Trong những năm qua, thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện Mang Thít đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, cho sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện để có thể dần thay đổi cách sản xuất cũ, hướng đến sản phẩm sạch hơn…
Trong những năm qua, thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện Mang Thít đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, cho sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện để có thể dần thay đổi cách sản xuất cũ, hướng đến sản phẩm sạch hơn…
Một mô hình sản xuất rau thủy canh an toàn vệ sinh thực phẩm ở xã Bình Phước. |
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp hiệu quả
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, năm 2018, nhiều chỉ tiêu trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt và vượt chỉ tiêu. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp- thủy sản trên 2.500 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch. Trong đó, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng hơn 6,2% so năm trước.
Trong đó, thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả. Diện tích trồng lúa 3 vụ giảm trên 724ha, cây màu tăng 97ha, cây ăn trái tăng 264ha.
Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT- chia sẻ: Diện tích cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả là trên 35ha, chuyển từ ruộng lên vườn là 264ha. Việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng 3 cây- 3 con chủ lực, gồm: cây lúa, bưởi da xanh, khoai mỡ; con heo, con bò và cá tra, hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và được nhân dân ủng hộ.
Bên cạnh đó, công tác khuyến nông được quan tâm thực hiện, góp phần không nhỏ vào việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở địa phương.
Trong năm 2018, huyện đã triển khai 31 chương trình, dự án. Từ các chương trình, dự án đã cho ra nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, hạn chế sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến nền nông nghiệp sạch như: mô hình sản xuất củ cải trắng VietGAP; sản xuất khoai mỡ theo hướng an toàn thực phẩm, sản xuất rau thủy canh an toàn; một số mô hình áp dụng các giải pháp sản xuất sinh học,…
Theo ông Trương Tấn Được, hiện trên địa bàn huyện có một số mô hình sản xuất sạch, áp dụng các phương pháp sinh học và bước đầu đạt nhiều kết quả. Dự kiến trong năm 2019, huyện cũng sẽ triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ.
Trong năm 2019, ngành nông nghiệp huyện Mang Thít cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu.
Theo ông Trương Tấn Được, đối với cây lúa sẽ tiếp tục duy trì cánh đồng mẫu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; vận động nông dân mở rộng diện tích trồng màu chuyên canh, luân canh với cây lúa; vận động cải tạo vườn kém hiệu quả, nâng chất lượng vườn hiện có. Riêng chăn nuôi sẽ tiếp tục khuyến khích phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, trang trại…
Hướng đến mô hình nông nghiệp sạch
Theo ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ và chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông dân. Trên địa bàn đã có một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao và nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Xuất phát từ ý tưởng và mong muốn đưa nông nghiệp tiếp cận tốt hơn với công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất và chuyển giao mô hình, chị Cao Thúy An- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước) đã tìm hiểu và vận hành quy trình sản xuất phôi và nấm thành phẩm.
“Hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch rất lớn và mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học, kỹ thuật sẽ giúp giải quyết được nhiều bài toán. Từ đó sẽ giúp cho người dân có nhiều sự lựa chọn thực phẩm sạch…”- chị An chia sẻ.
Chị Thúy An giới thiệu quy trình sản xuất nấm tại công ty. |
Tại cánh đồng sản xuất củ cải trắng theo chuẩn VietGAP ở xã Long Mỹ, do trong sản xuất đã hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, nên không ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên, các mương nước hiện có nhiều loại thủy sản sinh sống.
Ông Ngô Văn A (ấp Long Hòa 2) cho biết: Tổ hợp tác củ cải trắng theo chuẩn VietGAP có 10ha với 24 tổ viên. Nông dân sản xuất đều được tập huấn và thực hiện đúng quy trình, từ đó đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Quan trọng nhất của quy trình sản xuất là làm thế nào để đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và đất trồng”- ông A nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Vinh (ấp Long Hòa 1) có nhiều kinh nghiệm sản xuất khoai mỡ cho biết: Cây khoai có thời gian sinh trưởng dài, cũng hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.
Mô hình sản xuất củ cải trắng VietGAP ở xã Long Mỹ được người dân ủng hộ. |
Tại Long Mỹ hiện có khoảng 42ha với gần 50 hộ tham gia sản xuất khoai mỡ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả thị trường tốt và có đầu ra ổn định nên góp phần rất lớn trong việc tăng thu nhập cho người dân.
“Từ việc sản xuất khoai mỡ theo hướng sạch đã dần dần thay đổi được phương cách sản xuất cũ trong nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nghiêm túc thực hiện thời gian cách ly thuốc trước khi bán ra thị trường. Người dân vừa thấy có lợi về kinh tế, vừa có lợi cho sức khỏe nên đồng tình ủng hộ…”- anh Vinh cho biết.
Ông Võ Hiếu Nghĩa- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ- cho biết: Vận động người dân vào các tổ hợp tác, mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu, vì họ chưa hiểu đến các vấn đề mang tính bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc vận động, tập huấn, người dân thấy được lợi ích, hiệu quả và nhất là vấn đề sức khỏe nên đồng tình cao… |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin