Thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp tại vùng ĐBSCL đã được khởi động với nhiều chương trình đào tạo, các vườn ươm, mà nổi bật là các cuộc thi khởi nghiệp tổ chức tại các địa phương.
Thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp tại vùng ĐBSCL đã được khởi động với nhiều chương trình đào tạo, các vườn ươm, mà nổi bật là các cuộc thi khởi nghiệp tổ chức tại các địa phương.
Trong năm 2019, dự đoán bức tranh khởi nghiệp sẽ tràn đầy màu sắc và những cơ hội dành cho các start- up, những nhà đầu tư dám nghĩ, dám làm.
Các thí sinh tham gia cuộc thi Ý tưởng- Dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2018,giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nhân trẻ để hoàn thiện dự án, ý tưởng của mình. |
Từ những trăn trở
Trong 2 năm vừa qua, Vĩnh Long đứng thứ hạng cao so với cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI), thể hiện qua thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được cải thiện, môi trường đầu tư thuận lợi.
Dù vậy, ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long- đặt vấn đề: “Hiện nay số lượng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế về chất lượng lẫn quy mô, còn thiếu doanh nghiệp sản phẩm đầu cuối tạo chuỗi khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh”.
“Vì sao khả năng cạnh tranh được đánh giá thuộc nhóm tốt mà Vĩnh Long chưa tạo được sự bứt phá?”- từ trăn trở đó, ông Nguyễn Tường Nam cho rằng để tạo bước phát triển đột phá, tỉnh không đơn thuần chỉ dựa vào ưu đãi hay công trình đầu tư từ vốn trung ương mà phải có sự chuẩn bị chu đáo về nội lực để đón nhận những cơ hội.
Để làm được điều này, điều kiện cần là bộ máy hành chính và chính sách phải đảm bảo tính thực thi hiệu quả cao, nhanh gọn và minh bạch.
Bên cạnh đó, điều kiện đủ là doanh nghiệp quan tâm chiến lược dài hơn, doanh nhân có khát vọng cao hơn và lực lượng khởi nghiệp với sức trẻ phải phát huy sức sáng tạo cao hơn nữa.
Việc phát triển kinh tế tạo thành động lực không còn chỉ là những giá trị về số vốn, về tài nguyên, về cơ chế mà phát triển bền vững cần có yếu tố về văn hóa xã hội và tinh thần dân doanh.
Động lực tăng trưởng phải chăng cần ưu tiên bắt đầu từ yếu tố con người, những người con quê hương “đất học” nhận thức được những giá trị, trách nhiệm, sáng tạo và hành động?
Thời gian qua, những nỗ lực của các ngành, các cấp trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp/nhà đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… đã góp phần tích cực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, củng cố và tăng niềm tin của doanh nghiệp vào sự đồng hành của chính quyền.
Theo Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Vĩnh Long phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 4.200 doanh nghiệp còn hoạt động. Như vậy, trong giai đoạn 2016- 2020, mỗi năm phát triển trên 300 doanh nghiệp.
Đến mong muốn đồng hành
Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, Phó Chủ tịch HĐTV khởi nghiệp- cho biết thời gian qua, tỉnh đã xây dựng chương trình khởi nghiệp gắn với hoạt động đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp… để tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, cũng như thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Vĩnh Long đang đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển chuyên sâu, qua việc nghiên cứu ban hành đề án cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành công thương. Trong đề án này, hoạt động khởi nghiệp sẽ là nội dung quan trọng.
Cùng với các chính sách khuyến khích khởi nghiệp của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đội ngũ doanh nhân trẻ mong muốn góp tay đánh thức đam mê khởi nghiệp của các bạn trẻ, sinh viên để đồng hành cùng họ.
Với kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nhân khẳng định “muốn khởi nghiệp không thể đi một mình”.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV- cho rằng việc khởi nghiệp ở một tỉnh như Vĩnh Long càng khó bởi không có nhiều nhà đầu tư, cũng không có doanh nghiệp lớn để hỗ trợ về tài chính.
Trong khi, đối tượng giàu ý tưởng, nhiều đam mê khởi nghiệp phần lớn là sinh viên, bạn trẻ có lợi thế kiến thức cơ bản từ nhà trường.
Chính vì thế, họ rất cần những doanh nghiệp “đàn anh” có kinh nghiệm hỗ trợ, dẫn dắt để các bạn có định hướng đi được đường dài.
“Tôi cho rằng, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thì không thể đi một mình, mà cần liên kết thành một nhóm đủ mạnh để cùng nhau lên ý tưởng, mục tiêu thực hiện, rồi bắt tay triển khai dự án, thậm chí kêu gọi vốn đầu tư”- ông Nguyễn Văn Thành bảo thời gian qua doanh nghiệp của ông đã có nhiều hoạt động cụ thể để hỗ trợ các bạn trẻ, sinh viên đam mê khởi nghiệp.
Hiện nay, Công ty Phước Thành IV đang hỗ trợ một nhóm bạn trẻ thực hiện dự án du lịch lữ hành và đã gặt hái thành công bước đầu; bên cạnh tiếp sức cho một nhóm khác khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, đã bắt đầu được vài tháng nay.
Từ thực tế, “hiện nay muốn khởi nghiệp phải có “người đỡ đầu”, chứ thui thủi một mình thì khó lớn mạnh được”, nên ông Trần Văn Hoàng- Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc- cho biết: “Anh em Hội Doanh nhân trẻ kinh doanh nhiều lĩnh vực, có kinh nghiệm, mối quan hệ xã hội… sẽ hỗ trợ tối đa cho dự án của các bạn trẻ.
Chẳng hạn, một sinh viên hoặc một nhóm sinh viên có ý tưởng, dự án tốt thì Hội Doanh nhân trẻ sẵn sàng đồng hành hỗ trợ vật chất, tinh thần, cùng bàn bạc hướng đi phù hợp”.
Đó là những tín hiệu đáng mừng tạo động lực rất lớn cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ có thêm “địa chỉ” tư vấn, hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Vĩnh Long cũng được “bật đèn xanh” qua việc tạo điều kiện cho mọi đối tượng tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp... đã và đang tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin