Mô hình chợ an toàn thực phẩm đi vào hoạt động và đã nhận được sự ủng hộ của cả tiểu thương lẫn người mua. Không chỉ làm bộ mặt chợ sáng lên, chợ an toàn thực phẩm còn giúp tiểu thương nâng cao ý thức hơn khi bán hàng và trách nhiệm hơn với người tiêu dùng.
Mô hình chợ an toàn thực phẩm đi vào hoạt động và đã nhận được sự ủng hộ của cả tiểu thương lẫn người mua. Không chỉ làm bộ mặt chợ sáng lên, chợ an toàn thực phẩm còn giúp tiểu thương nâng cao ý thức hơn khi bán hàng và trách nhiệm hơn với người tiêu dùng.
Chợ an toàn thực phẩm Cái Ngang là mô hình thí điểm thứ 2 của tỉnh. |
Tín hiệu tích cực
UBND huyện Tam Bình vừa phối hợp Sở Công thương tỉnh tổ chức lễ khánh thành mô hình chợ an toàn thực phẩm Cái Ngang (xã Mỹ Lộc- Tam Bình).
Đây là chợ thứ 2 được xây dựng trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Với 202 hộ kinh doanh, chợ Cái Ngang là chợ hạng II có diện tích 5.100m2, chợ gồm 3 nhà lồng, trong đó, nhà lồng chợ nông sản hiện có 18 quầy thịt heo, 60 quầy kinh doanh rau, củ quả và 30 quầy kinh doanh bún, giá, hủ tiếu...
Theo nhiều tiểu thương, các quầy hàng kinh doanh trong nhà lồng đã có từ rất lâu, có quầy trên 15 năm, nên không còn phù hợp với các quy định của Nhà nước về tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm như: quầy chỉ cao khoảng 20cm, mặt quầy bằng gỗ, không có hệ thống thoát nước, không có tên quầy,…
Do đó, khi biết có chủ trương xây dựng chợ an toàn thực phẩm, tiểu thương rất mừng.
Có chợ mới sạch đẹp, tiểu thương phấn khởi, an tâm mua bán. |
Theo dự án, 60 quầy sạp đã được nâng cấp, đảm bảo các tiêu chí về chợ kinh doanh thực phẩm về địa điểm, thiết kế, môi trường, phòng cháy; đảm bảo theo đúng yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh tại chợ, cơ sở kinh doanh rau, củ, quả,…
Mô hình được các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ tích cực hưởng ứng và sự đồng thuận của người dân.
Bán ở chợ Cái Ngang trên 30 năm mà “đó giờ mới được chỗ bán sạch đẹp như vầy” nên cô Phạm Thị Tám- tiểu thương bán rau cải- rất phấn khởi.
Cô Tám chia sẻ: “Lúc trước tôi ngồi bán rau chỉ cách mặt đường đi chừng gang tay nên rau cải hay bị văng bùn đất làm dơ mà chỗ bán cũng không đẹp mắt.
Giờ kệ cao hẳn hoi, rau cải sạch sẽ, sáng sủa, bán hàng chạy hơn. Tôi chọn hàng có nguồn gốc để bán, có chất lượng để giữ uy tín cho chợ mình”.
Cạnh đó, chị Nâu cũng cho hay: “Có chỗ bán mới mừng lắm, nhiều người đi chợ khen chỗ bán đẹp, hàng tươi ngon, chợ nhìn cũng sang hơn, nghe mà mát dạ. Lúc trước tôi bán một buổi, giờ bán cả ngày mà vẫn có khách mua hoài”.
Đang chọn mua rau, chú Hà Văn Mười (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) cho hay: “Chợ khang trang, giá cả được niêm yết rõ ràng, người bán cũng có ý thức chọn hàng có nguồn gốc, xuất xứ nên tôi mua hàng cũng thấy an tâm hơn”.
Cần giữ danh cho chợ về cả chất và lượng
Mô hình chợ an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. |
Trước chợ Cái Ngang, mô hình chợ an toàn thực phẩm Phước Thọ (Phường 8- TP Vĩnh Long) cũng đã được đưa vào sử dụng. Đến nay, chợ ngày càng được nhiều người tin dùng.
Chị Lê Mai Phương Ngân- Phó Ban Quản lý chợ Phước Thọ- cho biết: Từ khi đưa vào hoạt động, mô hình chợ an toàn thực phẩm hoạt động đạt hiệu quả cao, tiểu thương rất mừng.
Các mặt hàng được tiểu thương lựa chọn đưa vào chợ đều có nguồn gốc, nơi sản xuất uy tín phục vụ cho người tiêu dùng. Theo đó, sức mua tại chợ cũng tăng hơn.
Ông Nguyễn Quốc Thái- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình- cho biết: Việc thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm là rất thiết thực, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về bữa ăn hàng ngày của mình, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các quầy bán của hộ kinh doanh được xây mới theo quy cách thống nhất, phù hợp với từng ngành hàng, tạo thuận lợi cho việc kinh doanh của tiểu thương và góp phần nâng cao văn minh thương mại.
Tuy nhiên, “khi đã được danh chợ an toàn thực phẩm thì tiểu thương cần phải quyết tâm giữ uy tín cho mình và cả chợ”- ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho hay.
Đồng thời, theo ông, phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát, thường xuyên lấy mẫu sản phẩm kiểm tra để đảm bảo tính an toàn, phục vụ cho người tiêu dùng.
Các ngành chức năng có liên quan cần phối hợp với địa phương, tạo những vùng sản xuất an toàn gắn kết với tiêu thụ, qua đó, phục vụ cho các điểm bán an toàn thực phẩm được tốt hơn. Song song nâng dần chất lượng các điểm bán an toàn, nhân rộng chợ an toàn đến các địa phương khác.
Có thể thấy, trước tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng, thì việc duy trì, nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương là cần thiết.
Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm thực phẩm an toàn mà còn góp phần khuyến khích những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh.
Song, để tránh tình trạng “có tiếng không có miếng”, tiểu thương cần có ý thức kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, đa dạng mặt hàng hơn để thu hút người mua.
Các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường giải pháp, cách làm hay để xây dựng thành công chợ an toàn thực phẩm, góp phần duy trì và tạo dựng hình ảnh đẹp của chợ truyền thống.
Dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Cái Ngang đã nâng cấp 60 quầy sạp, trong đó có 54 quầy sạp rau củ quả, 6 quầy sạp kinh doanh thịt bò với kích thước trung bình mỗi quầy là 1,5 x 1,5 m. Các quầy sạp được xây bằng gạch cao 0,6m (đối với rau, củ, quả), cao 0,8m (đối với kinh doanh thịt bò) mặt trên của mỗi quầy đổ tấm đan bằng bê tông, ốp gạch men mặt ngoài toàn bộ quầy, mỗi quầy có 1 khung nhôm treo bảng hiệu tên quầy, bảng giá, có hệ thống cấp nước, thoát nước cho các quầy sạp… Tổng kinh phí xây dựng mô hình này là gần 300 triệu đồng. |
Bài, ảnh: THẢO LY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin