Hưởng ứng phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi", anh Trần Văn Tú (Ấp 4, xã Trung Nghĩa, Vũng Liêm) là một trong những điển hình "dám nghĩ, dám làm" khi sẵn sàng rời "chốn phồn hoa đô hội" ở TP Hồ Chí Minh, trở về làng quê bắt đầu khởi nghiệp làm nông với nhiều công việc khác nhau và hiện nay anh đang đầu tư trồng cây dược liệu- đinh lăng. Loại cây trồng này đang hứa hẹn đem đến cho anh nguồn thu khá cao.
Cây đinh lăng do anh Tú trồng (bìa phải) đang phát triển tốt. |
Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, anh Trần Văn Tú (Ấp 4, xã Trung Nghĩa, Vũng Liêm) là một trong những điển hình “dám nghĩ, dám làm” khi sẵn sàng rời “chốn phồn hoa đô hội” ở TP Hồ Chí Minh, trở về làng quê bắt đầu khởi nghiệp làm nông với nhiều công việc khác nhau và hiện nay anh đang đầu tư trồng cây dược liệu- đinh lăng. Loại cây trồng này đang hứa hẹn đem đến cho anh nguồn thu khá cao.
Về quê làm nông
Sau 20 năm sống ở thành phố và có nguồn thu nhập khá với nghề may gia công ba lô, túi xách. Tuy nhiên, nghĩ tới cảnh cha mẹ nay đã lớn tuổi cần người chăm sóc nên anh Tú đã quyết định khăn gói về quê để khởi nghiệp làm nông.
Anh kể: “Lúc đầu khi nói ý định của mình thì có rất nhiều người cản, vợ anh cũng không chịu về vì sợ “lạ nước, lạ cái” lại không quen làm nông và nhất là phải bắt đầu lại từ đầu là rất khó...”
Hành trình về quê, anh Tú đã ấp ủ biết bao dự định. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thì mọi chuyện không hề đơn giản. Bên cạnh việc làm nông, anh còn duy trì nghề may sẵn có của mình. Đó là mở cơ sở may gia công ba lô, túi xách, nhằm tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.
Anh Tú kể, lúc mới về, “anh đi từng nhà kêu gọi mọi người đi làm quá trời nhưng vẫn không có nhân công”. Tuy nhiên, qua thời gian, cơ sở của anh Tú cũng đã tạo việc làm cho 9 lao động tại chỗ và nhiều lao động đem hàng về nhà làm. Hiện, mức thu nhập thấp nhất là 3 triệu đồng/người/tháng. “Nếu giờ có thêm 20 nhân công nữa thì vẫn có hàng để làm”- anh Tú cho biết.
Đối với nghề nông, anh Tú tận dụng đất nhà trồng bưởi da xanh (được gần 3 công) dưới ao thì nuôi cá tai tượng. Không những vậy, anh còn thuê thêm 6 công đất ruộng để chuyển lên vườn trồng đinh lăng.
Do chưa quen làm nông, anh Tú cũng gặp khó đủ chuyện, nhất là chưa có kinh nghiệm sản xuất và không có người hướng dẫn, chủ yếu là tự lên mạng mày mò nghiên cứu và vừa làm vừa rút kinh nghiệm... “đến nay thì mọi việc cũng đã dần đi vào quỹ đạo”- anh Tú cho hay.
Anh Tú khoe, Tết Nguyên đán vừa rồi, anh thu hoạch được 2 tấn bưởi da xanh và đem lên TP Hồ Chí Minh bán tết. Dọn hàng bán từ lúc 3 giờ chiều hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau mà đã bán được 500kg.
Giá bán mấy ngày đầu lên đến 90.000 đ/kg, đến khi thu hồi được vốn, anh bán xổ giảm dần và chạm đáy 40.000 đ/kg để sớm được “về quê ăn tết”. Tuy vậy, cũng đã đem lại cho anh Tú khoản lời kha khá.
Hiện, anh Tú đang tìm đầu ra cho 7.000 con cá tai tượng, cũng có nơi đến hỏi mua tuy nhiên, thương lái chỉ bắt mỗi đợt khoảng 500kg, thấy chậm thu hồi vốn nên anh muốn tìm mối có thể thu mua cùng lúc để sớm tái đầu tư.
“Bén duyên” cây đinh lăng
Hỏi về chuyện “bén duyên” với cây đinh lăng, anh Tú cho biết: Trước đây khi còn sống ở TP Hồ Chí Minh, thấy có người quen trồng đinh lăng bán có thu nhập cao, thấy ham quá nên anh cũng muốn “thử vận”.
Nghĩ là làm, anh Tú mua 15.000 cây hom giống, thuê đất ruộng rồi cuốc lên làm vườn, tính thêm chi phí đầu tư phân thuốc nữa là ra bạc trăm triệu. Theo anh Tú, để cây đinh lăng phát triển tốt thì khâu chăm sóc là quan trọng, nhất là khâu tưới phân và làm cỏ.
Vừa mày mò làm, anh Tú cũng vừa rút kinh nghiệm là nên bón phân hữu cơ hoặc sinh học, khi mới trồng nên làm màng phủ để hạn chế cỏ dại, đến khi cây có lá rụng, chờ hoai mục thì có chất bài tiết, ngăn cỏ dại mọc và hạn chế ốc bươu cắn phá.
Anh Tú cho biết: Đinh lăng là loại cây dược liệu có tác dụng trị mất ngủ, biếng ăn, suy nhược cơ thể... Trồng đinh lăng 1,5 năm thì có thể cắt bán hom giống, sau 3 năm là có thể cho thu hoạch. Giá bán 7.000 đ/kg lá tươi, 27.000 đ/kg cây tươi, còn củ rễ thì thấp nhất cũng 15.000 đ/kg. Với mức giá như hiện nay đang hứa hẹn đem đến cho anh nguồn thu khá. Hiện, có công ty chuyên sản xuất trà, rượu và bột đinh lăng ở Đăk Lăk mời anh làm đại lý cấp 1.
Theo anh Tú, ở TP Hồ Chí Minh thì anh có mức thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, khi về quê cũng khá dễ làm ăn vì hiện nay không thiếu gì công chuyện để làm, chẳng hạn như thu mua dừa, bưởi... bán lại là đã có lời.
Ông Nguyễn Văn Hải- Chủ tịch Hội Nông dân xã- cho rằng: Anh Tú là một trong những điển hình nông dân trẻ tuổi về quê khởi nghiệp, tiên phong trong việc tạo việc làm cho lao động nông thôn thông qua nghề may gia công và làm vườn. Đây là tinh thần rất đáng biểu dương. Hiện, mô hình trồng cây đinh lăng còn mới mẻ tại địa phương nhưng cũng hứa hẹn đem lại nguồn thu khá cho nông hộ.
Xã Trung Ngãi có 20 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương, đạt 24%; cấp tỉnh 44 hộ đạt 31,4%; cấp huyện 92 hộ đạt 39,3%, còn lại là cấp cơ sở 196 hộ đạt 46,6%. Năm 2018, xã đã xây dựng nhiều mô hình tiêu biểu như sản xuất lúa kết hợp trồng cỏ nuôi bò, chăn nuôi heo; luân canh lúa- màu, chuyên canh cây màu xuống ruộng... |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin