Coi trọng lợi nhuận hơn sức khỏe người tiêu dùng, bất chấp vi phạm vì hám lợi thế nên các đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển thực phẩm bẩn vẫn tìm đường "tuồn" thực phẩm bẩn ra thị trường.
Coi trọng lợi nhuận hơn sức khỏe người tiêu dùng, bất chấp vi phạm vì hám lợi thế nên các đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển thực phẩm bẩn vẫn tìm đường “tuồn” thực phẩm bẩn ra thị trường. Đáng nói là dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, song số vụ vi phạm vẫn không vơi, mà trái lại vi phạm ngày càng phức tạp, thủ đoạn lại càng tinh vi hơn.
Nhiều vụ vi phạm thực phẩm bị phát hiện. |
Vi phạm còn nhiều, do đâu?
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, gần đây ý thức của người sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm đã được nâng cao, nhiều sản phẩm uy tín trong nước đáp ứng được nhu cầu về chất lượng được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường và diễn biến phức tạp.
Ông Lê Thanh Phong- quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- cho hay: Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm vẫn còn vì yếu tố lợi nhuận mà thực hiện các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, bất chấp đến yếu tố sức khỏe của người tiêu dùng.
Việc lạm dụng các chất kích thích sinh trưởng, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong kinh doanh các mặt hàng nông- lâm- thủy sản và các mặt hàng thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ và nhiều sạp kinh doanh thực phẩm nhỏ tại các chợ tạm ở gần các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu để sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng… rất khó kiểm soát.
Theo đó, đã có nhiều vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển thực phẩm bẩn bị phanh phui. Như mới đây, đầu tháng 3/2019, ngành chức năng đã phát hiện 1 ô tô tải vận chuyển 15 tấn thực phẩm đông lạnh gồm: đầu cá hồi, cá sapa, cánh gà, đùi gà, … chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đang trên đường vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh về tiêu thụ tại An Giang. Đáng nói là một số loại thực phẩm đã chuyển màu ngả xanh, bốc mùi.
Nhiều vụ vi phạm thực phẩm bị phát hiện. |
Vi phạm nhiều nhưng điều đáng lo ngại là việc xử phạt vẫn còn lỏng tay. Một số trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chỉ là nhắc nhở hoặc xử phạt “nhẹ hều”, chưa đủ sức răn đe. Việc quản lý, thanh kiểm tra và phòng chống thực phẩm bẩn của các ngành chức năng còn chồng chéo, bất cập.
Đó là chưa kể, vẫn còn một số người tiêu dùng còn dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm, chuộng thực phẩm giá rẻ, chưa có thói quen phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn. Thêm vào đó, người dân chưa kiên quyết “nói không với thực phẩm bẩn”, khiến vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn còn xu hướng gia tăng.
Song, nhiều người tiêu dùng cũng phân trần: khái niệm phân biệt giữa thực phẩm bẩn và sạch còn khá mập mờ, khó phân biệt, chỉ biết chọn thực phẩm theo “cảm quan” như: rau sạch là rau có sâu, trái cây sạch là trái cây có vẻ bên ngoài hơi xấu, thịt sạch là thịt màu đỏ tươi,… và đánh giá sạch- bẩn theo những tiêu chí này thì… hên xui!
Phải mạnh tay, kiên quyết xử lý triệt để
Có thể thấy, thực phẩm bẩn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Trên thực tế, những vụ việc vi phạm được phát hiện chưa nhiều. Thực phẩm bẩn vẫn còn xuất hiện trên thị trường nhưng chưa được xử lý hoặc chỉ xử lý được khi có đoàn kiểm tra rồi sau đó… đâu lại vào đấy.
Lo lắng, hoang mang khi đi chợ bởi “không biết mua gì cho an toàn” là tâm lý của nhiều người tiêu dùng hiện nay. Cô Lê Thúy Ngân (Phường 8- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Riết đi chợ không biết mua gì cho sạch, đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Mua rau sợ rau dư thuốc trừ sâu, mua cá sợ cá ngâm hóa chất, mua thịt sợ thịt tiêm thuốc an thần,… Đi chợ mà phập phồng, sợ mua phải thực phẩm bẩn!”
Để góp phần giải quyết tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới, ông Lê Thanh Phong cho biết: Cục sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sử dụng bộ test nhanh trong kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm và lấy mẫu thử nghiệm đối với mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường khi có dấu hiệu vi phạm.
Song, bên cạnh sự kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm của ngành chức năng thì điều quan trọng hơn hết vẫn là mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đề cao lương tâm, trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm ở nơi uy tín để bảo vệ sức khỏe. |
Hiện nay, không ít người tiêu dùng cho rằng, sẵn sàng chấp nhận giá đắt hơn nhưng sản phẩm phải an toàn, chất lượng. Do đó, muốn không bị người tiêu dùng quay lưng, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất sạch, an toàn, cần đặt tiêu chí sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu.
Đồng thời, ngành chức năng cũng cần có các chính sách khuyến khích cơ sở, doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn.
Song song đó, cần phải tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, độc hại, kiên quyết xử lý nghiêm, xử lý mạnh tay các vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung. Có như vậy cuộc chiến chống thực phẩm bẩn mới có thể đạt hiệu quả cao.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin