Gạo Việt củng cố thương hiệu

10:01, 30/01/2019

Sau khi công bố logo gạo Việt, Bộ NN-PTNT đang khẩn trương đăng ký với tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế và chờ sự đồng thuận của nhiều nước về hiện diện logo thương hiệu gạo Việt Nam.

Sau khi công bố logo gạo Việt, Bộ NN-PTNT đang khẩn trương đăng ký với tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế và chờ sự đồng thuận của nhiều nước về hiện diện logo thương hiệu gạo Việt Nam. Nhiều người đang kỳ vọng gạo Việt sẽ tạo đột phá và khẳng định vị thế trên thương trường trong năm 2019.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gần như “ngủ đông”, khi thị trường lúa gạo trên thế giới đang trầm lắng. Song, giá lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL) vẫn ở mức ổn định so với nhiều năm trước.

Cùng lúc này, nông dân và doanh nghiệp đang liên kết chặt chẽ để đa dạng hóa mặt hàng lúa gạo nhắm vào từng thị trường tiêu thụ. Đây được xem là hướng đi đúng để vượt qua những thách thức của thị trường.

Đột phá từ gạo thơm

Thị trường xuất khẩu gạo thế giới đang trầm lắng trong tháng 1-2019. Trong khi đó, có thông tin Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lợi thế dành cho gạo nhập khẩu có xuất xứ từ Campuchia và Myanmar.

Quyết định này gây lo ngại cho viễn cảnh xuất khẩu gạo từ 2 quốc gia này sang EU, qua đó, có thể gây thêm áp lực các nguồn cung đang chuẩn bị bước vào thu hoạch.

Song, Philippines vẫn là nhân tố chính để xuất khẩu Việt Nam nhắm đến trong tháng đầu năm 2019 khi các doanh nghiệp tư nhân nước này được cho phép nhập khẩu 1 triệu tấn gạo. Gạo OM5451, Đài thơm 8 và nếp của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở thị trường này.

Dù đang có những thách thức nhất định trên thị trường xuất khẩu gạo ngay từ đầu năm 2019 nhưng các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra khá tự tin khi thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa với nhiều phân khúc xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo Việt Nam khép lại năm 2018 với mức tăng trưởng 4,6% (số lượng xuất khẩu đạt 6,09 triệu tấn). Xuất khẩu gạo Việt Nam hiện chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.

Đặc biệt, đã có sự chuyển đổi về giá xuất khẩu và tỷ trọng gạo chất lượng cao một cách tích cực.

Nhìn lại năm 2018, việc các doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu 50.000 tấn gạo phẩm cấp cao với giá khoảng 700 USD/tấn tại Hàn Quốc được xem là dấu mốc khẳng định hướng đi đúng đắn vào phân khúc gạo thơm, gạo phẩm cấp cao.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), “Năm 2012, gạo thơm chỉ chiếm 7,57% trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam và tỷ lệ được nâng dần lên 5-7%/năm; đến năm 2018 đạt gần 38% trong cơ cấu xuất khẩu gạo Việt Nam”.

Đây là “đòn bẩy” chủ yếu để cải thiện giá xuất khẩu của gạo Việt trên thương trường. 

Bước vào năm 2019, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã công bố logo gạo Việt. Cùng lúc, Tập đoàn Phoenix (Dubai) đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời (Việt Nam) phát triển sản xuất lúa gạo bền vững, giảm thiểu những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sâu bệnh, thiên tai...

Dự án sẽ hỗ trợ 10.000 nông hộ nhỏ Việt Nam mở rộng canh tác lúa gạo bền vững với hơn 10.000ha đất trồng lúa.

Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong việc cung cấp gạo chất lượng cao, với khả năng truy xuất nguồn gốc hoàn toàn và giảm dư lượng hóa chất, nhằm tăng thu nhập của nông dân. 

Nông dân trồng lúa theo “đơn hàng”

Theo VFA, lúa nông dân thu hoạch sớm được thương lái mua tại ruộng với giá 4.600 - 5.400 đồng/kg. Còn lúa khô mua tại kho của doanh nghiệp giá 4.800- 6.400 đồng/kg.

Trong đó, giá lúa gạo hạt dài tại Kiên Giang đang được doanh nghiệp trong vùng mua với giá cao nhất là 6.400 đồng/kg, cao hơn các tỉnh lân cận 300 - 800 đồng/kg.  

Tại Hậu Giang, nông dân đang phấn khởi khi diện tích lúa đông - xuân được doanh nghiệp bao tiêu ngày càng mở rộng. Trong đó, phong trào liên kết nông dân trồng lúa thơm, doanh nghiệp bao tiêu mua đang nở rộ.

Ông Thiều Văn Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hải Thành (xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), là một trong những người đi đầu trong phong trào này.

Trong 5 năm qua, ông Hải cùng hàng chục nông dân trong HTX bán lúa theo hợp đồng với doanh nghiệp. Vụ đông xuân này, lúa thơm Jasmine 85 do ông Hải trồng được doanh nghiệp bao tiêu với giá 5.400 đồng/kg.

Với mức giá sàn tối thiểu này ông cầm chắc lợi nhuận 35 triệu đồng/ha. Nếu giá lúa trên thị trường tăng thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh nâng giá hợp lý. 

Các chuyên giá lúa gạo nhận định, việc Bộ NN-PTNT công bố logo gạo Việt là điều kiện “cần” nhưng để có thêm điều kiện “đủ”, Việt Nam phải nhắm đến và xác định các dòng lúa gạo chiến lược mang tầm thương hiệu quốc gia.

Lâu nay, các chuyên gia lúa gạo đã chỉ ra, muốn xuất khẩu gạo ổn định bền vững thì nông dân và doanh nghiệp Việt Nam phải tạo được uy tín cũng như thương hiệu cho gạo Việt.

ĐBSCL bắt đầu có mô hình tích cực như đầu tư cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp đầu tư giống, cán bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiệu quả của những mô hình này là hạt gạo sẽ có giá cả ổn định và và thương hiệu cũng rõ ràng hơn.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam: “Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần quyết định chọn giống lúa nào đi vào thị trường nào cần nhất, có số lượng lớn nhất và phù hợp với thế mạnh của mình”.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến khích doanh nghiệp cần đa dạng hóa các giống lúa chủ lực như gạo thơm nhắm vào thị trường châu Á, gạo hạt dài phẩm cấp cao nhắm vào các siêu thị châu Âu…

Sau khi công bố logo gạo Việt, Bộ NN-PTNT đang khẩn trương đăng ký với tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế và chờ sự đồng thuận của nhiều nước về hiện diện logo thương hiệu gạo Việt Nam.

Nhiều người đang kỳ vọng gạo Việt sẽ tạo đột phá và khẳng định vị thế trên thương trường trong năm 2019.

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, năm 2018, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 6,1 triệu tấn với giá trị 3,04 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 15,3% về giá trị so với năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu gạo của Việt Nam với 23,7% thị phần.

Về loại gạo xuất khẩu, trong 11 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 50% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32%; gạo nếp chiếm 12% và gạo Japonica, gạo giống Nhật, chiếm 5%. Các chuyên gia cho rằng, năm 2018, xuất khẩu gạo là điểm sáng của ngành khi giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 15-16%.

Đáng chú ý, mặc dù xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm đi rất nhiều nhưng xuất khẩu sang các thị trường khác như Phillipines và một số thị trường mới lại tăng lên.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh