Kênh online: Sân chơi "màu mỡ" cho doanh nghiệp

01:09, 07/09/2018

Nhận định kênh mua bán trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thị trường công nghệ số đang phát triển mạnh như hiện nay nên nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động, mạnh dạn mở thêm kênh bán hàng online, song song cùng kênh offline. 

Nhận định kênh mua bán trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thị trường công nghệ số đang phát triển mạnh như hiện nay nên nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động, mạnh dạn mở thêm kênh bán hàng online, song song cùng kênh offline.

Từ đó DN có thêm cơ hội mở rộng kênh bán hàng, tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng. Không ít DN, cơ sở đã dần “ăn nên làm ra” nhờ bán hàng trực tuyến.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang bán hàng online.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang bán hàng online.

Online: “Mảnh đất màu mỡ”, nhiều tiềm năng

Trước thị trường công nghệ số phát triển mạnh mẽ, nhiều DN cho rằng đây chính là cơ hội cho các DN kinh doanh trực tuyến trên mạng và sẽ trở thành “mảnh đất màu mỡ” giúp DN mở rộng thị trường,
tăng doanh thu.

Nhiều người tiêu dùng hiện nay cũng có xu hướng chuyển sang mua hàng online nhiều hơn bởi có nhiều tiện ích.

Trước hết là tiết kiệm thời gian bởi thay vì phải mệt mỏi chờ đợi và chen chúc trong các khu chợ, siêu thị, để mua hàng, đôi khi còn bị nhân viên bán hàng “hoạnh họe, nhăn nhó, cau có” thì chỉ cần một vài cú click chuột là có thể chọn được món đồ ưa thích.

Nắm bắt được tâm lý này của người tiêu dùng, nhiều DN, cơ sở đã chuyển sang kênh bán hàng online để phục vụ người tiêu dùng. Sản phẩm nào cũng có, giá nào cũng có, từ sản phẩm điện máy, gia dụng, quần áo, thực phẩm,...

Nếu như trước đây, không ít cơ sở chia sẻ còn ngại ngùng khi bán hàng online, vì không biết thiết kế trang web, không biết giới thiệu trực tiếp, không có khả năng livestream (phát trực tiếp)... thì hiện nay cơ sở, DN đã mạnh dạn hơn, chủ động hơn bởi nhận thức được rằng chính kênh online là kênh bán hàng- giới thiệu sản phẩm hiệu quả,

tiết kiệm chi phí nhất vì không tốn phí mặt bằng, không tốn phí quảng cáo, lại có thể tiếp nhận ý kiến khách hàng nhanh chóng hơn.

Kênh online không chỉ là mảnh đất dành cho DN lớn mà còn là cơ hội cho DN nhỏ, sản phẩm mới khởi nghiệp tiếp cận thị trường nhanh hơn.

Như anh Nguyễn Văn Sol- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Mỹ thuật Tây Long (Long Hồ) cho hay: “Do tiếp cận thị trường không lâu nên sản phẩm chủ yếu bán qua kênh online, nhờ thiết kế trang web bắt mắt, thông tin giới thiệu sản phẩm với khách hàng rõ ràng nên sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Tương tự sản phẩm trà khổ qua rừng của Công ty TNHH 1TV SX TM Nông lương Việt Nam cũng được người tiêu dùng tiếp cận qua kênh bán hàng online. Đại diện công ty cho hay: Do sản phẩm còn mới nên chủ yếu giới thiệu cho người tiêu dùng biết công dụng của sản phẩm, nhờ tư vấn rõ ràng nên người tiêu dùng cũng dần tiếp nhận.

Nhiều sản phẩm tại Vĩnh Long cũng được nhiều người tiêu dùng biết đến qua kênh bán hàng online như cơm sấy Nhật Quỳnh, bánh trung thu Hải Ký, kẹo đậu phộng Sơn Hải, bánh tráng giấy Tường Lộc...

Không chỉ thường xuyên “up date” thông tin mới, DN bán online còn tích cực chăm sóc khách hàng qua các dịch vụ hậu mãi, thông tin đến người tiêu dùng các đại lý phân phối sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng mua sản phẩm hơn.

Thường chọn mua sản phẩm online, chị Phương Thủy (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: “Vì làm việc theo giờ hành chính, chỗ làm lại khá xa nhà nên thường phải đi sớm về muộn không có nhiều thời gian đi mua sắm nên tôi tranh thủ thời gian đặt đồ online giao tới tận nhà, nhờ vậy tiết kiệm được khá nhiều thời gian, sản phẩm nhận được cũng chất lượng, giá cả hợp lý nên tôi thích mua online hơn”.

Song song “on và off”

Song song với bán hàng online, doanh nghiệp không quên bán hàng theo phương thức truyền thống.
Song song với bán hàng online, doanh nghiệp không quên bán hàng theo phương thức truyền thống.

Đánh giá kênh online là mảnh đất màu mỡ bởi DN cho rằng nếu phát triển kênh bán hàng truyền thống thì DN sẽ khó cạnh tranh hơn khi áp dụng cả phương thức truyền thống và trực tuyến, mỗi kênh bán hàng đều có ưu- nhược điểm riêng, bổ trợ cho nhau, không chỉ giúp DN khắc phục lỗ hổng mà còn đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng hơn.

Không chỉ vậy, nếu sử dụng duy nhất một kênh thì DN sẽ mất đi cơ hội bán hàng. Ví dụ, chỉ dựa vào các cửa hàng bán lẻ thì sẽ mất đi những khách hàng tiềm năng là thế hệ trẻ dành nhiều thời gian để online.

Trong khi đó, nếu chỉ tập trung bán hàng trực tuyến, có thể bỏ qua những khách hàng thích mua sắm trực tiếp, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ.

Bởi nhiều người tiêu dùng có tâm lý tìm kiếm thông tin về sản phẩm qua các kênh online nhưng vẫn thích đến trải nghiệm thực tế trước khi mua hàng. Vì họ còn thiếu sự tin tưởng khi mua hàng trên mạng.

Do đó, khi áp dụng song song 2 phương thức kinh doanh, khách hàng có thể vào cửa hàng trực tuyến xem thông tin sản phẩm, đặt hàng và có thể đến nhận hàng tại cửa hàng truyền thống.

Hoặc khách có thể mua hàng ở cửa hàng truyền thống, nhưng khi cần thắc mắc, có thể lên mạng và hỏi đáp trực tuyến với nhân viên phụ trách bộ phận của công ty. Đây là một thế mạnh kênh online mà kênh truyền thống tại các chợ hay cửa hàng không làm được.

Tuy nhiên, không ít DN cũng đã bị thất thủ vì kênh online. Vậy nên muốn kinh doanh online sao cho hiệu quả, trước hết DN, cơ sở cần xác định đúng phân khúc thị trường và tìm hiểu đối tượng khách hướng tới cần những gì, đồng thời sản phẩm làm ra bên cạnh đảm bảo chất lượng cũng phải tạo sự mới mẻ, khác biệt để thu hút khách hàng.

Song song đó, hiện nay cũng có không ít trang bán hàng “treo đầu dê bán thịt chó” hoặc những trang web giả mạo, do đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin, tìm đúng những trang bán hàng chính hãng, cần thỏa thuận kiểm tra hàng rõ ràng khi nhận hàng để tránh mất tiền oan vì mua hàng trên mạng.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh