Huyện Bình Tân nổi tiếng với những vùng rẫy màu truyền thống. Tuy nhiên, để hướng đến nền nông nghiệp bền vững cùng với việc thực hiện rải vụ, bà con nông dân quan tâm việc đa dạng hóa các loại cây trồng, nhằm tránh việc quá tập trung vào một số loại cây nhất định, dễ dẫn đến tình trạng nguồn cung vượt quá nhu cầu thị trường.
Những ruộng màu xen canh ở xã Tân Bình. |
Huyện Bình Tân nổi tiếng với những vùng rẫy màu truyền thống. Tuy nhiên, để hướng đến nền nông nghiệp bền vững cùng với việc thực hiện rải vụ, bà con nông dân quan tâm việc đa dạng hóa các loại cây trồng, nhằm tránh việc quá tập trung vào một số loại cây nhất định, dễ dẫn đến tình trạng nguồn cung vượt quá nhu cầu thị trường.
Từ đó, nhiều mô hình mới, nhiều giống cây mới bên các ruộng khoai lang, hành lá truyền thống, giúp cho thu nhập người dân ổn định hơn.
Trẻ em được tạo điều kiện trong môi trường học tập tốt.
Huyện Bình Tân chọn 3 loại cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp địa phương là: cây ăn trái (600ha); khoai lang (kế hoạch là 10.750 ha/năm, đã thực hiện khoảng 13.961ha); cây hành lá (kế hoạch là 2.350 ha/năm, thực hiện trên 2.594ha).
Phó Bí thư Huyện ủy Bình Tân Lê Minh Đức đánh giá: “Nhìn chung, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện chọn xã Tân An Thạnh làm điểm, gắn với xây dựng nông thôn mới, kết quả chuyển đổi tốt giống cây trồng, vật nuôi, tăng cường luân canh, rải vụ; phát triển được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập lên đến 300- 500 triệu đồng/ha”.
Sau thời gian xuống giá, thời điểm gần cuối năm giá khoai lang đã quay đầu trên đà tăng trở lại, là niềm vui của nhiều bà con chuyên canh khoai lang truyền thống. Còn theo một số bà con lâu năm gắn bó với cây hành lá ở xã Tân Bình, trong năm qua hành lá không có đột biến lớn về giá, sự ổn định giúp cho thu nhập nông dân vùng chuyên canh này khá ổn định.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng- cán bộ nông nghiệp xã Tân Bình- cho biết: Những năm gần đây, bà con chuyên canh hành lá chuyển sang hướng đa dạng hóa các loại cây màu nhằm tránh rủi ro một khi cây hành truyền thống bị dội chợ, giảm giá. Cụ thể, ngoài cây hành chủ lực, bà con còn trồng thêm nhiều loại cây khác như: ớt chỉ thiên, đậu bắp xanh; còn diện tích hành lá cũng được trồng xen cải dún, mồng tơi,…
Trồng ớt Châu Phi sừng vàng ở xã Tân Bình. |
Cách làm này được nhiều bà con nói vui là “chắc ăn như bắp”. Cùng với cây hành truyền thống, xã Tân Bình phát triển mạnh cây đậu bắp xanh do có hợp đồng đầu ra ổn định từ các công ty thu mua ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh. Đậu bắp xanh có giá chấp nhận được nên người trồng thường có lời.
Ngoài diện tích màu truyền thống, Bình Tân đang thực hiện việc đa dạng hóa cây trồng. Nông dân mạnh dạn mở rộng loại cây trồng mới trên vùng đất rẫy, với kỹ thuật canh tác “chắc tay” những vườn cây ăn trái đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như xã Tân Bình tập huấn cho 20 hộ trồng cam xoàn, xã Mỹ Thuận thì đang phát triển mạnh các loại cây như: sơ ri, mãng cầu xiêm, vú sữa,...
Trở lại thăm ấp Mỹ Trung A (xã Mỹ Thuận), chúng tôi đã khá quen thuộc với hình ảnh những vườn sơ ri phủ kín khắp xóm, sơ ri trồng thành vườn, trồng bên góc sân, hiên nhà như các loại cây kiểng. Bởi đây là loại cây khá dễ tính nên “găm nó chỗ nào cũng cho trái đầy cây”- ông Tư Tài- một trong những người đầu tiên đưa cây sơ ri về đây cho biết.
Chỉ từ 2 cây sơ ri trồng làm kiểng hơn 20 năm trước ở nhà người hàng xóm Nguyễn Minh Trí, thấy trái bắt ham nên ông Tư Tài “bắt chước” trồng theo, giờ đây ông đã phát triển lên hơn 1ha sơ ri, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Gia đình ông Tư Tài còn có nguồn thu nhập lớn nhờ làm đầu mối thu mua sơ ri của bà con trong ấp để cân lại cho thương lái. Hiện nay, riêng các hộ dân ven con rạch Trà Cuồng thuộc ấp Mỹ Trung A, đã có gần 20ha sơ ri đang cho trái. Đâu đâu cũng thấy bóng dáng cây sơ ri, nên bà con hay gọi Trà Cuồng là “con rạch sơ ri”.
“Một năm, sơ ri có thể cho thu hoạch 6- 7 lứa với thu nhập 20 triệu đồng/công. Mỗi lứa có 500- 600 kg/công. Sơ ri là loại cây dễ trồng, nhưng có đặc tính là không chịu được các loại thuốc bảo vệ thực vật nên được xem là cây an toàn (nếu gặp chất hóa học thì trái sẽ bị nhăn da, không láng bóng, rất khó bán).
Cũng mừng, vì vậy mà một lứa thu hoạch chỉ tốn tiền chăm sóc cả khu vườn có 3 triệu đồng”- ông Tài cho biết. Ở nhà dưới, con dâu ông Tài đang ngồi lựa sơ ri chất thành đống. Trái nào cũng bóng lưỡng vừa điểm màu hoa cà.
Ông Tài cho biết thêm, ông cùng Bảy Kép, anh Liêm, chị Hạnh là 4 đầu mối thu mua trái sơ ri cho bà con. Mỗi ngày, ông Tài thu vào khoảng 1,2- 1,7 tấn. Đầu ra của trái sơ ri rất ổn định vì có nhiều đầu mối thu mua từ Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Điền, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), Sóc Trăng, Phú Quốc (Kiên Giang), Cà Mau,…
Bên cạnh những vườn sơ ri trĩu quả, ấp Mỹ Trung A còn có những khu vườn mãng cầu xanh tốt. Ông Đinh Văn Tư (Tư Tèo, 51 tuổi) vừa hái hơn 3 công được 10 tấn trái coi như “bỏ túi” trên 250 triệu đồng.
Trở lại sau hơn 1 năm, vườn mãng cầu của ông Tư Tèo đã tăng lên gần 1ha. Hồi mới trồng, vườn mãng cầu bị chết rất nhiều do bị ngập nước. Hiện nay, với hệ thống giao thông kết hợp đê bao khép kín, ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích mãng cầu lên cùng với một số bà con xung quanh. Hệ thống đê bao khép kín toàn tuyến đường qua 700 hộ dân thuộc 4 ấp của xã Mỹ Thuận dài 3.700m, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích cây trồng.
Từ đó, phong trào trồng cây lâu năm lan sang ấp Mỹ Trung B, Mỹ Thạnh C (xã Mỹ Thuận) với cây sơ ri, mãng cầu và Mỹ Thạnh B với 8ha vú sữa Vĩnh Kim. Trong đó, có nhiều nông dân trồng với diện tích lớn như ông Nguyễn Văn Nghét có 1,2ha, mỗi năm lời hàng trăm triệu đồng. Gần đây, xuất hiện một số nông dân lên vườn đưa trái sầu riêng về đây, tuy nhiên diện tích cũng còn khá khiêm tốn.
Bà con xã Thành Trung canh tác giữa mùa nước lũ. |
Huyện Bình Tân có thế mạnh chuyên canh các loại cây màu, nhưng cũng là địa phương có nhiều điểm xung yếu vào mùa mưa lũ. Trong năm qua, dù nước lũ về sớm và dâng cao kỷ lục nhưng đi qua những vùng rẫy Bình Tân vẫn thấy xen nhau xả lũ và các loại cây trồng vẫn xanh tốt an toàn.
Đó là điểm nổi bật trong công tác phòng chống lụt, bão và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn kết hợp đê bao. Huyện cũng đã thực hiện khảo sát nghiên cứu và đánh giá hiệu quả của việc ứng phó xả lũ hàng năm, để tiến tới có kế hoạch và những phương án cụ thể khai thác tốt nhất những lợi ích mà con nước hàng năm mang lại.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin