Xây dựng nền nông nghiệp "lương thiện"

07:10, 23/10/2018

Khôi phục hệ sinh thái và những di sản văn hóa mùa nước nổi, là những giá trị nông nghiệp bền vững, tự nhiên vốn có từ xưa ở ĐBSCL. Tuy nhiên, cần có quy hoạch theo vùng để tái tạo nền đất phù sa trù phú, cũng là khôi phục 2 "túi nước" đầu nguồn chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

 

Cùng với lịch sử xuất hiện cây lúa thần nông và khái niệm “vựa lúa đồng bằng”, người miền Tây phải “gồng mình” cho cuộc chiến tăng năng suất, tăng vụ bằng mọi giá để rồi đã bắt đầu cuộc bức tử đồng ruộng bằng phân bón hóa học và các loại thuốc nông nghiệp tràn lan.

Nông dân từ bỏ lối sản xuất hữu cơ bền vững trước đây, chuyển hẳn sang tập quán sử dụng hóa chất trên cây lúa và tất cả các loại rau màu, cây ăn trái khác. Khi nông dân đang làm giàu cho các hãng phân bón, thuốc trừ sâu thì ngược lại đời sống của họ ngày càng trở nên cơ cực vì sự mất giá, bấp bênh của nông sản, đất đai trở nên nghèo nàn và sự tổn hại nghiêm trọng môi trường và sức khỏe con người.

Cùng với đó, là diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, dồn ép nền nông nghiệp đồng bằng vốn mong manh, càng thêm khó khi đương đầu với 2 vấn đề: “mặn- ngọt” là hạn mặn vùng duyên hải và mùa nước nổi thất thường của sông Mekong.

Nông nghiệp ĐBSCL cần lối đi riêng với những quyết sách mạnh mẽ như một cuộc cách mạng thực sự xây dựng tập quán sản xuất thuận thiên chủ động trên nền tảng khoa học hiện đại, tái lập lại hệ sinh thái đa dạng cùng với di sản văn hóa nông nghiệp đặc trưng của vùng đất Nam Bộ xưa.

Kỳ 1: Sản xuất thuận thiên chủ động

Vợ chồng chú Tư Khâu nhổ bông súng trên ruộng lúa mùa nổi.
Vợ chồng chú Tư Khâu nhổ bông súng trên ruộng lúa mùa nổi.

Khôi phục hệ sinh thái và những di sản văn hóa mùa nước nổi, là những giá trị nông nghiệp bền vững, tự nhiên vốn có từ xưa ở ĐBSCL. Tuy nhiên, cần có quy hoạch theo vùng để tái tạo nền đất phù sa trù phú, cũng là khôi phục 2 “túi nước” đầu nguồn chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Mùa nước nổi là di sản vô giá

Nhắc đến lúa mùa nổi như chạm vào miền ký ức xa xưa với những ai đã từng lớn lên từ tô nước cơm vo gạo lức pha với đường chảy, đường thùng thốt nốt; giờ đây, giống lúa có sức sống kỳ diệu này còn được xem là điển hình cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu vùng nước nổi.

Những nông dân gắn bó lâu đời với cây lúa mùa nổi đã “điểm danh” những đỉnh nước lịch sử các năm: 1978, 2004, 2011 và con nước năm nay vẫn không cách gì “nhấn chìm” được cây lúa. Mỗi ngày đêm, nước dâng vài tấc là chuyện thường, gặp con nước chụp ngập lút đọt lúa hàng thước, thì mấy bữa sau nó vẫn vượt lên, xanh um phơi phới.

Cho đến con nước triều cường lịch sử đầu tháng 9 âl vừa qua, chúng tôi quyết định vào thăm khu bảo tồn lúa mùa nổi khoảng 200ha, thuộc xã Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn- An Giang); cũng là đi tìm lại những giá trị nền tảng của di sản văn hóa nông nghiệp thuận thiên của con người Nam Bộ xưa.

Gặp nông dân Nguyễn Văn Nào (hay còn gọi là Tư Hào) ở xã Đào Hữu Cảnh (huyện Châu Phú- An Giang), chúng tôi được biết, có 50 công đất ở vùng Vĩnh Phước sản xuất lúa mùa nổi.

Ông Tư Hào cho hay, mình bắt đầu làm lúa mùa nổi từ năm 2006 đến nay, ban đầu, năng suất đạt thấp, giá cả cũng như đầu ra sản phẩm bấp bênh. Song, nhờ có các chuyên gia ở Trường ĐH An Giang hướng dẫn, động viên và hỗ trợ thị trường nên hiện nay sản phẩm lúa mùa nổi đã có chỗ đứng ổn định.

“Hiện giá lúa vào khoảng 14.000 đ/kg, gạo khoảng 24.000- 25.000 đ/kg. Mỗi công đất có khoảng 10- 12 giạ thì so sánh ra, giá trị kinh tế vẫn ổn định so với trồng lúa 3 vụ.

Tuy nhiên, cái lợi ở đây chính là còn giữ được nguyên một diện tích đất tự nhiên để đón mùa nước về, sản phẩm lúa không phân thuốc bảo vệ thực vật, kéo theo đó là giữ ổn định cả một hệ thống sinh thái, thủy sản trên đồng ruộng. Tất cả những thứ đó chỉ để khẳng định là đất sạch, nông sản sạch và bảo đảm sức khỏe cho người…”- Tư Hào chia sẻ.

Cây lúa mùa nổi được nông dân sạ vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 âl rồi cứ phó mặc cho thiên nhiên, cây lúa hấp thu phù sa mà lớn lên và thu hoạch vào “lối” tháng 12 âl. Thời gian còn lại, họ sử dụng đất trống để trồng khoai mì, củ kiệu hay bầu, bí,…

Qua thời gian kiểm chứng, chỉ có khoai mì là chịu đựng tốt trên đất này. Ông Tư Hào cho biết, mỗi công sẽ có năng suất 30 tạ với giá dao động tùy năm khoảng 170.000- 270.000 đ/tạ, kết hợp khoai mì và lúa mùa nổi sẽ cho ra bài toán kinh tế tốt, bền vững cho cả đất và nông dân bám đất.

“Lúa cắt xong thì để lại lớp rạ dày cả tấc trồng khoai mì, cũng không cần phải sử dụng thuốc để diệt cỏ, phân bón gì hết trơn. Trồng cây khoai mì thì thương lái đến tận ruộng để mua, giờ làm nông dân mà trồng lúa mùa nổi, trồng khoai mì thì… khỏe re!”- Tư Hào cười rạng rỡ.

Chúng tôi men theo con đường về xã Ba Chúc, sau đó rẽ vào UBND xã Vĩnh Phước để ghé thăm khu bảo tồn lúa mùa nổi An Giang. Gần 1 tiếng đồng hồ chúng tôi “vật lộn” với con đường nhỏ vừa trải qua trận ngập.

Có những đoạn sình lầy ngập nửa bánh xe, xung quanh nước nổi trắng đồng. Bông súng mọc đầy mặt nước cùng với hàng chục loại rong rêu quen thuộc hồi sinh cùng con nước.

Chúng tôi đến nhà vợ chồng chú Tư Khâu (ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn) cũng là lúc trời đã nhá nhem tối. Cảnh thanh bình của cả một cánh đồng lúa mùa nổi hiện về với nhiều hình ảnh thiên nhiên, hệ sinh thái còn đầy đủ “gói ghém trong ký ức một vùng quê mùa nước nổi”.

Giữa đồng không mông quạnh, chú Tư “hê” một tiếng nhà có khách, thím Tư lẹ làng nhảy xuống xuồng nhổ mấy cọng bông súng sau nhà, chút xíu sau đã thấy một mâm đầy đủ các loại cá đồng và dĩ nhiên không thiếu chai rượu đế. Thím Tư Khâu xởi lởi kể, mình dân gốc Hậu Giang, lên đây mua đất sản xuất lúa mùa nổi đã mấy mươi năm nay. Đây là đất, là ngôi nhà thứ 2 mà “mỗi khi xa lại thấy nhớ…

Thím Tư cho biết, vợ chồng năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng vẫn còn đủ sức khỏe để làm 65 công ruộng lúa mùa nổi kết hợp với trồng khoai mì. “Đó, mấy chú thấy không, cặm cần câu ra ngoài đồng chút là có cá. Còn rau, bông điên điển thì mọc đầy ngoài ruộng. Khách đến giờ nào cũng có cái để nhâm nhi, hết thảy là đồ sạch, sạch hết…”.

Vào thăm vùng lúa mùa nổi này, chúng tôi lại thấy nơi đây còn ươm giữ trọn vẹn lối sống thuận hòa cùng thiên nhiên, thiệt bụng trong làm ăn, chân tình, hiếu khách… Đâu có khác gì con người Nam Bộ hồi buổi đầu khai khẩn đất hoang...

Những nông dân gắn bó lâu đời với cây lúa mùa nổi đã “điểm danh” những đỉnh nước lịch sử các năm: 1978, 2004, 2011 và con nước năm nay, vẫn không cách gì “nhấn chìm” được cây lúa. Mỗi ngày đêm, nước dâng vài tấc là chuyện thường. Khi gặp con nước chụp ngập lút đọt lúa hàng thước thì mấy bữa sau nó vẫn vượt lên phơi phới, xanh um.

“Ruộng lúa mùa Tư Việt”

Từ những thực tế từ vùng lúa mùa nổi Tri Tôn, chúng tôi có dịp quay mình lại với đồng ruộng lúa mùa (khác với lúa mùa nổi) của ông Tư Việt (Lê Quốc Việt) ở huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Chào đón chúng tôi là nụ cười hết cỡ của Tư Việt và những ngọn gió mơn man tựa hơi thở mát lành thổi vào từ trang trại lúa mùa canh tác theo lối tự nhiên. Càng về khuya, câu chuyện càng rôm rả cùng “chai rượu đế ngâm rau đắng đất đã lưng bộn”.

Tiếng cá rô đồng ăn mống tanh tách, thỉnh thoảng cá lóc đớp mồi bầm bập dưới các ao đìa xung quanh.

Trên những hàng tràm, đám bông điên điển, đom đóm cũng đã lên đèn chớp tắt liên tục, hòa trong không gian uềnh oang của ếch nhái, ễnh ương, bồ tọt… như đưa chúng tôi sống lại với không gian, thời gian của một thuở những cánh đồng Nam Bộ còn tinh khiết hương thơm, gió lành của những cánh đồng còn chưa bị ô nhiễm sặc mùi thuốc sâu như ngày nay.

Là Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Minh Lương, một thời làm Bí thư Đảng ủy xã lăn lộn hàng chục năm trời cùng nông dân và xa hơn chút nữa từ thuở thiếu thời, Tư Việt đã gắn bó với ruộng đồng như tình yêu đã lặn sâu vào trong huyết quản.

Tất cả thể hiện qua từng câu nói, từng hành động mà Tư Việt có thể sống chết với mảnh đất này, nên mới sanh ra cái trang trại phải “vay chỗ này, chạy chỗ kia” mới đủ tiền gom đất, đầu tư mô hình lúa mùa thuận thiên này…

Nhóm nghiên cứu dự án ghi chép số liệu trên ruộng lúa mùa nổi An Giang.
Nhóm nghiên cứu dự án ghi chép số liệu trên ruộng lúa mùa nổi An Giang.

Tư Việt bồi hồi nhắc lại cái thuở vừa lên 8- 9 tuổi là lúc mà ông tiếp xúc với cây lúa mùa. Lúc đó còn ở với ông bà ngoại, cây lúa mùa đã thổi vào tâm hồn trẻ thơ biết bao kỷ niệm, những ký ức khó mờ. Đến 13 tuổi, đây là lúc “mình chính thức làm nông dân” khi “ông già” mất, bắt đầu cuộc đời “gác ách” gắn bó máu thịt với cây lúa mùa.

Lúc đi học ĐH vào 1982 với chuyên ngành trồng trọt, các kiến thức học trồng trọt đều là lúa mới- 2 vụ, lúa thần nông, riêng về cây lúa mùa thì rất ít tài liệu và không được dạy trong trường ĐH. Đây cũng là cơ duyên và là động lực âm thầm tích lũy mơ ước cho ruộng lúa mùa thuận thiên hiện nay.

“Mới đầu có 2 công đất, sau đó rồi mấy anh em gom lại, đến năm 2017, thời cơ đến để thực hiện ước mơ. Gian nan lắm, giờ tổng nợ hơn 1,7 tỷ đồng với miếng ruộng lúa mùa hơn 5ha còn chưa biết sẽ ra sao… Đó là chưa nói đến đang còn nhiều ý tưởng nhưng chưa thực hiện được”- ông Tư Việt bộc bạch.

Cái thành công nhất của ruộng lúa mùa Tư Việt chính là việc ông đã tổ chức được chương trình “Ngày hội lúa mùa” vào cuối năm 2017. Ở đây, chương trình chỉ là một bữa cơm thân mật chỉ để cảm ơn tất cả những người đã ở bên, sát cánh cùng mình làm mô hình lúa mùa thuận thiên.

Ngày hội cũng đã tái hiện lại khung cảnh sản xuất và thu hoạch lúa mùa ngày xưa, chứng kiến lại quy trình gặt, xâu kéo, đập lúa,… như thế nào… “Tất cả những gì tôi làm, cho đến tận bây giờ đều xuất phát từ một tấm lòng về cây lúa mùa, muốn để cho con cháu, những thế hệ sau này biết được… ừ, trên quê hương này, ngày xưa có khung cảnh đồng ruộng lúa mùa tự nhiên, mênh mông như thế…”- ông Tư Việt trầm ngâm, dường như lắng lại lòng mình để nghe âm vang êm đềm của khúc giao hưởng đồng quê đang trỗi lên trong đêm vắng.

Hẳn trong ông cũng đang bộn bề bao suy tư, trăn trở về dự định xây dựng rộng ra vùng lúa mùa thuận thiên trên vùng đất Minh Lương này. Xây dựng lại những cánh đồng thuần khiết, mà giữa trưa nắng cháy, có thể theo dấu chân trâu hay cứ tự nhiên bụm tay vũng nước giữa ruộng mà uống ngon lành.

Đồng ruộng không chỉ là chuyện mưu sinh, mà đối với vùng lúa mùa nổi Tri Tôn hay trang trại lúa mùa đơn độc của Tư Việt đó là cả một gia tài văn hóa từ tình cảm, truyền thống gia đình, cho đến mối quan hệ mật thiết giữa những con người nông dân sống, đối đãi với nhau theo cái đạo nghĩa tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau cấy, gặt vần công.

Một thuở con người ứng xử thân thiện với thiên nhiên và đối đãi với nhau đầy ân tình, hào sảng, nghĩa nhân... Những giá trị văn hóa, những di sản của lối canh tác thuận lẽ tự nhiên cũng chính là những giá trị sẽ làm nên thương hiệu hạt gạo Việt trong tương lai.

Lê Quốc Việt (Tư Việt)- chủ trang trại ruộng lúa mùa ở Kiên Giang

“Nhớ lại, những ký ức bắt đầu sống dậy, rồi thôi thúc, thôi thúc rồi thực hiện ước mơ xây dựng một trang trại lúa mùa. Ai cũng nói tôi khùng, bây giờ là thời đại 4.0, ai lại đi làm mấy chuyện này, nhưng đã quyết tâm làm thì rốt cuộc cũng làm được. Đường tôi đi không khó, mà không có đường tôi về…”

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: Nhóm PV

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh