Chủ động xả lũ đón phù sa

11:09, 25/09/2018

Nhằm chủ động xả lũ đón phù sa vào đồng ruộng, mùa lũ năm nay, huyện Bình Tân có kế hoạch xả lũ 9/11 xã của huyện với tổng diện tích dự kiến trên 8.300ha. Thời gian bắt đầu xả lũ dự kiến từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 10 âl.

 

 

Vừa qua, tại 2 ấp Thành Hưng và Thành Lộc (xã Thành Trung) đã thu hoạch khoai xong nên xả lũ trắng đồng.
Vừa qua, tại 2 ấp Thành Hưng và Thành Lộc (xã Thành Trung) đã thu hoạch khoai xong nên xả lũ trắng đồng.

Nhằm chủ động xả lũ đón phù sa vào đồng ruộng, mùa lũ năm nay, huyện Bình Tân có kế hoạch xả lũ 9/11 xã của huyện với tổng diện tích dự kiến trên 8.300ha. Thời gian bắt đầu xả lũ dự kiến từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 10 âl.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, trong năm 2017, toàn huyện có 9/11 xã tiến hành xả lũ đón phù sa, với tổng diện tích trên 6.000ha, tập trung nhiều tại các xã Nguyễn Văn Thảnh, Mỹ Thuận, Tân Thành, Thành Trung, Tân Hưng,...

Thời điểm xả lũ phổ biến bắt đầu từ đầu tháng 8 và kết thúc vào đầu tháng 10 âl, độ ngập sâu từ 20- 70cm. Diện tích được xả lũ ngắn nhất là 15 ngày và cao nhất là 101 ngày, bình quân khoảng 56 ngày đối với cây khoai lang, 32 ngày đối với dưa hấu và 70 ngày đối với cây lúa.

Qua khảo sát của ngành chuyên môn, việc xả lũ mang lại hiệu quả rất lớn đối với quá trình phát triển nông nghiệp của địa phương.

Cụ thể, đối với cây màu ngoài năng suất được tăng đáng kể còn giúp người dân tiết kiệm chi phí phun thuốc và phân bón từ 3,2- 4,2 triệu đồng/ha/vụ. Đối với cây lúa, giảm chi phí phun thuốc và phân bón trên 700.000 đ/ha/vụ và năng suất tăng bình quân trên 1 tấn/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Trí- công chức phụ trách tổng hợp Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân: Vì là vùng trồng màu, nông dân thường tranh thủ thời gian trong năm trồng trái vụ để nông sản bán được giá cao. Tuy nhiên, năm nào huyện cũng có diện tích xả lũ, có cả một số vùng tuy không xả lũ chính thức 2- 3 tháng nhưng cũng xả được 10- 20 ngày.

Có thể nói, xã Nguyễn Văn Thảnh và Mỹ Thuận là 2 xã có diện tích xả lũ truyền thống lớn nhất của huyện Bình Tân. Cụ thể, xã Nguyễn Văn Thảnh có khoảng 1.400- 1.500ha, Mỹ Thuận có 800- 1.000ha.

Hiện 2 xã này đã thu hoạch xong hàng trăm hecta lúa, dự kiến sắp tới khi thu hoạch xong sẽ cho nước lũ tràn đồng. Đây là 2/11 xã của huyện còn sản xuất 3 vụ lúa mỗi năm nên “tới mùa lũ là nước linh binh như biển”.

Bên cạnh, 2 xã Thành Trung và Tân Thành có diện tích xả lũ chừng 400- 500 ha/xã, các xã còn lại chừng 100- 200ha. “Vừa qua, 2 ấp Thành Hưng và Thành Lộc (xã Thành Trung) đã thu hoạch khoai xong nên xả lũ trắng đồng, nước hiện cao cỡ nửa ống chân”- ông Nguyễn Văn Trí cho biết vậy.

Ông Nguyễn Văn Thạnh (ấp Hưng Thuận, xã Tân Hưng) cho biết khu vực mà ông sản xuất bờ bao chưa đảm bảo. Đợt triều cường vừa qua có nhiều đoạn bị tràn khiến ruộng khoai bị ngập. Khi thu hoạch xong lứa khoai này thì nơi đây sẽ được xả lũ để lấy phù sa cho đất, người dân ở đây đã đồng thuận với chủ trương này từ năm 2017.

Bên cạnh những mặt thuận lợi vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác xả lũ là nông dân còn sản xuất tự phát, không theo lịch thời vụ, vườn cây ăn trái đan xen trong khu vực sản xuất rau màu nên gây khó cho việc xả lũ.

Theo ông Lê Văn Khoa- Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, mùa lũ hàng năm thì Tân Hưng có diện tích xả lũ đáng kể khoảng 750ha. Tuy nhiên, do người dân sản xuất không theo lịch thời vụ nên việc vận động xả lũ vẫn gặp không ít khó khăn.

Do đó, khâu vận động nhân dân đồng thuận sẽ được xã tập trung chỉ đạo để nâng cao diện tích xả lũ nhằm tạo phù sa cho đất, tiêu diệt mầm bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Một trong những cái khó hiện nay là khi xả lũ với độ ngập sâu nếu cùng thời điểm với mưa dầm không thoát nước được thì nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ lân cận.

Ở khu vực trồng lúa thì việc xả lũ dễ dàng hơn nhưng đối với vùng trồng màu chuyên canh, bờ liếp cao hơn bờ thửa tập trung ở các xã Tân Quới, Tân Bình và một phần của xã Thành Lợi, Thành Đông, Tân Lược, Tân An Thạnh nếu không bố trí cây trồng tập trung cùng 1 giống hay trồng đồng loạt để thu hoạch cùng 1 thời điểm thì không thể xả lũ, vì nếu xả lũ sẽ tràn vào các thửa xung quanh gây thiệt hại cho người dân.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả xả lũ, huyện Bình Tân chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và UBND các xã rà soát, khảo sát các khu vực để xây dựng kế hoạch xả lũ theo từng khu vực ô bao, tiến tới xả lũ trên toàn địa bàn. Riêng đối với các khu vực sản xuất rau màu chuyên canh thì vận động 1- 2 năm xả lũ 1 lần.

Theo đó, tùy vào điều kiện đất đai, cây trồng mà cơ cấu lại thời vụ sản xuất phù hợp theo hướng chủ động xả lũ đón phù sa vào đồng ruộng, với tổng diện tích dự kiến trên 8.300ha, tại 9/11 xã trong toàn huyện (trừ 2 xã là Tân Bình và Tân Quới điều kiện xả lũ gặp nhiều khó khăn vì 2 địa phương này chủ yếu là diện tích trồng màu và vườn cây ăn trái).

Tuy nhiên, nếu điều kiện cho phép, đối với các xã trồng chuyên màu là Tân Bình, Tân Quới, Tân An Thạnh và một phần diện tích của các xã Thành Đông, Thành Lợi, Tân Lược khuyến cáo người dân bố trí trồng màu có thời gian thu hoạch vào khoảng tháng 9 âl sau đó xả lũ đến giữa tháng 10 âl và giữ khô làm đất trồng màu vụ Đông Xuân 2018- 2019.

Bài, ảnh: SƠN- HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh