Vẫn còn hơn 29% mẫu hàng hóa không đạt chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp đã bị phát hiện trong năm 2018. Qua đó cho thấy, dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, song tình trạng vi phạm vẫn còn nhiều, diễn biến phức tạp.
Cần có sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp để hạn chế vi phạm. |
Vẫn còn hơn 29% mẫu hàng hóa không đạt chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp đã bị phát hiện trong năm 2018. Qua đó cho thấy, dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, song tình trạng vi phạm vẫn còn nhiều, diễn biến phức tạp.
Có kiểm tra là có sai phạm
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, năm qua, giá vật tư nông nghiệp ổn định, lượng hàng hóa phong phú, đa dạng chủng loại đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, diễn biến tình hình lưu thông hàng hóa vẫn còn phức tạp, bên cạnh những sản phẩm có chất lượng của các nhà sản xuất lớn có uy tín, vẫn còn tồn tại các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm nhãn, an toàn thực phẩm... tham gia thị trường bằng nhiều hình thức như bán hàng qua tổ chức hội thảo, bán hàng trực tiếp cho nông dân, vùng nuôi,...
Những loại hàng hóa này khó kiểm soát về chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng, có thể ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
Ông Trần Minh Sơn- Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Thời gian qua, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận vi phạm các quy định của pháp luật.
Mặt khác, ý thức của người tiêu dùng chưa cao trong việc chọn mua sản phẩm có chất lượng, chọn mua ở những nơi bán hàng uy tín; tâm lý chuộng giá rẻ, không chú ý đến chất lượng đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
Năm qua, các đơn vị thực hiện thanh- kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện 33/113 mẫu hàng hóa không đạt chất lượng, chiếm 29,2%. Bên cạnh đó, còn phát hiện 61 vụ vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, 24 vụ hàng kém chất lượng, 18 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, 9 vụ hàng giả,...
Bà Đặng Sao Lel- Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông- lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho hay: Gần đây, nhiều cơ sở sản xuất có sự chuyển biến nhận thức rõ rệt về vấn đề an toàn thực phẩm, đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị, không còn sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, việc sử dụng phụ gia không đúng đối tượng và lạm dụng chất phụ gia trong quá trình sản xuất dẫn đến vượt ngưỡng giới hạn cho phép thì vẫn còn nhiều, nhất là trong giai đoạn nắng nóng, thực phẩm khó bảo quản.
Trong khi đó, đối với các sản phẩm thủy sản bao gồm thủy sản nuôi, thủy sản tươi và thủy sản khô, thì việc sử dụng kháng sinh cấm trong quá trình sản xuất và bảo quản thủy sản vẫn còn, nhất là trong giai đoạn thời tiết giao mùa dễ phát sinh dịch bệnh và việc sử dụng kháng sinh để bảo quản thủy sản.
Siết chặt quản lý, xử lý tận gốc
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, nguyên nhân dẫn đến vi phạm còn nhiều là do trong công tác kiểm tra, cũng còn nhiều vướng mắc, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản áp dụng vào thực hiện không mang lại hiệu quả cao.
Vì khi hàng hóa lấy mẫu vi phạm về chất lượng công bố thì tiến hành thông báo đến cơ quan thanh, kiểm tra cùng cấp nơi sản xuất hàng hóa. Do đó, hàng hóa không tồn tại ở cơ sở sản xuất. Sở đề nghị cần tăng thêm chế định xử lý liên đới đến cơ sở sản xuất hàng hóa không đảm bảo chất lượng.
Vì hiện nay khi kiểm tra hàng hóa trong quá trình lưu thông không đảm bảo chất lượng thì cơ quan quản lý địa phương chỉ xử lý hành vi của cơ sở buôn bán còn cơ sở trực tiếp sản xuất không phải chịu trách nhiệm xử lý vi phạm do hàng hóa mình sản xuất ra.
Theo bà Đặng Sao Lel, nền nông nghiệp muốn sản xuất bền vững đòi hỏi phải có sự liên kết trong sản xuất từ khâu vật tư nông nghiệp đầu vào, chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, chất lượng nông sản, tiêu thụ nông sản. Do đó, thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, làm đầu mối nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, các chuỗi giá trị nông sản, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ của tỉnh.
Qua đó, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe, khi sử dụng và phân biệt được sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi và sản phẩm không được kiểm soát để chọn mua sản phẩm đúng chất lượng.
Song song đó, ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y- cũng cho hay: Chi cục sẽ tiếp tục thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh, kiểm soát nguồn cung cấp đầu vào như giống sạch bệnh, chất lượng vật tư, kiểm soát dịch bệnh,...
Để xử phạt, mang tính răn đe hiệu quả, ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho hay: Thời gian tới, sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm;
công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng nội dung truy xuất nguồn gốc, phối hợp xử lý tận gốc lô hàng, sản phẩm không đảm bảo chất lượng; xử lý dứt điểm tình trạng cơ sở sản xuất không bảo đảm điều kiện về sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa kém chất lượng trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát các cuộc hội thảo hội nghị tư vấn bán hàng,... nhằm giảm thiệt hại cho bà con nông dân.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin