Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, theo báo cáo cuối cùng của tháng 3, CPI tháng 3 giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước, bình quân CPI chỉ tăng 2,63% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất 3 năm qua.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, theo báo cáo cuối cùng của tháng 3, CPI tháng 3 giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước, bình quân CPI chỉ tăng 2,63% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất 3 năm qua.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Sáng 28/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá tình hình giá cả, thị trường quý 1/2019, bàn biện pháp điều hành giá trong các tháng còn lại.
CPI tăng thấp nhất so với 3 năm qua
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, mặt bằng giá cả thị trường trong quý 1/2019 biến động sát với các dự báo và kịch bản đã đưa ra từ đầu năm với diễn biến tăng nhẹ trong tháng 1, tăng cao trong tháng 2 sau đó giảm nhẹ vào tháng 3, phản ánh đúng quy luật tiêu dùng hàng năm giá thường tăng cao vào tháng Tết và giảm trở lại sau Tết.
Cập nhật tình hình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, theo báo cáo cuối cùng của tháng 3/2019, CPI tháng 3 giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước, do đó 3 tháng đầu năm, bình quân CPI chỉ tăng 2,63% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây, trong khi chỉ tiêu đặt ra là kiểm soát ở mức 3,3-3,9%. Như vậy, đến hết tháng 3, CPI chỉ tăng 0,69% so với tháng 12/2018, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,06% so với tháng trước, bình quân quý 1/2019 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng nhẹ so với mục tiêu đặt ra là 1,6-1,8%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ “nhẹ” hơn năm 2018 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã công bố không tăng lãi suất đồng USD.
Ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 8,36% (tương ứng với mức tăng 144 đồng/Kwh) sau thời gian dài bị giữ giá, chỉ tác động tới 0,33% mức tăng CPI của tháng 3, là mức tác động thấp. Điểm nổi bật trong điều chỉnh giá điện lần này là Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tích hợp việc điều chỉnh tăng giá than và tính giá khí bao tiêu cho nhiệt điện theo thị trường, đồng thời tăng cường minh bạch, công khai giá điện, tránh trường hợp như những lần trước là giá điện tăng trước, giá than tăng sau nên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và luôn tạo sức ép đối với việc điều chỉnh giá điện.
Trước xu hướng tăng giá mạnh của giá xăng dầu thế giới, nhằm giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước, liên Bộ Tài chính và Công Thương đã điều hành giá xăng dầu theo hướng giảm mức trích lập và tăng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mức trích lập quỹ được điều hành giảm so với tháng 12 năm trước và giữ ổn định ở mức 0-300 đ/lít, kg tùy mặt hàng trong 5 kỳ điều hành tiếp theo. Quỹ bình ổn giá đã được chi sử dụng ở mức tương đối cao và liên tục ở cả 6 kỳ điều hành giá xăng dầu.
Trong kỳ điều hành mới nhất ngày 18/3, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá 2.801 đồng/lít với xăng E5RON92, 2.061 đồng/lít với xăng RON95 và 1.343 đồng/lít với dầu DO nhằm giữ nguyên giá xăng dầu, tạo dư địa cho tăng giá điện sau đó 2 ngày để giảm tác động của việc tăng giá điện lên CPI.
Thông tin về việc sản xuất và cung ứng xăng dầu trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 24/2, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đang chiếm 70-75% nguồn cung xăng dầu và 39% thị phần xăng dầu trong nước) gặp sự cố về phát điện nên không thể sản xuất nhiên liệu.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu, yêu cầu Nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng tối đa công suất sản xuất và sớm đưa Nhà máy Nghi Sơn trở lại hoạt động. Bộ chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra từng cây xăng, yêu cầu các đầu mối cung cấp đủ xăng dầu cho các địa bàn trên toàn quốc.
Đến ngày 3/3, Nhà máy Nghi Sơn bắt đầu khởi động lại và ngày 22/3, toàn bộ các phân xưởng đã hoạt động trở lại nhưng mới chỉ sản xuất được dầu diesel. Ngày 26/3, sản xuất được xăng đạt chất lượng, đến ngày 28 và 29/3, xăng A95 và A92 sẽ được sản xuất bình thường.
Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex nhập khẩu thêm xăng dầu với mức thuế cao hơn bình thường 10% để bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu diễn ra ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại của doanh nghiệp chế biến chiếm tới 60% nguồn cung của cả nước ít chịu tác động của dịch bệnh này. Bộ đang tập trung khuyến khích các doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của thị trường vào thời điểm cuối năm.
Kiểm soát lạm phát ở mức 3,3-3,9%
Đánh giá cao công tác điều hành giá quý 1/2019 với sự phối hợp chặt chẽ, bài bản của các bộ, ngành thuộc Ban Chỉ đạo, với từng kịch bản điều hành giá các mặt hàng cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, cung cấp thông tin kịp thời của các cơ quan tới báo chí và dư luận xã hội.
Phó Thủ tướng cho rằng công tác điều hành giá không thụ động, không chỉ phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường mà từ thực tiễn và diễn biến giả cả phải kịp thời kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức sản xuất và tiêu dùng.
“Giá thịt lợn đang giảm, nếu không tính toán việc tái đàn phù hợp thì cuối năm thiếu hụt nguồn cung, giá cao sẽ tác động tới mặt bằng giá nói chung và công tác điều hành giá của Chính phủ,” Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo nhận định của Phó Thủ tướng, với tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, tính toán điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội thì việc kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9% là trong tầm tay.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngăn chặn lây lan dịch tả lợn châu Phi, có biện pháp tái đàn để bảo đảm nguồn cung khi bệnh dịch được kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước có hình thức hỗ trợ tín dụng với các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước, kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để bình ổn giá trong thời điểm giá thế giới có biến động bất thường, không ảnh hưởng tới kỳ vọng về lạm phát; tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch chi phí đầu vào của giá điện, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.
Bộ Y tế đẩy mạnh rà soát, thu gọn danh mục dịch vụ, trên cơ sở đó đổi mới định mức kinh tế kỹ thuật, bảo đảm việc hoạt động ổn định của cơ sở y tế, tiết kiệm chi phí cho người bệnh và ngân sách Nhà nước; cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai và mở rộng danh sách đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh đấu thầu và đàm phán giá thuốc để hạ giá và cung ứng thuốc có chất lượng./.
Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin