Con cá lóc cù lao Mây tập trung nhiều ở vùng nuôi xã Phú Thành (Trà Ôn), trải qua nhiều thăng trầm giá cả trong vài năm qua. Khi trồi khi sụt, giá bán cá lóc năm 2017 rớt thấp.
Con cá lóc được giá- tín hiệu vui cho vùng nuôi cá ven sông Hậu. |
Con cá lóc cù lao Mây tập trung nhiều ở vùng nuôi xã Phú Thành (Trà Ôn), trải qua nhiều thăng trầm giá cả trong vài năm qua. Khi trồi khi sụt, giá bán cá lóc năm 2017 rớt thấp.
Còn từ cuối năm 2017 đến nay, giá bán cá lóc tăng trở lại, bà con lợi nhuận khá. Với các xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành ở vùng cù lao ven sông Hậu này, thế mạnh cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày và nuôi thủy sản... sẽ luôn có câu chuyện trúng mùa- thất giá, lỗ- lãi đặt ra cho nông dân và ngành nông nghiệp.
Vùng nuôi cá lóc đã vui trở lại
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn, tình hình nuôi thủy sản tiếp tục phát triển thuận lợi. Cá lóc và cá tra là 2 loại thủy sản nuôi chính của huyện với 33,4ha đang thả nuôi. Hiện giá cá tra và cá lóc vẫn duy trì ổn định: giá cá tra 25.000- 27.000 đ/kg, người nuôi lời 3.000- 5.000 đ/kg; giá cá lóc từ 36.000-37.000 đ/kg, lời 6.000- 7.000 đ/kg.
Trong diện tích nuôi thủy sản của Trà Ôn, vùng nuôi tập trung nhiều ở ven sông Hậu có thể kể xã Phú Thành, Lục Sĩ Thành, một phần của xã Tích Thiện (địa bàn ấp Tích Phước). Năm qua, thủy sản xã Phú Thành phát triển khá. Toàn xã có 29,12ha mặt ao nuôi thủy sản (cá tra 21ha, cá lóc 8,12ha). 9 tháng đầu năm, người nuôi cá lóc thu hoạch khoảng 6.188 tấn, giá bán từ 35.000- 42.000 đ/kg, thu lợi nhuận từ 10.000- 12.000 đ/kg.
Ông Trần Thanh Hải- thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất chế biến thủy sản Phú Thành (ấp Mái Dầm, xã Phú Thành)- cho biết giá cá lóc năm nay ổn định mức cao. Đầu năm, ở mức 37.000- 38.000 đ/kg, sau đó có lúc lên 44.000- 45.000 đ/kg; đến cuối tháng 11, giá bán là 39.000 đ/kg.
Năm nay, giá cá ổn định khá cao- ông Hải cho hay- Nhiều hộ trong hợp tác xã nuôi tổng cộng 2,7ha mặt nước đã có cá thu hoạch lai rai. Nếu cầm tới đợt thu hoạch trước và sau tết mà giữ giá bán tầm 40.000 đ/kg thì bà con có lời khá hơn.
Nhớ năm 2017, lúc giá cá lóc xuống thấp, người nuôi lỗ nặng, có người nợ ngân hàng đến vài trăm triệu đồng. Theo ông Trần Thanh Hải, có vài người phải bỏ ao, bán đất đi làm mướn tận Bình Dương. Nhưng lúc này, khi chúng tôi đến, ông Hải cười hà hà và câu đầu tiên ông nói là “năm nay hết người đi Bình Dương rồi...”
Ông Nguyễn Văn Cát (ấp Mái Dầm) có 3 ao nuôi tổng diện tích khoảng 900m2, trong đó đã xuất bán 2 ao, còn 1 ao cá lứa. 2 ao được xuất bán hồi tháng 8/2018 với 16,5 tấn cá. Trong đó, 7 tấn cá to giá 44.000 đ/kg, khoảng 9,5 tấn cá nhỏ hơn thì giá 42.500 đ/kg. “Bù qua sớt lại, đợt cá đó tui lời bình quân 16.000 đ/kg”- ông nhẩm tính.
Ông Nguyễn Chí Cường (công chức nông nghiệp- giao thông- thủy lợi- xây dựng- môi trường thuộc UBND xã Phú Thành) cũng có nuôi cá lóc. Đầu năm đến giờ, nhà ông phấn khởi vì đã “gỡ gạc lại bận thất vụ cá lóc năm kia”.
Theo cán bộ nông nghiệp xã, do giá bán ở các thời điểm thu hoạch khác nhau và sản lượng cá khác nhau, nên tùy từng hộ nuôi mà lời ở mức khác nhau. Nhưng nhìn chung với mức giá trên rải ra 2 vụ trong năm, trong chưa đầy 1 năm các hộ nuôi cá lóc đã thu lợi nhuận rất đáng kể.
Theo người dân nơi đây, suất đầu tư nuôi đạt 1kg cá lóc khoảng 27.000- 28.000đ, tùy người nuôi khéo hay không. Nếu giá bán cá ở 1- 2 năm trước thấp từ 26.000- 27.000 đ/kg và kéo dài thì người nuôi cá có lẽ... bỏ nuôi, treo ao. Theo ông Nguyễn Chí Cường, lúc giá cá lóc bắt đầu giảm, xã có tầm 50 hộ nuôi với 9,27ha mặt nước. Sau đó, diện tích nuôi có giảm nhưng hiện tại tăng dần với 35 hộ nuôi (8,6ha).
“Đường đi” phát triển trái cây- con cá- du lịch
Theo ông Nguyễn Chí Cường, giá cá lên thì người nuôi cá mừng. Song phía ngành chuyên môn cũng khuyến cáo người nuôi nên rải vụ với diện tích ao nuôi vừa phải để cân bằng cung cầu. Nhiều nông dân nuôi cá nói cân bằng cung cầu là điều họ muốn, không phải ồ ạt thả nuôi khi giá cá cao hay phải treo ao khi giá cá xuống thấp. Một khi có thị trường tiêu thụ đều đặn, sẽ dẫn tới giá cả cạnh tranh, đầu ra con cá tốt hơn, người nuôi cá có lời hơn...
Như ông Cát có mười mấy năm nuôi cá lóc, đã quá quen cảnh thương lái chạy ghe trờ tới con rạch gần nhà cân cá, vận chuyển về bên chợ Trà Ôn và đi các nơi. “Không có đường xe, chúng tôi phụ thuộc thương lái. Có giao thông đa dạng thì việc mua bán giữa thương lái cạnh tranh hơn, người dân lợi hơn” - ông Cát khá am hiểu thị trường.
Ông Trần Văn Tuấn (ấp Mái Dầm) thua lỗ hơn 100 triệu đồng năm 2017, nay đã vui vì trả được nợ cũ và có lời. |
Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn chia sẻ với chúng tôi: “Năm nay, tình hình nuôi thủy sản phấn khởi”. Theo ông, ngoài nuôi cá thương phẩm, hợp tác xã còn được đầu tư công nghệ chế biến khô cá lóc, quy mô vài chục đến cả trăm ký. Địa phương và ngành tiếp tục xúc tiến xin làm thương hiệu.
Vùng nuôi cá lóc Mái Dầm ven sông Hậu hình thành, phát triển qua nhiều năm. Ngoài thương lái thu mua phân phối cho các chợ, con cá lóc ở đây cũng cần có thương hiệu, xuất xứ để có thể đi xa hơn ra thị trường với yêu cầu cao hơn.
Cách đây gần 2 năm, đồng chí Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Thanh Triều đã chia sẻ với chúng tôi về việc phát triển con cá lóc ở vùng nuôi xã Phú Thành: bằng cách nào đó làm đa dạng sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định giá cả đầu ra.
Về phía giao thông, khi thuận tiện đường sá thì không chỉ chở con cá lóc trên xe đi nhanh ra thị trường mà bằng cách đó, trái bưởi Năm Roi, trái chôm chôm- cũng là các trái cây đặc sản vùng này- sẽ thuận lợi trên đường xa đến với người tiêu dùng.
Còn các cơ sở du lịch cộng đồng mới hình thành cũng hút khách gần xa với cây trái, thức ăn ngon tại vùng đất này... Nếu nói một chút về góc độ quản lý để sản xuất nuôi trồng, phát triển kinh tế địa phương thì không riêng gì trái cây, con cá, du lịch mà đường hướng phải rõ ràng và cần được đồng bộ đầu tư.
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN- HẠNH UYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin