Nhiều người cho rằng, xe buýt mất thời hoàng kim là do cạnh tranh không lại các phương tiện giao thông khác, người đi xe buýt cũng dần quên những tiện ích mà xe buýt mang lại, khiến xe buýt mỗi năm mỗi vắng. Còn lý do gì khác không?
Nhiều người cho rằng, xe buýt mất thời hoàng kim là do cạnh tranh không lại các phương tiện giao thông khác, người đi xe buýt cũng dần quên những tiện ích mà xe buýt mang lại, khiến xe buýt mỗi năm mỗi vắng. Còn lý do gì khác không?
Xe buýt ngày càng vắng người đi. |
Những chuyến xe thưa dần, những nhà chờ vắng bóng
Tiện ích đấy, rẻ tiền đấy nhưng xe buýt ngày nay đã ngày càng vắng bóng khách. Hàng ngày có hàng chục chuyến xe buýt lăn bánh nhưng hành khách đã ngày một vơi dần, vơi dần...
Ghi nhận của phóng viên trên một số tuyến xe buýt, nhiều chuyến xe chỉ còn chở hàng hóa là nhiều, đa số là trái cây, hàng nặng, cồng kềnh, có chuyến chỉ có dăm ba người khách.
Chú Ba- tài xế lái xe tuyến Tích Thiện (Trà Ôn- TP Vĩnh Long) bày tỏ: “Qua rồi thời “oanh liệt” của xe buýt. Tôi chạy xe cũng mấy chục năm rồi, chạy riết quen, ế đắt gì cũng chạy. Yêu nghề này mà, với lại nếu nghỉ thì tôi cũng không biết làm nghề gì”.
Trên một chuyến xe buýt từ TP Vĩnh Long về thị trấn Vũng Liêm, có đến hơn 3 lần tài xế buông tiếng thở dài than “ế chổng gọng” nữa rồi, bởi trên xe hiện tại chỉ có 3 người khách “bao xe”, dọc đường đến đoạn Long Hồ, xe ghé rước thêm 1 khách nữa là 4 khách. Chủ xe phân trần: “Cuối tuần có sinh viên thì còn “có ăn” chứ ngày thường thì xui nhiều hơn hên”.
Không chỉ những chuyến xe buýt buồn, chở theo bao tiếng thở dài của tài xế cùng lăn bánh mà những nhà chờ, những bến ghé xe buýt cũng cùng chịu “chung số phận” hẩm hiu, hắt hủi.
Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn tỉnh còn rất ít nhà chờ xe buýt và bến đỗ đợi khách. Hầu hết nhà chờ nằm rải rác trên địa phận Long Hồ, Tam Bình...
Tuy nhiên số nhà chờ này không chỉ “mặc áo” cũ mà còn rách nát, xuống cấp, có nơi hư hỏng trầm trọng, không còn khả năng sử dụng. Có nhà chờ chỉ còn trơ mái che rỉ sét, không có ghế ngồi, dưới đất thì vương vãi rác, bọc ny lông, thậm chí còn có kim tiêm đã qua sử dụng!
Cô Tư- bán nước mía ở cầu Ba Càng (Song Phú- Tam Bình) cho hay: “Trước đây chỗ này sung lắm à, bến xe buýt mà, nhiều người chờ lắm. Quán tui cũng “ăn ké” theo. Giờ người ta ít đi xe quá, bến vắng dần, riết nhà chờ cũ quá bị tháo đi luôn. Giờ xe buýt tuyến TP Vĩnh Long đi Cần Thơ cũng ít ghé chỗ này lắm. Nghĩ mà buồn”.
Chị Nguyễn Thị Liên- chủ tuyến xe Vũng Liêm- TP Vĩnh Long cho hay: Hiện có nhiều tuyến đã dừng do ế khách quá. Tuy nhu cầu người dân vẫn còn tuy nhiên khách mỗi ngày mỗi vắng nên doanh nghiệp khó kham nổi. Nhiều chiếc xe buýt chừng vài năm nữa cũng “hết đời”. Chị Liên trầm ngâm nói: “Ngày xưa xe xấu đẹp gì cũng có người đi, giờ xe đẹp xe xấu gì cũng ít đi, có ngày tìm người đi cũng đỏ con mắt”.
Nhà chờ xe buýt cũ kỹ, xuống cấp. |
Xe ế, vì đâu?
Có rất nhiều lý do lý giải vì sao xe buýt ế, “mất điểm” với người dân. Mỗi lần nhắc đến đi xe buýt là chị Lê Thảo Trang (Phường 2- TP Vĩnh Long) lại thở dài ngao ngán.
Chị Trang bày tỏ: “Muốn tiết kiệm nên trước đây tôi cũng hay về quê bằng xe buýt mà đi mấy lần thấy ngán quá. Xe cũ, trời nắng chang chang lại không có quạt, máy lạnh gì hết, ghế thì cũ, rách lòi cả ruột. Phản ánh với tài xế thì tài xế mở cửa sổ, “hóng gió trời” mà nắng hắt vào còn chói dữ nữa”.
Thêm vào đó, không ít người phàn nàn, thái độ phục vụ, cách ứng xử của tài xế lẫn phụ xế vẫn không được lòng nhiều người. Và điểm trừ đầu tiên của tài xế là hút thuốc trên xe, lái ẩu, nói tục, “lên giọng” với khách...
Chị Trang kể thêm: “Một lần vừa lên xe là tài xế châm điếu thuốc phì phèo, lại còn nghe điện thoại rồi lái xe một tay nữa chứ. Đi mấy lần thấy vậy hoài, tôi ớn quá”. Nhiều hành khách cho hay, dù có phản ánh nhiều lần nhưng rồi “đâu lại vào đấy” nên nhiều khi đi xe buýt cũng chỉ biết “bấm bụng” cho qua.
Lý giải nguyên nhân xe buýt vắng khách và những khó khăn xe buýt đang gặp phải, ông Phan Tấn Hậu- Phó Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải)- cho biết: Mặc dù hạ tầng giao thông của tỉnh được chú trọng đầu tư phát triển song hệ thống nhà chờ điểm dừng đón trả khách điểm đầu điểm cuối tuyến xe buýt chưa được đầu tư đồng bộ, đúng quy định.
Chất lượng xe buýt hiện nay đang xuống cấp, phần lớn là ô tô khách, tuy nằm trong niên hạn sử dụng nhưng tất cả đều không đạt tiêu chuẩn xe buýt theo quy định. Trong khi đó, hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt chưa nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, anh Nguyễn Văn Bé Ba- cho thuê đất làm bãi đậu xe buýt ở xã Tích Thiện (Trà Ôn) hơn 10 năm cũng cho rằng: “Xe buýt có ưu điểm là giá rẻ, tránh được mưa nắng an toàn hơn xe máy nhưng xe buýt ngày nay đã cũ kỹ lỗi thời. Nhiều chủ xe không chịu đầu tư cho xe nên xe không đầy đủ tiện nghi, khách ngại đi”.
Chú Bùi Thành Bé- Phó ban Quản lý chợ Hựu Thành cũng cho hay: “Tôi thấy nhu cầu đi xe buýt ở đây vẫn còn nhưng chợ lại không có bến xe buýt, vả lại giờ giấc xe không ổn định, nhiều tuyến hay “câu giờ” nên khách không biết giờ nào mà đón”.
Còn anh Lương Văn Thảo- Trưởng ban Quản lý bến xe khách TP Vĩnh Long- thì cho rằng: Trước đây vài năm có thêm tuyến Mang Thít, Tam Bình, Bình Tân nhưng ế quá nên đã nghỉ. Xe buýt ngày một vắng khách là do tuyến đường trong nội ô ngắn, khó triển khai hệ thống xe buýt trong nội ô.
Bên cạnh đó, hiện nay xe máy phát triển nhiều, đồng thời, thái độ phục vụ của tài xế xe buýt cũng cần phải xem lại. Không chỉ vậy, xe dù xe cóc rước chung tuyến nên xe buýt gặp khó.
Có thể thấy, những câu chuyện về xe buýt bỏ bến, bỏ điểm dừng, xả khói đen, hành khách khó tiếp cận hay có lúc xe buýt đã bị coi là “hung thần xa lộ”… khiến người dân vẫn chưa có cái nhìn nhiều thiện cảm về xe buýt. Song song đó, vấn đề quản lý điều hành yếu kém, cơ chế chính sách hỗ trợ cho phát triển vận tải xe buýt chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân thực trạng xe buýt ngày càng ế khách.
Và nhiều người cũng cho rằng xe buýt chỉ để dành cho người thu nhập thấp, trong khi hiện trạng xe buýt xuống cấp hiện nay cũng đã khiến không ít người “lắc đầu” khi chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển. Vậy, làm thế nào để tạo sức hút cho xe buýt, làm cho xe buýt trở thành bạn đồng hành của người quê lẫn người thị thành? Điều đó rất cần sự chung tay cố gắng nỗ lực của nhiều ngành lẫn người dân.
Theo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái: Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 bến xe khách đang được quản lý khai thác, phục vụ cho 56 tuyến vận tải hành khách cố định (54 tuyến liên tỉnh 2 tuyến nội tỉnh) và 10 tuyến xe buýt đang hoạt động (3 tuyến liên tỉnh, 7 tuyến nội tỉnh). Một số bến xe đã được đầu tư xây dựng tương đối khang trang, đạt tiêu chuẩn nhưng phần lớn bến được xây dựng với quy mô nhỏ và đơn giản, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Bên cạnh đó một số địa phương chưa có bến xe khách nên dẫn đến tình trạng phương tiện vận tải phải dừng đỗ dọc đường để đón, trả khách, gây mất trật tự và không đảm bảo an toàn giao thông. Bến xe rộng nhất là bến xe khách Vĩnh Long với diện tích đỗ 5.500m2, bến xe TX Bình Minh 2.000m2, bến xe Tam Bình trên 1.000m2... |
Bài, ảnh: THẢO LY
(Còn tiếp)
Các tin liên quan |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin