Tiên phong, bền chí làm nông kiếm tiền triệu

05:11, 08/11/2018

Với cách chọn khởi nghiệp làm nông, từ những người trẻ tuổi đến trung niên đã có cách đi riêng, người tiên phong trồng màu, người chăn nuôi ếch ở xứ rẫy và thu lời từ bạc trăm triệu đến tiền tỷ mỗi năm.

Với cách chọn khởi nghiệp làm nông, từ những người trẻ tuổi đến trung niên đã có cách đi riêng, người tiên phong trồng màu, người chăn nuôi ếch ở xứ rẫy và thu lời từ bạc trăm triệu đến tiền tỷ mỗi năm.

Khởi nghiệp trồng gấc bước đầu đã mang lại hiệu quả cho gia đình chị Võ Thị Thùy Trang (thứ 2, bên phải).
Khởi nghiệp trồng gấc bước đầu đã mang lại hiệu quả cho gia đình chị Võ Thị Thùy Trang (thứ 2, bên phải).

Trồng gấc “bỏ túi” hơn 40 triệu đồng/tháng

Anh Nguyễn Hữu Thiện (sinh năm 1979)- một nhà thầu xây dựng, còn chị Võ Thị Thùy Trang (vợ anh Thiện, sinh năm 1977) quanh năm làm ruộng, cắt cỏ nuôi cả chục con bò, thế nhưng từ giữa năm nay vợ chồng anh Thiện lại quyết định thuê 15 công đất để khởi nghiệp trồng màu ở thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) và trở thành người tiên phong trồng màu trên đất thị trấn.

Để bắt đầu cho hành trình khởi nghiệp của mình, anh chị tự mày mò đi tham quan học hỏi một số mô hình hiệu quả, lên mạng nghiên cứu thêm kỹ thuật trồng gấc và tìm đầu ra cho trái gấc.

Về đầu tư, mức giá thuê đất cũng khá rẻ chỉ 2,5 triệu đồng/công/năm (hợp đồng 5 năm), sau đó cuốc đất, dựng trụ và đầu tư ống nước...

Còn về cây giống, từ nguồn hỗ trợ cho các xã nông thôn mới còn dư, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện đã hỗ trợ cho vợ chồng anh Thiện 400 gốc gấc và 30% phân thuốc, trị giá 11 triệu đồng. Tính ra chi phí đầu tư ban đầu khoảng 14 triệu đồng/công.

Dẫn chúng tôi tham quan rẫy gấc xanh mát được điểm tô sắc cam tươi thắm của trái gấc đang chờ ngày thu hoạch, chị Trang cho biết: “Tui vừa thu hoạch xong trái chiếng, bán được 7.000 đ/kg. Đây là mức giá đầu vụ, chứ từ giữa tháng 10 âm lịch trở lên giá 15.000- 17.000 đ/kg, còn vô đợt tết có khi lên đến 22.000 đ/kg.

Theo anh Thiện, “bình quân mỗi công tui trồng 40 gốc gấc, mỗi trái nặng hơn 1kg”. Với đặc tính, cây gấc cho trái quanh năm và từ nay đến tháng sau sẽ vào thu hoạch rộ, theo dự kiến 15 công gấc của anh cho năng suất bình quân khoảng 4 tấn trái/tháng.

Nếu tính mức giá bình quân 10.000 đ/kg thì mỗi tháng sẽ bỏ túi được 40 triệu đồng, trong khi chi phí bỏ ra chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Hỏi về việc có tiếp tục mở rộng sản xuất, anh Thiện cười tươi: “Trồng gấc thấy cũng ham lắm, nhiều hộ lân cận cũng có ý định cho thuê đất nhưng trước mắt vợ chồng tui cần phải vừa làm, vừa học hỏi thêm và ổn định đầu ra mới quyết định nhân rộng mô hình”.

9X nuôi ếch kiếm tiền tỷ

Mô hình nuôi ếch giúp Lê Văn Thảo (bên trái) kiếm được tiền tỷ mỗi năm.
Mô hình nuôi ếch giúp Lê Văn Thảo (bên trái) kiếm được tiền tỷ mỗi năm.

Học Công nghệ thông tin nhưng ra trường thì Lê Văn Thảo (sinh năm 1991, ở ấp Hòa Thuận, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) lại về quê khởi nghiệp làm nông.

Trong khi ở xứ rẫy Bình Tân, cây màu là chủ lực và đã có rất nhiều người nuôi ếch giống thất bại, bỏ ao thì chàng thanh niên này vẫn quyết định nuôi thử nghiệm số lượng nhỏ, tự mày mò nhân giống và đến nay “ông chủ” trẻ Lê Văn Thảo xuất bán 4- 5 tấn ếch thương phẩm/tháng, thu về tiền tỷ mỗi năm.

Trò chuyện chúng tôi trong căn chòi nuôi ếch cạnh Đường tỉnh 908, chàng thanh niên 9X Lê Văn Thảo có vẻ kiệm lời. Tuy nhiên, hành trình 4 năm nuôi ếch thu về tiền tỷ của Thảo cho thấy, Thảo là một thanh niên đầy khát khao, giàu ý chí, thích làm hơn nói…

Ông Trần Thế Kiệt- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cái Nhum: Hiện, thị trấn đang vận động, khuyến khích nông dân chuyển cây lúa sang trồng màu theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2018- 2020 của UBND huyện. Mô hình trồng gấc của anh Thiện- chị Trang là mô hình khởi nghiệp đưa cây màu xuống ruộng đầu tiên của thị trấn, nhờ có nguồn lực đầu tư cùng sự đam mê, chịu khó tìm tòi học hỏi mà anh chị đã có được thành công bước đầu với hiệu quả mang lại rất khả quan.

Do muốn “làm công việc gì đó có thể chủ động thời gian, tự mình làm chủ” nên ngay từ khi còn là sinh viên, Thảo lân la tìm hiểu, học hỏi từ bạn bè có nuôi, trồng các loại cây, con. 

Đầu tiên, Thảo nuôi rắn hổ mèo và thử nghiệm 1.000 con ếch trong 70m2 ao nhà làm mồi. Lứa ếch đầu tiên dư bán ra thị trường “có lời chút ít” nên Thảo tiếp tục mở rộng.

Mày mò nuôi ếch giống để tạo nguồn nuôi ếch thương phẩm “khép kín” để quản lý được chất lượng và tiền lời nhiều hơn.

Hết ao nhà, Thảo thuê thêm đất nuôi tiếp. Đến nay, diện tích nuôi ếch thương phẩm đã nở nồi lên 2.700m2 với hàng chục vuông, bán cho một công ty lớn ở TP Cần Thơ.

Thảo cho biết: Toàn bộ ếch nuôi là ếch Thái Lan. Từ 0,5 ly nuôi tới 8 ly thì thành ếch thương phẩm (4- 5 con/kg).

Từ trứng phát triển thành nòng nọc khoảng 1 tháng, bắt đầu thả xuống ao nuôi đến khi xuất bán khoảng 1 tháng 20 ngày.

Thảo nuôi cuốn chiếu để lúc nào cũng có ếch ra thị trường, hiện anh xuất bán 4- 5 tấn/tháng. Với giá bán khoảng 30.000- 40.000 đ/kg, thu về khoảng 120- 200 triệu đồng/tháng, tầm 2 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí thì lời khoảng 70 triệu đồng/tháng, 900 triệu đồng/năm.

Nhìn những tấm bảng chi chít số liệu và các vuông ếch được cắm bảng thông tin, Thảo cho biết, vừa qua đã nuôi 2 vuông ếch thương phẩm đạt theo chuẩn VietGAP.

“Hiện ếch thịt đã đủ cung cấp cho công ty bên TP Cần Thơ nên không định nuôi thêm mà sẽ mở rộng ao ương để kinh doanh ếch giống”- Thảo nói. Và, để tận dụng hết diện tích mặt nước và nguồn thức ăn, tăng lợi nhuận, Thảo nuôi thêm một số loại cá tai tượng, mè hoa và cá sặt rằn.

Tuy được bao tiêu đầu ra nhưng Thảo cho biết, có trong tay mấy chục số điện thoại thương lái ngoài thị trường để nắm tình hình và bán khi lượng ếch vượt yêu cầu của công ty.

Sau 4 năm chăn nuôi, Thảo đúc kết: “Cần không ngừng học hỏi, trau dồi mới vượt qua hết những khó khăn trên đường mà không nản lòng và bắt kịp cái mới…”.

Ông Thân Văn Lâm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Thảnh- cho biết: Thảo đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện 4 năm liền và cuối năm nay sẽ đề nghị Tỉnh hội khen thưởng. Thảo là nông dân trẻ có tri thức, có đam mê và ý chí, biết tận dụng kiến thức học ở trường và tìm tòi học hỏi kỹ thuật mới, chí thú để làm ăn, dốc sức trẻ và trí tuệ để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Bên cạnh, còn tích cực đóng góp kinh phí, công sức cho các phong trào ở địa phương… Từ Thảo đã khơi gợi, thúc đẩy thanh niên địa phương chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, tránh xa tệ nạn xã hội.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh