháp giúp DN tạo ra SP hàng hóa có chất lượng cao, giá thành phù hợp, đầu ra ổn định. Tuy nhiên, hiện nay số DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng SP hàng hóa còn chưa nhiều.
Doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng. |
Lợi cho DN, ích cho người tiêu dùng
Trong thời kỳ hội nhập, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh, muốn có chỗ đứng vững và tồn tại lâu dài trên thị trường, đòi hỏi mỗi DN phải không ngừng nâng cao chất lượng SP hàng hóa, dịch vụ.
Nhận thức được điều này, không ít DN đã mạnh dạn xây dựng áp dụng các hệ thống quản lý công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng, chứng nhận chất lượng SP, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn.
Nhiều DN cho rằng nhờ quản lý tốt các quá trình, DN tạo ra được các SP hàng hóa có chất lượng cao, giá thành phù hợp. SP được các siêu thị chấp nhận đưa vào phân phối trong hệ thống, tạo được lòng tin với người tiêu dùng, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, giúp DN phát triển bền vững.
Vừa được chứng nhận DN đạt tiêu chuẩn HACCP, bà Bùi Minh Phượng- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Sản xuất thương mại Nông lương Việt Nam (TX Bình Minh)- vui mừng cho hay:
Là đơn vị sản xuất trà khổ qua rừng- thức uống hàng ngày còn có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh nên ngay từ khi thành lập DN, chúng tôi đã xác định phải chọn lựa và quyết tâm theo đuổi một quy trình sản xuất sạch để đảm bảo giữ vững vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, nhờ sự tư vấn hỗ trợ của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học- Công nghệ), DN đã chọn áp dụng hệ thống HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) vào hoạt động sản xuất.
Đây là hệ thống yêu cầu toàn bộ quá trình sản xuất phải được kiểm soát một cách chặt chẽ, từ xây dựng nhà xưởng, điều kiện vệ sinh nhà xưởng, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất SP, quy trình sản xuất đến hoạt động phân phối SP.
“Sau 1 năm triển khai, đến nay công ty đã đạt được chứng nhận HACCP, nhờ đó chúng tôi thêm tự tin khi giới thiệu SP đến người tiêu dùng, tự tin khẳng định SP được sản xuất với phương pháp an toàn, nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát từ khâu trồng trọt, tuyển chọn nguyên liệu đầu vào, đến giai đoạn phân phối SP”- bà Bùi Minh Phượng phấn khởi nói.
Tương tự, đại diện Cơ sở sản xuất gạch Tâm Nha (Tam Bình) cũng cho hay: Cơ sở đã đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001- 2015 và chứng nhận chất lượng SP gạch lát vỉa hè đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Trước khi chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, SP làm ra mẫu mã chưa đẹp, mau bay màu, khó bán. Sau khi đầu tư sản xuất theo quy chuẩn, chất lượng gạch được nâng lên, đầu ra ổn định hơn.
Muốn tồn tại: Khó vẫn phải làm
Nhờ áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. |
Tuy nhiên, theo Ban điều hành dự án nâng cao năng suất chất lượng SP, hàng hóa giai đoạn 2016- 2020, đến nay, trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có 36,92% (48/130 DN so với kế hoạch đến năm 2020) DN sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được áp dụng hỗ trợ hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Giới- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ, nguyên nhân là do một số lãnh đạo DN chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng áp dụng các hệ thống quản lý công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, chỉ tham gia dự án khi bị bắt buộc theo văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật.
Đồng thời, một số DN muốn có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng, giấy chứng nhận chất lượng SP hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ giao dịch nhưng không muốn thực hiện xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng.
Bên cạnh đó, một số DN cũng giải thích rằng: Do là DN nhỏ, hoạt động quản lý tài chính còn mang nặng truyền thống gia đình nên việc hạch toán giá thành phẩm chưa được cụ thể, chi tiết. Đây cũng là trở ngại không nhỏ để đo lường năng suất tại DN.
“Để nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hàng hóa, SP, thời gian tới, Sở Khoa học- Công nghệ sẽ tăng cường tuyên truyền vận động DN thực hiện áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng bằng nhiều hình thức thích hợp, tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng áp dụng đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng đánh giá chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn/ quy chuẩn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, tư vấn đánh giá sản xuất sạch hơn”- ông Nguyễn Văn Giới cho hay.
Bên cạnh đó, DN cũng cần nâng cao nhận thức rằng việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng chỉ mang lại lợi cho DN và có ích cho người tiêu dùng.
Bởi, không chỉ giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường mà còn giúp DN đi xa, đi nhanh, đi chắc hơn trên con đường hội nhập, qua đó, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận những SP an toàn, chất lượng.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin