Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công có sẵn tại địa phương, nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp (DN) đã thay đổi tư duy, tự mở đường đi mới "chưa ai từng đi", không chỉ tạo những sản phẩm mới, tiềm năng tiêu thụ cao trên thị trường, nâng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần giải quyết bài toán đầu ra.
Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công có sẵn tại địa phương, nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp (DN) đã thay đổi tư duy, tự mở đường đi mới “chưa ai từng đi”, không chỉ tạo những sản phẩm mới, tiềm năng tiêu thụ cao trên thị trường, nâng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần giải quyết bài toán đầu ra.
Sản phẩm trà khổ qua rừng được nhiều người biết đến. |
Sản phẩm phải mới, ngon và an toàn
Theo nhiều DN, Vĩnh Long có nguồn nguyên liệu nông sản đa dạng, phong phú, nguồn lao động dồi dào, chất lượng ngày càng được nông dân chú trọng sản xuất.
Tuy nhiên, bài toán đầu ra vẫn chưa có lời giải, thị trường tiêu thụ vẫn còn bấp bênh. Chính vì vậy, một số cơ sở, DN đã tận dụng lợi thế có sẵn tại địa phương để tìm hướng đi khác cho mình.
Nghĩ phải làm ra sản phẩm mới, lạ, “không đụng hàng” nhưng phải theo xu hướng thị trường để thu hút người tiêu dùng nên chị Cao Thúy An- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước- Mang Thít) đã tạo nên sản phẩm mới chưa từng xuất hiện tại Vĩnh Long: snack nấm bào ngư.
Chị Thúy An chia sẻ: “Nấm bào ngư dễ trồng, giá trị dinh dưỡng cao nhưng thị trường tiêu thụ lẫn giá cả không ổn định nên tôi quyết định đầu tư sản xuất snack nấm này.
Qua nghiên cứu thị trường, tôi thấy đây là sản phẩm tiềm năng, có cơ hội phát triển. Do đó, bên cạnh sản xuất, tôi còn xây dựng chiến lược marketing và phát triển thương hiệu.
Hiện sản phẩm đã có Công ty TNHH Cung ứng sản phẩm sạch- nhà phân phối tại TP Hồ Chí Minh- nhận phân phối độc quyền.
Ông Lê Minh Triều- đại diện Công ty TNHH Cung ứng sản phẩm sạch (TP Hồ Chí Minh), Nhà phân phối cho sản phẩm snack nấm bào ngư khu vực phía Nam- cho biết: So với các sản phẩm snack trước đây thì đây là sản phẩm mới, tiềm năng phát triển cao.
Do đó, bên cạnh tiêu thụ ở các kênh phân phối truyền thống, công ty sẽ “xâm nhập” vào các kênh phân phối hiện đại để phát triển sản phẩm.
Nhận định “hàng sấy dễ ăn hơn hàng tươi” nên chị Nguyễn Thị Hồng Luân- Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Miền Tây (xã Thành Lợi- Bình Tân) đã tận dụng nguồn nông sản địa phương để làm ra nhiều sản phẩm sấy như: khoai lang, đậu bắp, chuối, mít... và đã được thị trường rất ưa chuộng.
Chị Hồng Luân cho hay: “Công nghệ sản xuất phải hiện đại, chi phí đầu tư cũng không nhỏ, 3 tấn củ mới được 1 tấn thành phẩm nhưng tôi thấy đây là mặt hàng rất tiềm năng, người tiêu dùng rất thích nên tôi mạnh dạn phát triển sản phẩm này.
Sản phẩm làm ra có mới, ngon, chất lượng, an toàn thì mới giữ được khách, DN mới có thể tồn tại được”.
Cũng với mong muốn làm ra sản phẩm mới, tốt, an toàn cho người tiêu dùng nên cô Bùi Minh Phượng- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Sản xuất thương mại Nông Lương Việt Nam (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) cho hay: “Tôi nhận thấy cây khổ qua rừng là một nguồn dược liệu, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, có thể chiết xuất ra nhiều phương thuốc tốt để hỗ trợ chữa bệnh.
Do đó, tôi đã “nâng cấp” khổ qua rừng để làm trà. Tuy sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường nhưng đã được nhiều người biết đến và tin dùng. Hiện sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh- thành khu vực ĐBSCL”.
Bước tiến mới để phát triển
Nhiều cơ sở, DN cho rằng, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ phải “chiến” với hàng ngoại, mà còn phải “đấu” với hàng nội ngay trên sân nhà.
Nếu không muốn bị tụt hậu và bị loại khỏi cuộc chơi, buộc DN phải tìm hướng đi mới. Đồng thời, có chiến lược phát triển hẳn hoi, phải tự “nâng chuẩn” chứ không thể làm theo kiểu “thích gì làm nấy”, chỉ chạy theo số lượng thay vì phải theo chất lượng. Đó là “bước tiến mới” DN buộc phải làm để có thể thích nghi, tồn tại và phát triển.
Snack nấm bào ngư lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Vĩnh Long. |
Chị Thúy An cho rằng: Không thể đi theo lối mòn mà DN phải thay đổi, không chỉ về tư duy sản xuất mà còn phải đổi mới cách quản trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Phải không ngừng nâng cấp DN, nâng chuẩn sản phẩm. Hơn hết là phải nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của thị trường.
Theo chị Thúy An, sản phẩm snack nấm sản xuất từ công nghệ chiên chân không, có nhiều đặc tính: giòn, ngọt, ngon và giàu dinh dưỡng.
Mặc dù chưa có sự đa dạng sản phẩm để đáp ứng khẩu vị của người tiêu dùng, nhưng bước đầu snack nấm đã tạo được ấn tượng với nhiều người.
Điều quan trọng mà chị Thúy An muốn đem lại là không chỉ tạo ra sản phẩm mới an toàn cho người tiêu dùng mà còn tạo thêm nhiều việc làm, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
“Sau khi khảo sát thị trường, công ty sẽ nghiên cứu tiến hành nhân rộng mô hình trồng nấm, chuyển giao công nghệ cho người dân trồng nấm và thu hoạch nấm tại nhà, sau đó công ty sẽ tổ chức thu mua.
Qua đó, không chỉ tạo thu nhập, việc làm ổn định cho người dân mà còn góp phần giải quyết nút thắt đầu ra cho nấm khi bị “dội chợ”- chị An chia sẻ.
Để phát triển thêm sản phẩm, chị Thúy An đặt ra mục tiêu sẽ xây dựng một khu phức hợp gồm nhiều nhà xưởng chế biến nhằm tận dụng và khai thác mọi giá trị có trong chuỗi sản xuất nấm, đồng thời đa dạng các sản phẩm từ nấm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, chị Hồng Luân cũng dự định sẽ đầu tư thêm nhà xưởng, dây chuyền sản xuất để mở rộng quy mô sản xuất.
Chị Luân cho hay: “Bên cạnh nỗi lo quy mô sản xuất còn nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì chất lượng nguồn nguyên liệu cũng là vấn đề công ty quan tâm.
Ở Vĩnh Long chưa đáp ứng được nguồn khoai lang vàng và chất lượng khoai lang tím cũng còn “chưa bền” nên sắp tới công ty cũng sẽ nghiên cứu đồng thời đề xuất ngành chức năng xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn để vừa đáp ứng nhu cầu của DN vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
Có thể thấy, nhờ đổi mới tư duy sản xuất, sáng tạo tìm ra con đường đi mới với những sản phẩm mới đã giúp không ít cơ sở, DN dần có chỗ đứng trên thị trường và khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng.
Tuy có thể chặng đường phát triển còn lắm gian nan nhưng nhiều DN khẳng định “sẽ đi đến cùng” không chỉ vì đam mê kinh doanh mà còn mong muốn sản phẩm tỉnh nhà ngày càng vươn xa.
Ông Nguyễn Đỗ Hoàng Anh Thy- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương)- cho biết: Thời gian qua, trung tâm luôn đồng hành DN. Trung tâm đã hỗ trợ nhiều cơ sở, DN ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, giúp cơ sở tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, DN cũng cần phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tích cực tham gia kết nối cung cầu, để SP có thể đi xa hơn và có chỗ đứng vững trên thị trường. |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin