Vietjet vượt Vietnam Airlines về lợi nhuận hàng không

07:11, 01/11/2018

9 tháng đầu năm 2018, hãng Vietjet đạt lợi nhuận trước thuế lên tới 3.868 tỉ đồng, vượt xa con số 2.426 tỉ đồng của Vietnam Airlines, dù doanh thu chưa bằng một nửa Vietnam Airlines.

9 tháng đầu năm 2018, hãng Vietjet đạt lợi nhuận trước thuế lên tới 3.868 tỉ đồng, vượt xa con số 2.426 tỉ đồng của Vietnam Airlines, dù doanh thu chưa bằng một nửa Vietnam Airlines.

 Vietjet vượt Vietnam Airlines về lợi nhuận. Trong ảnh là máy bay đang tiếp nhiên lưu ở sân bay Đà Nẵng - Ảnh: C.TRUNG
Vietjet vượt Vietnam Airlines về lợi nhuận. Trong ảnh là máy bay đang tiếp nhiên lưu ở sân bay Đà Nẵng - Ảnh: C.TRUNG

Báo cáo tài chính quý 3/2018 của Vietnam Airlines và Vietjet Air cho thấy kết quả kinh doanh trái ngược nhau. 

Cùng chung bối cảnh kinh doanh hàng không, "đàn em" nhưng kết quả kinh doanh của Vietjet lại tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với Vietnam Airlines, theo đólợi nhuận của Vietjet vẫn tăng tới 59%, trong khi đó Vietnam Airlines lại giảm đến 65%.

Cụ thể, Vietjet ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến đến 1.709 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế quý 3 của Vietnam Airlines chỉ đạt 571 tỉ đồng, giảm tới 65%.

Lũy kế 9 tháng năm nay, lợi nhuận trước thuế của Vietjet đạt 3.868 tỉ đồng, vượt xa con số 2.426 tỉ đồng của Vietnam Airlines, dù doanh thu chưa bằng một nửa Vietnam Airlines.

Trong thời gian gần đây, các hãng bay "than thở" khó khăn vì tình hình biến động tỉ giá và chi phí nhiên liệu tăng mạnh ảnh hướng đến hoạt động kinh doanh vận tải hàng không.

Báo cáo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc suy giảm lợi nhuận, Vietnam Airlines cho biết lý do chủ yếu vì giá nhiên liệu bình quân tăng 37,5% và tỉ giá tiền USD/VND tăng gần 2% so với quý 3-2017, dẫn đến tốc độ tăng chi phí cao hơn tốc độ tăng doanh thu dẫn lợi nhuận của công ty mẹ giảm mạnh.

Lý giải về lợi nhuận, đại diện Vietjet cho hay nhờ việc tăng cường thêm đội máy bay mới, hiện đại, mở thêm nhiều đường bay quốc tế, chủ động điều chỉnh tải cung ứng mùa thấp điểm với tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay đạt xấp xỉ 89%. Các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cũng tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.177 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ 2017.

Cụ thể, doanh thu của Vietjet Air không chỉ đến từ nghiệp vụ bán và tái thuê máy bay (sales and leaseback) mà còn nằm phần lớn ở hoạt động phụ trợ (chọn ghế ngồi, bữa ăn, hành lý tăng thêm…).

Ngoài ra, việc đưa vào vận hành thế hệ máy bay mới A320/A321 Neo tiết kiệm nhiên liệu lên tới 16%, hơn nữa ở các chặng bay quốc tế hãng đổ xăng ở nước ngoài nơi có giá xăng thấp hơn ở Việt Nam khoảng 30% (do chính sách thuế, phí của các nước) giúp Vietjet giảm thêm chi phí.

Các chương trình cải tiến trong công tác vận hành cũng tiết kiệm các chi phí khai thác không bao gồm xăng dầu khoảng 5%.

Theo CÔNG TRUNG/TTO

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh