Từ sản xuất kinh doanh gạo, vài năm gần đây, Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV mở rộng sang một số lĩnh vực như khách sạn, quán cà phê, đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp…
Từ sản xuất kinh doanh gạo, vài năm gần đây, Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV mở rộng sang một số lĩnh vực như khách sạn, quán cà phê, đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp…
Mới đây nhất, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc công ty- chia sẻ: “Chúng tôi đang định xây dựng bảo tàng lúa gạo, làm điểm dừng chân, tham quan cho du khách” và dự án được khơi nguồn từ hạt gạo này đã nhen nhóm ý tưởng hình thành từ hơn 10 năm.
Ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ: “Chúng tôi đang định xây dựng bảo tàng lúa gạo, làm điểm dừng chân, tham quan cho du khách”. |
Tự nhận mình là người “mê lúa gạo” nên dường như trong mỗi bước đi của doanh nhân Nguyễn Văn Thành đều không thể thiếu sự góp mặt của lúa gạo. Ngay tại khách sạn hay quán cà phê thuộc công ty đều dành vị trí “đắc địa” nhất để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm gạo của doanh nghiệp.
Còn việc “làm bảo tàng lúa gạo để lưu giữ, sưu tầm, giới thiệu lịch sử hạt gạo đồng bằng, văn hóa lúa nước gắn liền với miền Tây sông nước thì tôi ấp ủ suốt hơn 10 năm. Đến nay, khi đã mua đất và tích góp đủ tài chính thì mới bắt tay thực hiện”- ông nói.
Khu đất doanh nghiệp dành để xây dựng bảo tàng rộng 3ha, ven QL1 thuộc huyện Long Hồ, dự kiến tổng kinh phí đầu tư hơn 50 tỷ đồng.
Theo phác thảo, bảo tàng sẽ khôi phục, trưng bày những công cụ làm nông nghiệp từ xưa đến nay khắp các miền đất nước, như cái cày, cây trục, phảng, cù nèo,…
Hiện công việc sưu tầm đang được doanh nghiệp triển khai, tổ chức các nhóm ở nhiều địa phương để thu thập các nông cụ được người dân sử dụng làm lúa.
Cùng với đó, doanh nhân Nguyễn Văn Thành cho biết, không chỉ có trưng bày các hiện vật, tìm hiểu về lịch sử cây lúa, tập quán làm lúa từ thuở “con trâu đi trước, cái cày theo sau” của ông cha ta; mà “ý tưởng của chúng tôi là giúp du khách có thể “quay ngược thời gian trở về quá khứ” để trải nghiệm cảm giác làm nông dân, như là dẫn con trâu ra đồng cày bừa, tự tay gieo hạt giống…
Du khách có thể theo dõi mảnh ruộng của mình qua các thiết bị công nghệ, để biết được từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV vừa được bình chọn trong “Top 200 Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2018”. |
Từ đó, có thể trở lại thăm đồng, thu hoạch lúa của mình. Hạt lúa, hạt gạo đó, khách có thể tự mình xay bột bằng cối thủ công truyền thống, chế biến thành các món bánh dân gian rồi cùng người thân, bạn bè thưởng thức”- ông Thành say sưa với chúng tôi và từ “ý tưởng này lại nảy ra ý tưởng khác”.
Chẳng hạn, thường kỳ tại bảo tàng sẽ tổ chức các hội thi làm bánh dân gian, cho du khách thỏa sức sáng tạo, trải nghiệm từ các loại bột gạo.
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm, hiện doanh nghiệp đang tham vấn ý kiến của các ngành chức năng, làm các thủ tục cần thiết cho việc thành lập bảo tàng lúa gạo tư nhân, dự kiến năm 2019 sẽ khởi công xây dựng hạ tầng với sự tư vấn, phối hợp hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học từ các viện, trường.
Là một nhà kinh doanh, đối với việc đầu tư bảo tàng lúa gạo, ông Thành cho rằng “không đặt nặng vấn đề kinh tế lời lỗ, thu hồi vốn 5 hay 10 năm, mà chúng tôi đặt mục tiêu phục vụ xã hội nhiều hơn”. Mục tiêu xuất phát từ “đam mê và yêu mến hạt lúa, hạt gạo quê mình”, từ trăn trở “ngay cả con tôi bây giờ còn không biết cái cày, cái bừa là cái gì”…
Nên “chúng tôi kỳ vọng dự án trước tiên là để góp phần sưu tầm, giữ gìn văn hóa lúa nước của ông cha từ ngàn xưa để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết quý trọng công lao, sự khó nhọc của ông bà mới có được thành quả hôm nay.
Đồng thời, để quảng bá với du khách gần xa một nền văn minh lúa nước phong phú, đặc sắc và hấp dẫn”- ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ tâm huyết.
Từ sản xuất kinh doanh gạo, Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV (Long Hồ) mở rộng sang một số lĩnh vực như khách sạn, quán cà phê, đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó, có những dự án mà có lúc doanh nhân Nguyễn Văn Thành cho là “đầu tư mạo hiểm”. Chẳng hạn, Phước Thành IV đã hỗ trợ một nhóm bạn trẻ kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, bước đầu đã gặt hái thành công và một nhóm khác khởi nghiệp về bất động sản, bắt đầu vài tháng nay. Tại quán cà phê Thóc (Phường 1- TP Vĩnh Long), ông Thành mong muốn sẽ là nơi “Thóc khởi nghiệp”- để bạn trẻ có ý tưởng, dự án khởi nghiệp tìm đến gặp gỡ các doanh nhân, doanh nghiệp đi trước để được tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ phát triển ý tưởng của mình. |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin