ĐBSCL rồi sẽ "biến mất"?

01:03, 06/03/2019

Hiện tượng sụt lún mặt đất, mất phù sa, nước biển dâng... sẽ khiến gần như toàn bộ ĐBSCL chìm dưới mặt nước biển vào năm 2100, nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) mới đây dự báo.

Hiện tượng sụt lún mặt đất, mất phù sa, nước biển dâng... sẽ khiến gần như toàn bộ ĐBSCL chìm dưới mặt nước biển vào năm 2100, nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) mới đây dự báo.

Theo đó, 2 nguyên nhân chính gây nên hiện tượng trên là nước biển dâng và sụt lún mặt đất. Sụt lún đang diễn ra trên khắp đồng bằng.

Nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht cho thấy, mức độ gia tăng mực nước biển tuyệt đối khoảng 3- 4 mm/năm, trong khi nhiều phần diện tích ở nông thôn ĐBSCL mức độ sụt lún khoảng 10- 20 mm/năm, riêng khu vực thành thị và các khu công nghiệp khoảng 25 mm/năm.

Trong 25 năm qua (1991- 2015), ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18cm, có những nơi sụt lún 2,5 cm/năm, cao hơn gần 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Nguyên nhân chính của hiện tượng sụt lún trên là do khai thác nước ngầm quá mức. Tốc độ sụt lún nhanh nhất là thời điểm hiện tại.

Nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht chỉ ra rằng, hiện nay mỗi ngày ĐBSCL rút khỏi lòng đất tới 2,5 triệu lít nước.

Nước mất đi làm giảm áp lực trong cấu trúc địa chất bên dưới, khiến đồng bằng lún xuống. Với tốc độ sụt lún trung bình 1 cm/năm, ĐBSCL sẽ chứng kiến rất nhiều biến đổi trong vài thập niên tới.

Gần đây, Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện khiến lượng phù sa sụt giảm đã làm giảm đáng kể sự bù lún tự nhiên làm cho quá trình sụt lún diễn ra nhanh hơn. Tình hình đang trở nên trầm trọng hơn khi nhiều con đập trên dòng chính sông Mekong trên đất Lào cũng đang được xây dựng và gấp rút hoàn thành.

Kết quả nghiên cứu năm 2018 của Ủy hội sông Mekong, có đến 97% trầm tích sẽ bị giữ lại nếu tất cả các con đập trên dòng chính và các chi lưu của con sông này được xây dựng. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho ĐBSCL “biến mất” nhanh hơn.

THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh